Về tình hình giải ngân, Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan liên quan thực hiện các giải pháp hữu hiệu nhằm đơn giản hoá thủ tục, giảm chi phí giao dịch… đẩy nhanh tốc độ giải ngân và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ODA. Tuy vậy, trong thực tế mức giải ngân ODA diễn ra không đều giữa các lĩnh vực. Những dự án thuộc lĩnh vực điện, giao thông, nông nghiệp và phát triển nông thôn nhìn chung có mức giải ngân khá, trong khi dự án thuộc lĩnh vực phát triển đô thị, tài chính - ngân hàng, giáo dục lại thường chậm. Có nhiều nguyên nhân, cả chủ quan lẫn khách quan, song tốc độ giải ngân phần lớn phụ thuộc vào năng lực của các ban quản lý dự án, quy định của nhà tài trợ, sự quan tâm của chính quyền địa phương cũng như điều kiện đặc thù của lĩnh vực tiếp nhận vốn. Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhận định, tỷ lệ giải ngân ở Việt Nam còn thấp so với mức trung bình của khu vực. So với mức giải ngân bình quân của khu vực, thì mức giải ngân của Việt Nam hiện mới chỉ bằng khoảng 70-80%. Đương nhiên, sự chậm trễ trong triển khai thực hiện các chương trình, dự án đã làm giảm hiệu quả đầu tư, gây lãng phí lao động, chi phí quản lý và phát sinh xáo trộn trong việc thực hiện quy hoạch tổng thể các ngành, địa phương. Điều đó còn ảnh hưởng đến lòng tin của nhà tài trợ, trong bối cảnh việc tiếp cận lượng vốn toàn cầu ngày càng khó khăn hơn cũng như có sự cạnh tranh gay gắt trong thu hút ODA giữa các nước nghèo.
Từ thực tiễn trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang khẩn trương nghiên cứu, áp dụng một số giải pháp để tăng tốc độ giải ngân trong thời gian tới. Giải pháp hàng đầu là các bộ, ngành và địa phương phải quán triệt, thực hiện đầy đủ những quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA, phối hợp chặt chẽ với Tổ công
tác ODA của Chính phủ để tháo gỡ những vướng mắc. Đối với những hợp đồng xây dựng chịu ảnh hưởng do biến động giá, nhất là nguyên, vật liệu xây dựng, nhiên liệu, nếu được nhà tài trợ chấp thuận cho điều chỉnh giá, các cơ quan hữu quan cần phối hợp khẩn trương hoàn tất thủ tục pháp lý để đẩy nhanh tốc độ thực hiện dự án. Trong trường hợp không thỏa thuận được với nhà tài trợ chủ dự án phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép sử dụng vốn đối ứng để bổ sung phần thiếu hụt...
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng xem xét cải tiến cơ chế bố trí vốn đối ứng phù hợp và linh hoạt với hoàn cảnh thực tế, tạo thuận lợi hơn trong việc tiếp nhận, thực thi của các cấp, đơn vị liên quan. Mặt khác, Bộ sẽ tổ chức những khóa đào tạo nâng cao năng lực cán bộ cơ quan quản lý ODA ở các cấp theo hướng chuyên nghiệp, phù hợp thông lệ quốc tế… Đặc biệt, các bộ, ngành và địa phương sẽ phối hợp trong giải quyết một số vấn đề "nóng", phức tạp như di dân, giải phóng mặt bằng, tái định cư, định mức chi phí quản lý, xây dựng.
Ngoài ra, việc Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức hỗ trợ sử dụng cơ sở dữ liệu về hỗ trợ phát triển (DAD Việt Nam) tại địa chỉ
www.dad.mpi.gov.vn, để báo cáo tình hình ký kết và giải ngân, góp phần hài
hòa hóa thủ tục trên diện rộng trong cộng đồng tài trợ ODA cho Việt Nam. Nhằm phát triển sự hợp tác trên cơ sở đồng thuận, sắp tới Việt Nam và nhà tài trợ cũng sẽ phối hợp để tiến tới thực hiện chính sách một cửa đối với dự án sử dụng vốn ODA.