Bảo vệ môi trường, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và nông thôn

Một phần của tài liệu Hỗ trợ phát triển chính thức ( ODA ) của liên minh Châu Âu ( EU ) đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam (Trang 83)

Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kết hợp xóa đói giảm nghèo được

coi là một trong các ngành và lĩnh vực ưu tiên vốn ODA tại Việt Nam. Trong thời kỳ 1993-2008, các chương trình và dự án ODA đã được ký kết đạt tổng trị giá khoảng 5,5 tỷ USD [43]. Nhiều dự án quy mô lớn như Dự án giảm nghèo ở các tỉnh vùng núi phía Bắc, Dự án phát triển cơ sở hạ tầng nông thôn dựa vào cộng đồng, Dự án phát triển sinh kế miền Trung, Chương trình cấp nước nông thôn, giao thông nông thôn và điện khí hóa nông thôn, Chương trình thủy lợi Đồng bằng sông Cửu Long và nhiều dự án phát triển nông thôn tổng hợp kết hợp xóa đói, giảm nghèo khác... đã góp phần hỗ trợ phát triển nông nghiệp và cải thiện một bước quan trọng đời sống người dân các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, nhất là trong việc tiếp cận tới các dịch vụ công trong các lĩnh vực y tế, giáo dục.

Trong các lĩnh vực hợp tác chủ yếu của EU tại Việt Nam thì hợp tác trên lĩnh vực nông - lâm - ngư nghiệp nhằm mục tiêu xoá đói nghèo luôn được EU quan tâm. Dự án ''Sáng kiến phát triển kinh tế hộ nghèo tại các vùng miền núi phía Bắc Việt Nam'' được EU tài trợ với số vốn 17 triệu euro. Dự án kéo dài

Bảo Lạc tỉnh Cao Bằng, huyện Ba Bể và huyện Pắc Nậm tỉnh Bắc Kạn. Mục đích chính của dự án là đóng góp nâng cao chất lượng cuộc sống của các hộ gia đình miền núi nghèo tại hai tỉnh. Tác động phù hợp với chính sách của chính phủ về giảm nghèo như đã nêu trong Chiến lược giảm đói nghèo và tăng trưởng [39]. Hiện EU đang tiếp tục tài trợ cho các dự án phát triển nông thôn như dự án phát triển nông thôn Cao Bằng, phát triển nông thôn Lai Châu với số vốn tài trợ không hoàn lại 5.000.000USD cho mỗi dự án [40]. Bên cạnh đó, EU cùng một số nước thành viên như Phần Lan, Thuỵ Điển, Thuỵ Sỹ, Đức, Hà Lan, tổ chức phi chính phủ Oxfam Anh và tổ chức Nông lương Thế giới đang tích cực hỗ trợ tài chính cho Chương trình Hỗ trợ ngành lâm nghiệp giai đoạn 2001-2010 thuộc Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng của chính phủ Việt Nam. Mục tiêu của dự án là bảo vệ và phục hồi các chức năng đầu nguồn để giảm thiểu xói mòn và thay đổi thất thường của lưu lượng nước, đồng thời duy trì và thúc đẩy bảo tồn đa dạng sinh học, đồng thời dự án hướng tới sử dụng hiệu quả đất trồng, tạo công ăn việc làm, góp phần xoá đói giảm nghèo, hỗ trợ định canh định cư, tăng thu nhập cho người dân nông thôn, miền núi, tạo các điều kiện xã hội ổn định [40].

Các nước thành viên EU cũng tích cực tài trợ các dự án trong lĩnh vực này. Chương trình phát triển nông thôn Thừa Thiên-Huế do Phần Lan tài trợ thực hiện tại địa bàn các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy vừa kết thúc sau 10 năm triển khai đã có nhiều đóng góp trong việc thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo nhanh chóng ở các địa phương trong vùng dự án. Với tổng vốn đầu tư hơn 15 triệu euro, Chương trình được thực hiện trong 2 giai đoạn, bắt đầu từ tháng 11 năm 1999 đến nay. Giai đoạn 1, từ 1999-2003 chương trình thực hiện tại huyện Phong Điền nhằm góp phần tích cực vào việc cải thiện cơ sở hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế trên địa bàn huyện; giảm nhanh tỷ lệ hộ đói nghèo từ 25% năm 1999 xuống còn 12% vào

năm 2003. Chương trình còn góp phần tạo việc làm mới tại chỗ, giảm áp lực di dân vào thành phố, góp phần ổn định trật tự xã hội...

