5. Kết cấu Luận văn
4.2.2. Đa dạng hóa nguồn thu cho bệnh viện
Huy động nguồn thu là một trong những nội dung quan trọng nhất mà các bệnh viên thực hiện cơ chế tự chủ tài chính nói chung và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ nói riêng quan tâm. Nguồn thu sự nghiệp càng lớn, mức độ đảm bảo chi thường xuyên càng cao, mức độ tự chủ của đơn vị sẽ tăng lên. Như trên đã trình bày nguồn tài chính của Bệnh viện chủ yếu được hình thành từ hai nguồn thu chính đó là thu do NSNN cấp và thu sự nghiệp y tế. Để tăng cường huy động nguồn thu một cách hợp lý đối với Bệnh viện này trong thời gian tới, cần thực hiện một số giải pháp sau đây:
- Tăng chi NSNN cho y tế: Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 23/02/2005, của Bộ Chính trị đã nêu rõ "Bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là một trong những chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng và Nhà nước. Đầu tư cho lĩnh vực này là đầu tư phát triển, thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ". Trong những năm qua, mặc dù NSNN cấp cho y tế tăng về số tuyệt đối nhưng các chỉ số so sánh tương đối lại chưa cho thấy rõ sự ưu tiên dành cho lĩnh vực này trong phân bổ NSNN nói chung cũng như chưa đáp ứng đầy đủ nhu cầu thực tế. Nhà nước cần tiếp tục ưu tiền đầu tư cho y tế, thực hiện đúng Nghị quyết số 18/2008/QH12 của Quốc hội về đẩy mạnh thực hiện chính sách, pháp luật, xã hội hóa để nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân, trong đó có nêu: "Tăng tỷ lệ chi ngân sách hàng năm
cho sự nghiệp y tế, bảo đảm tốc độ tăng chi cho y tế cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung của NSNN". Nguồn chi NSNN cho y tế có thể dùng để phân bổ cho các cơ sở cung cấp dịch vụ (ví dụ mua thẻ BHYT cho người nghèo, KCB cho trẻ em dưới 6 tuổi), bên cạnh đó tăng chi NSNN cho đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng như xây dựng, sửa chữa, nâng cấp các cơ sở KCB cho phù hợp với năng lực KCB hiện có của bệnh viện, tránh hiện tượng quá tải cho các bệnh viện. Tăng chi NSNN cho y tế cũng chính là tăng cường việc cung cấp các dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân ở các tuyến, trong đó có dịch vụ khám, chữa bệnh ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ.
- Đổi mới phương thức phân bổ NSNN cho bệnh viện từ phương thức dựa theo chỉ số đầu vào (số giường bệnh) sang phân bổ theo kết quả đầu ra (dựa theo các chỉ số nhiệm vụ được giao) nhằm nâng cao tính hiệu quả của nguồn NSNN cấp cho bệnh viện.
- Điều chỉnh chính sách viện phí: Như đã nêu ở phần trên, mức giá viện phí đang áp dụng ở các cơ sở y tế công lập được xây dựng từ năm 1994, đã rất lạc hậu và không còn phù hợp với tình hình hiện nay. Mức giá viện phí hiện nay mới chỉ chiếm khoảng 30 - 50% tổng chi phí cho dịch vụ y tế. Trong khi đầu tư từ NSNN cho các bệnh viện còn hạn chế (chỉ chiếm khoảng 20 - 30% tổng thu của bệnh viện), nên với mức giá viện phí thấp hơn nhiều so với chi phí thì rất khó khăn cho bệnh viện trong việc tự chủ, tự hạch toán, cân đối thu - chi tài chính. Đây là một trong các nút thắt cơ bản nhất, cấp thiết nhất, cần sớm được tháo gỡ để bệnh viện thực sự thực hiện được cơ chế tự chủ tài chính, đặc biệt là mô hình tự chủ tài chính toàn bộ. Giá dịch vụ y tế cần được xây dựng trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí phục vụ trực tiếp người bệnh. Với mức giá dịch vụ này, mức thu dịch vụ KCB sẽ cao hơn.
- Phát triển BHYT: Bên cạnh nguồn NSNN cho y tế, phát triển BHYT là chủ trương, phương hướng trong chính sách tài chính y tế ở Việt Nam, với mục tiêu đến năm 2014 đạt BHYT toàn dân. Tỷ lệ bao phủ BHYT cao cũng là điều kiện thuận lợi để bệnh viện thực hiện tốt cơ chế tự chủ động thông qua cơ quan chi trả trung gian chứ không cần thu trực tiếp từ người bệnh. Mức thu BHYT cần được điều chỉnh theo mức gia dịch vụ y tế mới, trên cơ sở tính đúng, tính đủ các chi phí đồng thời
xây dựng mức đóng BHYT và "quyền lợi" được hưởng phù hợp. Cơ chế thanh toán BHYT cũng cần được điều chỉnh cho phù hợp hơn. Tương lai sau này khi phát triển BHYT toàn dân thì BHYT sẽ là một nguồn thu chủ yếu của bệnh viện.
