5. Kết cấu Luận văn
1.4.2. Cơ chế quản lý tài chính
Theo cách phân loại dựa vào nguồn thu sự nghiệp thì có 3 loại hình ĐVSNCL là ĐVSN tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, ĐVSN tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động và ĐVSN do NSNN đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động, đối với từng loại hình sẽ có cơ chế quản lý tài chính khác nhau. Đơn vị tự đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động có mức độ về tự chủ lớn hơn đơn vị tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, đơn vị do NSNN đảm bảo toàn bộ chi phí hoạt động có mức độ tự chủ thấp nhất so với 2 loại hình đơn vị trên. Tính tự chủ tài chính càng cao khi mức độ phụ thuộc vào NSNN càng thấp. Việc quy định như vậy hoàn toàn phù hợp với quy định về quản lý sự phát triển của đơn vị, khuyến khích xã hội hóa HĐSN và tạo điều kiện để đơn vị thực hiện tự chủ tài chính tốt hơn.
Bên cạnh đó, mỗi đơn vị sự nghiệp công đều có những đặc thù riêng nên cần phải có những cơ chế quản lý tài chính riêng để điều chỉnh. Trên mỗi lĩnh vực sự nghiệp hoạt động đặc thù, các đơn vị sự nghiệp công có điều kiện, cơ hội khác nhau để phát huy, mở rộng, khai thác các nguồn thu đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, nâng cao chất lượng phục vụ; đồng thời phải tuân thủ pháp luật và các định hướng của Nhà nước trong lĩnh vực sự nghiệp đó.
Cơ chế quản lý tài chính ĐVSNCL góp phần tạo hành lang pháp lý cho quá trình tạo lập và sử dụng nguồn tài chính. Nó được xây dựng trên quan điểm thống nhất và phù hợp, từ việc xây dựng các định mức thu, định mức chi tiêu đến quy định về cấp phát, kiểm tra, kiểm soát, quá trình đó nhằm phát huy vài trò của cơ chế tự chủ tài chính. Việc mở rộng, khai thác nguồn thu sự nghiệp phụ thuộc vào từng lĩnh vực hoạt động, chức năng nhiệm vụ được giao của đơn vị và sử dụng nguồn thu tiết kiệm có hiệu quả sẽ có ảnh hưởng lớn đến tự chủ tài chính của đơn vị. Những đơn vị có cơ chế quản lý tài chính phù hợp sẽ có mức độ tự chủ tài chính cao hơn và ngược lại.
1.4.3. Tổ chức bộ máy, năng lực đội ngũ cán bộ, nhân viên trong đơn vị sự nghiệp
Tình hình thực hiện tự chủ tài chính của ĐVSNCL còn phụ thuộc vào cơ cấu tổ chức bộ máy hoạt động, năng lực và sự nhạy bén của đội ngũ cán bộ, viên chức
của đơn vị. Với bộ máy gọn nhẹ, đội ngũ cán bộ, viên chức có năng lực, nhanh nhạy, được bố trí phù hợp với trình độ, năng lực cùng với năng lực quản lý của người lãnh đạo sẽ góp phần vào hiệu quả hoạt động của đơn vị nói chung cũng như việc khai thác, mở rộng ngưỡng thu sự nghiệp, tiết kiệm chi nói riêng.
Đơn vị tổ chức bộ máy hoạt động sẽ xác định được rõ chức năng, nhiệm vụ của các phòng ban, bộ phận trực thuộc; bố trí hợp lý lao động, tinh giản những lao động dư thừa hoặc làm việc không có hiệu quả. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của đơn vị, tiết kiệm chi phí cho đơn vị.
Con người là nhân tố trung tâm của bộ máy quản lý, là khâu trọng yếu trong việc xử lý các thông tin để đề ra các quyết định quản lý. Trình độ và năng lực làm việc của cán bộ, viên chức trong đơn vị sẽ góp phần nâng cao hiệu quả, chất lượng công việc. Từ đó khẳng định uy tín của đơn vị, đóng góp cho đơn vị trong việc tăng thu, tiết kiệm chi. Cán bộ quản lý có năng lực sẽ điều hành đơn vị được hiệu quả. Cán bộ tài chính kế toán chuyên môn giỏi sẽ giúp cho công tác quản lý tài chính, kế toán tại đơn vị theo đúng với những quy định của Nhà nước, sử dụng nguồn kinh phí tiết kiệm, có hiệu quả, phát huy tối đa những ưu thế mà cơ chế tài chính đem lại cho đơn vị, đồng thời tham mưu cho thủ trưởng để có những quyết sách đúng đắn cho việc quản lý tài chính, kế toán tại đơn vị.
Như vậy, tổ chức bộ máy hoạt động, năng lực của đội ngũ cán bộ, nhân viên của đơn vị là nhân tố ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả hoạt động của đơn vị, góp phần vào việc mở rộng, tăng nguồn thu và tiết kiệm chi của đơn vị, từ đó ảnh hưởng tới tình hình thực hiện tự chủ ở đơn vị.