5. Kết cấu Luận văn
4.3.1. Đối với các cơ quan quản lý nhà nước
Các cơ quan quản lý nhà nước đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính đóng vai trò quan trọng đối với việc thực hiện cơ chế tự chủ tài chính tại các đơn vị sự nghiệp y tế công lập trong đó có Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ. Để
thực hiện được giải pháp trên cần phải có sự quan tâm giúp sức của các cơ quan quản lý nhà nước có liên quan trong việc:
- Hoàn thiện các văn bản pháp luật có liên quan đến quản lý tài chính tại các đơn vị sự nghiệp công.
Đây là khung pháp lý để đơn vị áp dụng cho công tác tài chính của đơn vị. Sửa đổi, bổ sung Nghị định 43 cho phù hợp với thực tế trong việc giao tự chủ tài chính thì cũng nên giao tự chủ trong tổ chức bộ máy, biên chế, ban hành các văn bản hướng dẫn để hoàn thiện cơ chế tự chủ tài chính đối với các ĐVSNCL. Sửa đổi bổ sung quy chế phân cấp quản lý biên chế, hợp đồng lao động, sắp xếp tổ chức bộ máy trong các đơn vị sự nghiệp công lập nhằm tạo quyền chủ động thực sự cho đơn vị trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh dịch vụ. Sớm sửa đổi và ban hành chính sách viện phí, rà soát để sửa đổi và ban hành kịp thời tiêu chuẩn, định mức chi hành chính, các quy định về quản lý, sử dụng kinh phí thực hiện chế độ tự chủ tài chính về xã hội hóa nhằm thúc đẩy việc mở rộng các hình thức xã hội trong lĩnh vực y tế nói riêng và trong nền kinh tế xã hội nói chung. Việc ban hành các văn bản, chính sách, chế độ cần quan tâm đến tính đặc thù của từng ngành có như vậy chính sách của Đảng và Nhà nước mới thiết thực và đi vào cuộc sống.
- Tuyên truyền sâu rộng về việc áp dụng các văn bản pháp luật
Việc tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật đến từng đối tượng là việc làm rất cần thiết vì trên thực tế cho thấy việc áp dụng, vận dụng các văn bản vào thực tế rất khác nhau giữa các vùng miền. Có nhiều nguyên nhân nhưng một trong những nguyên nhân quan trọng là việc phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật chưa kịp thời bên cạnh đó thì việc ban hành các văn bản hướng dẫn không cụ thể và chậm nên dẫn đến việc các đơn vị chưa thực hiện tốt việc chấp hành chính sách pháp luật của Nhà nước.
- Thống nhất nhận thức quản lý nhà nước về tài chính
Sự thống nhất về nhận thức sẽ giúp cho công tác quản lý tài chính được thực hiện tốt hơn vì nhận thức là cơ sở của hành động. Có nhiều cơ quan cùng tham gia vào công việc quản lý nhà nước về tài chính từ khâu nghiên cứu ban hành Luật, hướng dẫn áp dụng đến việc kiểm tra, kiểm soát do vậy các khâu trên cần được phối
hợp với nhau nhằm đạt đến sự quản lý tài chính tốt nhất. Chính phủ là cơ quan quyền lực cao nhất để ban hành các văn bản quy phạm pháp luật dưới Luật, Bộ Tài chính được giao nhiệm vụ ban hành văn bản hướng dẫn luật về quản lý tài chính, cơ quan kiểm toán là đơn vị được giao nhiệm vụ kiểm tra, kiểm soát thực hiện văn bản của các đơn vị. Do vậy, các cơ quan này cần có sự phối hợp kịp thời để quản lý vốn NSNN, quản lý công tác tài chính tại các đơn vị giúp cho đơn vị sử dụng ngân sách đúng mục đích và có hiệu quả. Ngoài ra, còn cần sự phối hợp của các cơ quan liên quan khác như Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư...
- Thực hiện tốt công tác kiểm tra, kiểm soát về tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp
Cơ chế tự chủ tài chính đã mở rộng quyền chủ động, linh hoạt trong thu chi của đơn vị, nhưng điều đó không có nghĩa là thu chi tùy tiện theo ý muốn của các đơn vị. Tự chủ tài chính phải được đặt trong khuôn khổ chung của pháp luật. Các cơ quan quản lý nhà nước về tài chính cần phải tăng cường kiểm tra, kiểm soát việc thực hiện các văn bản, chính sách chế độ tài chính của các đơn vị, ngoài cơ quan chủ quản là Sở Y tế trực tiếp kiểm tra, giám sát thì các cơ quan khác như Sở Tài chính, Kiểm toán Nhà nước cũng cần phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát. Trước hết là giúp các đơn vị thực hiện tốt công tác quản lý tài chính, sau đó là xem các văn bản đã ban hành có phù hợp với thực tiễn hay không từ đó có biện pháp sửa đổi cho phù hợp.
- Tăng cường kiểm tra, giám sát về chuyên môn
Song song với việc giao quyền tự chủ, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cần tăng cường kiểm tra, giám sát để tránh các vấn đề tiêu cực phát sinh như lạm dụng xét nghiệm, tăng giá dịch vụ... Cần xây dựng hệ thống giám sát chất lượng và chi phí dịch vụ bệnh viện, giám sát của các Hội đồng chuyên môn trong bệnh viện, của các cơ quan chi trả trung gian BHYT, giám sát của người bệnh, người dân, đến giám sát của các cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan lập pháp.
- Hoàn thiện cơ chế tự chịu trách nhiệm của Thủ trưởng đơn vị về kết quả hoạt động của đơn vị.
Tăng vai trò của đoàn thể trong bệnh viện (Công đoàn, Đoàn thanh niên...) trong xây dựng Quy chế dân chủ và Quy chế chi tiêu nội bộ, đồng thời có tổ chức giám sát độc lập với việc tuân thủ các Quy chế này.