Sau thành công tại huyện Phong Điền, trong giai đoạn 2 (từ 2004-2009), chương trình đã mở rộng ra thêm tại địa bàn 2 huyện mới là Hương Thủy, Hương Trà với mục tiêu tổng thể là "Nâng cao sự tăng trưởng theo hướng hỗ trợ người nghèo tỉnh Thừa Thiên-Huế" bằng cách tăng hiệu suất và tác động đối với đói nghèo của hệ thống sinh kế, hạ tầng và hành chính hiện nay. Ở giai đoạn này, chương trình thực hiện 3 hợp phần chính là phát triển các dịch vụ sinh kế, phát triển hệ thống hạ tầng và xây dựng năng lực. Đối với phát triển các dịch vụ sinh kế, chương trình đã hỗ trợ 91 mô hình sản xuất lúa, lạc, trồng sắn, trồng cây ăn quả, chăn nuôi trâu, bò, vỗ béo lợn, nuôi cá lồng... Chương trình phát triển hạ tầng đã đầu tư xây dựng 240 công trình bao gồm đường giao thông, cầu, cống, kênh tưới tiêu, giếng nước, trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng... Đối với hợp phần xây dựng năng lực, chương trình tập trung vào một số vấn đề như cải cách hành chính công, trang thiết bị văn phòng, lập kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất và phát triển nguồn nhân lực.

Ngày 4-11-2009, tại buổi lễ kết thúc dự án, Phần Lan đã cam kết hỗ trợ thêm 915 triệu đồng giúp các địa phương trong vùng dự án thuộc các huyện Phong Điền, Hương Trà, Hương Thủy sửa chữa các công trình bị hư hại sau bão số 9 vừa qua [45].

Dự án hỗ trợ cải cách hành chính ngành lâm nghiệp trong 3 năm (2003- 2006) do chính phủ Cộng hòa Liên Bang Đức tài trợ với mục đích quản lý bền vững tài nguyên rừng và bảo tồn đa dạng sinh học để góp phần bảo vệ môi trường, cải thiện đời sống của người dân sống phụ thuộc vào rừng và nâng cao sự phát triển của nền kinh tế quốc dân. Dự án hướng tới cải thiện hiệu quả của bộ máy quản lý nhà nước về lâm nghiệp để đáp ứng tốt hơn các yêu cầu

của các thành phần kinh tế tham gia vào nghề rừng. Sau 3 năm, dự án đã hỗ trợ và đổi mới tổ chức và thể chế quản lý nhà nước về lâm nghiệp cấp trung ương, đồng thời hỗ trợ và thực hiện một số nội dung lựa chọn về cải cách khu vực lâm nghiệp ở một số tỉnh thí điểm [31].

Dự án Quản lý vườn quốc gia Tam Đảo và vùng đệm trong 6 năm (2003- 2009) do chính phủ Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ được triển khai tại ba tỉnh Vĩnh Phúc, Thái Nguyên, và Tuyên Quang với trọng tâm là nâng cao năng lực cho vườn quốc gia Tam Đảo về quản lý bảo tồn, giáo dục môi trường cũng như nâng cao sinh kế cho người dân vùng đệm. Hai hợp phần của Dự án là (1) Quản lý Bảo tồn và (2) Nâng cao Sinh kế có liên hệ mật thiết với nhau. Hợp phần Quản lý Bảo tồn nhằm nâng cao năng lực cho cán bộ quản lý và kiểm lâm của VQG Tam Đảo. Trong khi đó, hợp phần Nâng cao Sinh kế tập trung chủ yếu hỗ trợ các cơ quan chính quyền địa phương và người dân xác định, khởi xướng, thử nghiệm và sau đó nhân rộng những kỹ thuật nâng cao sinh kế hiệu quả. Trong số rất nhiều hoạt động mà dự án đã triển khai, dự án còn tiến hành đào tạo cho hàng trăm lượt cán bộ kiểm lâm về những chủ đề như tuần tra cải tiến, giám sát đa dạng sinh học, bảo tồn đa dạng sinh học, điều tra cơ sở. Dự án cũng đã hỗ trợ cho hơn 12.000 hộ gia đình thông qua các biện pháp nâng cao sinh kế, ví dụ trồng cỏ làm thức ăn cho gia súc, trồng cây phân tán lấy củi và trồng cây thuốc nam, đồng thời giới thiệu một cơ chế tín dụng quy mô nhỏ cho các câu lạc bộ phụ nữ. Hiện nay các câu lạc bộ này đang vận hành cơ chế một cách hiệu quả. Chính cơ chế này đã giúp cho hơn 2.357 phụ nữ nghèo thuộc người dân tộc thiểu số tiếp cận được với nguồn vốn vay lãi suất thấp cho mục đích tạo thu nhập cho gia đình [34].