- Đổi mới cơ chế thu viện phí: Hiện nay, viện phí được thu theo phương thức "phí theo dịch vụ", tức là sử dụng dịch vụ gì thì thu tiền dịch vụ đó. Đây là phương thức có nhiều bất cập, gây xu hướng lạm dụng dịch vụ (đặc biệt là lạm dụng các xét nghiệm chẩn đoán, xét nghiệm hình ảnh, lạm dụng thuốc trong điều trị...) với mục đích để tăng thu cho bệnh viện. Đồng thời, phương thức thu phí theo dịch vụ cũng khó thực hiện và tốn nhiều nhân lực hơn. Bệnh viện cần nghiên cứu trình các cơ quan chức năng để áp dụng các phương thức thu phí dịch vụ phù hợp hơn, trong đó có phương thức thu trọn gói theo ca bệnh, phương thức thu theo nhóm chẩn đoán. Những phương thức này đang được áp dụng ở nhiều nước và ưu việt hơn nhiều so với phương thức thu phí theo dịch vụ... Phương thức thu phí trọn gói theo ca bệnh hoặc theo nhóm chẩn đoán (áp dụng cả cho bệnh nhân BHYT và bệnh nhân trả viện phí trực tiếp) sẽ góp phần đáng kể trong việc giải quyết tình trạng lạm dụng dịch vụ bệnh viện.
- Có chính sách hỗ trợ người nghèo và các đối tượng khó khăn: Một trong các tác động cần tránh nhất của cơ chế tự chủ tài chính đó là giảm tiếp cận của người nghèo và các đối tượng có thu nhập thấp đến dịch vụ KCB, gây mất công bằng trong chăm sóc sức khỏe. Trong bối cảnh đó Nhà nước cần tiếp tục quan tâm hỗ trợ các đối tượng dễ tổn thương thông qua các hình thức: Tiếp tục mua thẻ BHYT cho người nghèo (theo Quyết định số 139/2002/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ); Triển khai hỗ trợ 50% mệnh giá thẻ BHYT cho người cận nghèo; tăng cường huy động thêm nguồn tài chính để hỗ trợ các chi phí gián tiếp (tiền ăn, tiền đi lại, chi phí cao...) cho người nghèo khi phải nằm điều trị nội trú tại bệnh viện. Tăng cường huy động nguồn hỗ trợ của các tổ chức nhân đạo trong và ngoài nước, của các tổ chức quốc tế để hỗ trợ cho người nghèo, người thuộc diện chính sách xã hội (như các quỹ "vòng tay nhân ái", "trái tim cho em"...). Với những nỗ lực nêu trên, người nghèo có khả năng tiếp cận được đến các dịch vụ y tế, kể cả khi điều chỉnh
mức giá dịch vụ, đảm bảo công bằng trong chăm sóc sức khỏe, đồng thời các bệnh viện vẫn có nguồn thu từ chăm sóc sức khỏe cho người nghèo.
- Xem xét lại vấn đề liên kết lắp đặt trang thiết bị y tế ở bệnh viện: Trong thời gian qua, thực hiện cơ chế tự chủ và chủ trương xã hội hóa hoạt động y tế, bệnh viện đã liên doanh, liên kết để lắp đặt máy móc, trang thiết bị y tế (chủ yếu là máy xét nghiệm, siêu âm, cộng hưởng từ, thiết bị chẩn đoán hình ảnh...). Nhờ đó, bệnh viện đã được đầu tư máy móc đắt tiền, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe của nhân dân. Tuy nhiên, cũng có tình trạng lạm dụng chỉ định xét nghiệm, lạm dụng dịch vụ để thu hồi vốn nhanh và tạo ra lợi nhuận. Điều này khiến cho người bệnh phải tăng chi phí, Sở Y tế tỉnh Phú Thọ cần có cơ chế kiểm tra giám sát tình trạng này, hạn chế và dần dần bỏ hình thức liên kết lắp đặt trang thiết bị, thay vào đó là các chủ trương huy động đầu tư ngoài NSNN cho y tế một cách quy mô, quy củ hơn.
- Nâng cao hiệu quả quản lý nguồn thu: Bên cạnh việc mở rộng, khai thác nguồn thu thì việc quản lý tốt nguồn thu cũng cần phải được coi trọng để đảm bảo các nguồn thu được khai thác tối đa, quản lý chặt chẽ, sử dụng có hiệu quả, phù hợp với chế độ, chính sách của Nhà nước. Công tác lập dự toán thu phải đảm bảo sát với thực tế và phù hợp với các nhiệm vụ, chỉ tiêu chuyên môn được giao đồng thời phải cân đối được với các khoản chi và có tích lũy. Để nâng cao hiệu quả quản lý các khoản thu bệnh viện cần phải phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng khoa, phòng để đảm bảo cho mỗi cá nhân đều có trách nhiệm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao. Việc tổ chức tốt công tác thu sẽ giúp cho bệnh viện chủ động trong các hoạt động tài chính của mình.