Tình hình quản lý và sử dụng ODA

Một phần của tài liệu Hỗ trợ phát triển chính thức ( ODA ) của liên minh Châu Âu ( EU ) đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam (Trang 66)

Bắt tay vào công cuộc Đổi mới từ năm 1986, với xuất phát điểm kinh tế thấp kém, bên cạnh nguồn nội lực, Việt Nam rất cần các nguồn vốn hỗ trợ từ bên ngoài. Tuy nhiên, bên cạnh việc tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn vốn này có vai trò vô cùng quan trọng đối với hiệu quả kinh tế xã hội. Qua thực tiễn 15 năm, Việt Nam đã có nhiều bài học kinh nghiệm đối với việc thu hút, quản lý và sử dụng hiệu quả nguồn vốn ODA.

Căn cứ vào nhu cầu vốn đầu tư và định hướng phát triển theo ngành, lĩnh vực và vùng lãnh thổ đề ra trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra định hướng chiến lược, chính sách và những lĩnh vực ưu tiên sử dụng vốn ODA cho từng thời kỳ. Gần đây nhất, trên cơ sở tham vấn rộng rãi các nhà tài trợ, ngày 29-12-2006 Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 290/2006/QĐ-TTg phê duyệt Đề án thu

hút và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức thời kỳ 2006-2010. Đề án được coi là khuôn khổ pháp lý các hoạt động xây dựng triển khai, quản lý và sử dụng dự án ODA của các cơ quan, bộ ngành và địa phương.

Dự báo tổng vốn ODA sẽ giải ngân thời kỳ 2006-2010 đạt khoảng 11,46 - 12,41 tỷ USD. Để sử dụng hiệu quả nguồn vốn này, trong bản Đề án Chính phủ đã nêu rõ: "Trong giai đoạn 2006-2010, chủ trương thu hút và sử dụng ODA của Việt Nam" là tiếp tục tranh thủ đi đôi với việc nâng cao hiệu quả quản lý và sử dụng nguồn vốn ODA, bảo đảm khả năng trả nợ để hỗ trợ thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2006-2010". Trên cơ sở đó, Đề án quy định 5 nguyên tắc cơ bản trong quản lý và sử dụng ODA:

1. ODA là nguồn vốn quan trọng của ngân sách nhà nước, được sử dụng để hỗ trợ thực hiện các chương trình, dự án ưu tiên về phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ;

2. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về ODA trên cơ sở tập trung dân chủ, công khai, minh bạch, có phân công, phân cấp, gắn quyền hạn với trách nhiệm, đảm bảo sự phối hợp quản lý, kiểm tra, giám sát chặt chẽ và phát huy tính chủ động của các cấp, các cơ quan quản lý ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện;

3. Thu hút ODA đi đôi với việc nâng cao hiệu quả sử dụng và bảo đảm khả năng trả nợ nước ngoài, phù hợp với năng lực tiếp nhận và sử dụng ODA của các Bộ, ngành, địa phương và các đơn vị thực hiện;

4. Bảo đảm tính đồng bộ và nhất quán của các quy định về quản lý và sử dụng ODA; bảo đảm sự tham gia rộng rãi của các bên có liên quan; hài hoà quy trình thủ tục giữa Chính phủ và nhà tài trợ;

5. Tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế về ODA mà Việt Nam là thành viên. Trong trường hợp điều ước quốc tế về ODA mà Việt Nam là thành viên có quy định khác với các quy định của pháp luật Việt Nam thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Các nguyên tắc này hoàn toàn phù hợp với mục tiêu của các nhà tài trợ, đặc biệt là các mục tiêu đề ra trong Lộ trình châu Âu về Điều phối và Hài hoà hơn nữa tại Việt Nam.

5 lĩnh vực ưu tiên thu hút và sử dụng ODA giai đoạn 2006-2010 gồm: 1. Phát triển nông nghiệp và nông thôn (bao gồm nông nghiệp, thuỷ lợi, lâm nghiệp, thuỷ sản kết hợp xóa đói, giảm nghèo);

2. Xây dựng hạ tầng kinh tế theo hướng hiện đại;

3. Xây dựng kết cấu hạ tầng xã hội (y tế, giáo dục và đào tạo, dân số và phát triển và một số lĩnh vực khác);

4. Bảo vệ môi truờng và các nguồn tài nguyên thiên nhiên;

5. Tăng cường năng lực thể chế và phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ, nâng cao năng lực nghiên cứu và triển khai.

Như vậy, 5 lĩnh vực ưu tiên sử dụng nguồn vốn ODA của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với mục tiêu Chiến lược quốc gia của EU cho Việt Nam. Hướng ưu tiên chính của nguồn vốn EU cho Việt Nam giai đoạn 2007-2013 là hỗ trợ thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội và y tế. Ngoài ra, EU cũng tích cực cam kết hỗ trợ các lĩnh vực tăng cường năng lực thể chế, phát triển nguồn nhân lực, chuyển giao công nghệ. Bảo vệ môi trường và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên hiện được coi là vấn đề được EU đặc biệt chú ý. Trong buổi công bố Sách xanh 2009 vào tháng 6 năm 2009 vừa qua, EU cam kết sẵn sàng ủng hộ Việt Nam thực hiện Chiến lược quốc gia về bảo vệ môi trường.

Đề án cũng đưa ra định hướng ưu tiên sử dụng ODA tại 6 vùng trong giai đoạn 2006-2010 như sau: Trung du miền núi Bắc Bộ; Đồng bằng sông Hồng và các khu kinh tế trọng điểm phía Bắc; Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung; Tây Nguyên; Đông Nam Bộ; Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, Đề án chỉ rõ những ưu tiên cụ thể tại mỗi vùng. Trong những năm qua, bên cạnh các chương trình hỗ trợ thực hiện trên toàn quốc, ODA EU cũng tập trung phân bổ tới các vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Bắc Trung Bộ, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Tây Nguyên và một số khu vực khác.

Đề án quy định 4 cấp tham gia vào quá trình quản lý và thực thi dự

án ODA:

1. Ban quản lý dự án: đơn vị giúp việc cho chủ dự án trong quản lý, thực

hiện dự án ODA;

2. Chủ dự án: đơn vị được giao trực tiếp quản lý nguồn vốn;

3. Cơ quan chủ quản: các bộ, ngành, tổ chức chính trị xã hội, tỉnh, thành

phố có dự án;

4. Cơ quan quản lý nhà nước về ODA: Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Tài

chính, Ngân hàng nhà nước, Bộ ngoại giao.

Như vậy, khuôn khổ pháp lý cho thu hút, quản lý và sử dụng ODA đã được xây dựng phù hợp với mục tiêu của các nhà tài trợ quốc tế nói chung và EU nói riêng. Đây chính là cơ sở cho việc phối hợp tốt với các nhà tài trợ trong việc quản lý và sử dụng ODA một cách hiệu quả nhất.

Một phần của tài liệu Hỗ trợ phát triển chính thức ( ODA ) của liên minh Châu Âu ( EU ) đối với phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam (Trang 66)