Bên cạnh đó còn rất nhiều dự án ODA cho lĩnh vực này được nhận nguồn tài trợ từ các nước thành viên EU đang được triển khai như Dự án “Hỗ trợ chương trình ngành Thuỷ sản” - Hợp phần “Tăng cường quản lý hành chính nghề cá” (STOFA) 1999-2010 do tổ chức DANIDA - Đan Mạch tài trợ, Dự án Phát triển đô thị Đồng Hới, Dự án Phát triển đô thị Nam Định do chính phủ

Thuỵ Sỹ tài trợ [31], Dự án quản lý bền vững tài nguyên thiên nhiên tại miền Trung Việt Nam kéo dài 6 năm (2004-2010) với số vốn tài trợ 2.220.000 euro của Đức [38].

Bảo vệ môi trường và giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu là vấn đề

được EU đặc biệt quan tâm trong giai đoạn hiện nay. Trong khi đó, các thay đổi nhanh chóng của Việt Nam trong những thập niên gần đây về tăng trưởng kinh tế, công nghiệp hóa và sự gia tăng dân số liên tục đã gây ra những ảnh hưởng bất lợi tới môi trường. Điều này, cộng với năng lực thể chế yếu kém trong việc giải quyết các vấn đề môi trường, cũng như cơ sở hạ tầng kỹ thuật và các nguồn tài chính hạn chế cho bảo vệ môi trường đã đóng góp hàng loạt các vấn đề môi trường. Ô nhiễm và sự xuống cấp của môi trường đã tới mức thật sự lo ngại.

Trong khoảng 50 năm trở lại đây, Việt Nam đã chứng kiến sự phá hủy đáng kể nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên, bao gồm tỉ lệ tàn phá rừng ngày càng tăng, mất đa dạng sinh học và sự suy giảm nhanh chóng của chất lượng môi trường. Theo chương trình mục tiêu quốc gia về biến đổi khí hậu, chỉ trong 50 năm, nhiệt độ trung bình năm đã tăng khoảng 0,7°C, mực nước biển đã dâng khoảng 20cm. Hiện tượng El-Nino, La-Nina ngày càng tác động mạnh mẽ đến Việt Nam. Biến đổi khí hậu (BĐKH) thực sự đã làm cho các thiên tai, đặc biệt là bão, lũ, hạn hán ngày càng ác liệt. Theo tính toán, nhiệt độ trung bình ở Việt Nam có thể tăng lên 3°C và mực nước biển có thể dâng 1 m vào năm 2100. Nếu mực nước biển dâng 1m, khoảng 40 nghìn km2 đồng bằng ven biển Việt Nam sẽ bị ngập hàng năm, trong đó 90% diện tích thuộc các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập hầu như hoàn toàn. Hậu quả của BĐKH đối với Việt Nam là nghiêm trọng và là một nguy cơ hiện hữu cho mục tiêu xoá đói giảm nghèo, cho việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ và sự phát triển bền vững của đất nước. Các lĩnh vực, ngành, địa phương dễ bị tổn thương và chịu tác động mạnh mẽ nhất của biến đổi khí hậu là: tài nguyên nước, nông nghiệp và an ninh lương thực, sức khoẻ; các vùng đồng bằng và

dải ven biển [45, trang 9]. Tỉ lệ thiếu việc làm cao tại nông thôn, thiếu đất và công nghiệp hóa đã góp phần vào tình trạng di dân ra các thành phố. Việc bùng nổ dân số tại đô thị đang là một thách thức đối với cơ sở hạ tầng, dịch vụ và đang gây ra những vấn đề môi trường như chiếm dụng đất chưa được kiểm soát, ô nhiễm không khí do giao thông, chất thải nguy hiểm và chất thải bệnh viện chưa được xử lý và nguồn nước thải thô ra các kênh rạch nổi.

Ngoài ra, do có một hệ thống đồng bằng châu thổ lớn và bờ biển dài, dễ chịu ảnh hưởng của bão, Việt Nam cũng sẽ là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đặc biệt liên quan đến những vấn đề nghiêm trọng do nước biển dâng cao theo dự đoán. Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (2007), Việt Nam là 1 trong 5 nước sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng của BĐKH và nước biển dâng, trong đó vùng đồng bằng sông Hồng và sông Mê Công bị ngập chìm nặng nhất. Nếu mực nước biển dâng 1m sẽ có khoảng 10% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp, tổn thất đối với GDP khoảng 10%. Nếu nước biển dâng 3m sẽ có khoảng 25% dân số bị ảnh hưởng trực tiếp và tổn thất đối với GDP lên tới 25% [45]. Trên cơ sở đó, một hệ thống kiểm soát thảm họa toàn diện do Bộ nông nghiệp và phát triển nông thôn (MARD) chủ trì đã được xây dựng do Việt Nam thường phải gánh chịu những thảm họa từ thời tiết.

Vần đề môi trường gần đây đã nhận được nhiều sự quan tâm tại Việt Nam. Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường (NSEP) của chính phủ Việt Nam tới năm 2010 và tầm nhìn tới 2010 đã chỉ ra sự xuống cấp nhanh chóng của chất lượng môi trường và tài nguyên thiên nhiên. Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm đối phó với biến đổi khí hậu được Thủ tướng chính phủ Việt Nam Nguyễn Tấn Dũng phê duyệt tháng 12 năm 2008 là một bước tiến quan trọng đúng hướng để huy động các bộ, tỉnh, thành phố chủ chốt đối phó với biến đổi khí hậu. Mục tiêu chiến lược của Chương trình là đánh giá được mức độ tác động của biến đổi khí hậu đối với các lĩnh vực, ngành và địa phương trong từng giai đoạn và xây dựng được kế hoạnh hành động có tính khả thi để

ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu cho từng giai đoạn ngắn hạn và dài hạn nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của đất nước, tận dụng các cơ hội phát triển theo hướng các bon thấp và tham gia cùng cộng đồng quốc tế trong nỗ lực giảm nhẹ BĐKH, bảo vệ hệ thống khí hậu trái đất. Chương trình được triển khai theo 3 giai đoạn: Giai đoạn I (2009-2010): Giai đoạn Khởi động; Giai đoạn II (2011-2015): Giai đoạn Triển khai; Giai đoạn III (sau 2015): Giai đoạn Phát triển. EU cam kết sẵn sàng giúp đỡ Việt Nam hơn nữa trong việc vượt qua thách thức này.

Mặc dù Việt Nam đang có những tiến bộ nhằm đạt được các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ, tuy nhiên vẫn còn rất nhiều việc phải làm để đưa luật môi trường, chiến lược và hiệp định môi trường vào thực tế, cải thiện quản lý nhà nước về môi trường để đảm bảo tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sẽ không dẫn đến xuống cấp môi trường, đến các rủi ro lớn hơn về sức khỏe hoặc làm suy kiệt nhanh chóng đa dạng sinh học và các nguồn tài nguyên thiên nhiên khác. EU cam kết hỗ trợ Việt Nam trong giải quyết các vấn đề này.

Một phần của tài liệu Hỗ trợ phát triển chính thức ( ODA ) của liên minh Châu Âu ( EU ) đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam (Trang 83)