Cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời. Cùng với việc kiện toàn lại bộ máy nhà nước, hệ thống các cơ quan Tòa án đã được tổ chức hoạt động trên phạm vi cả nước. Tòa án quân sự được thành lập ở 3 miền Bắc, Trung, Nam theo Sắc lệnh số 33c/SL ngày 13/9/1945; hệ thống Tòa án thường được thành lập bao gồm các tòa án sơ cấp, đệ nhị cấp và Tòa thượng thẩm (Sắc lệnh số 13/SL ngày 24/01/1946); Tòa án đặc biệt để xét xử những nhân viên của Ủy ban nhân dân (UBND), nhân viên của các cơ quan của Chính phủ phạm tội (Sắc lệnh số 64 ngày 23/11/1945). Thời kỳ này chưa có hệ thống các Cơ quan VKS. Tuy nhiên, chức năng công tố đã được hình thành. Trong các Tòa án đều có "công tố viện" do Công tố ủy viên phụ trách, chuyên thực hiện chức năng công tố. Chánh án và Công tố ủy viên trong các Tòa án đều là thủ trưởng đơn vị, có nhiệm vụ riêng biệt.
Ngày 29/4/1958, Quốc hội khóa I đã quyết định chia tách và thành lập mới một số cơ quan nhà nước, trong đó có việc thành lập Viện công tố trung ương và hệ thống Viện công tố, Tòa án cũng được thành lập thành hệ thống riêng biệt, đều tách khỏi Bộ tư pháp, là cơ quan ngang bộ, thuộc Chính phủ.
Ngày 01/7/1959, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị định số 256/TTg quy định vị trí, nhiệm vụ, quyền hạn của Viện công tố và tổ chức hệ thống Viện công tố. Viện công tố trung ương là tiền thân của VKSND, có nhiệm vụ chung là: "giám sát việc tuân thủ và chấp hành pháp luật của nhà nước, truy tố theo luật hình sự những kẻ phạm pháp để bảo vệ chế độ dân chủ nhân dân, giữ gìn trật tự an ninh, bảo vệ tài sản của công, bảo vệ quyền và lợi ích của người công dân, bảo đảm cho công cuộc kiến thiết và cải tạo Xã hội chủ nghĩa tiến hành thuận lợi." Viện công tố thực hiện những nhiệm vụ cụ thể như: điều tra, truy tố trước Tòa án những kẻ phạm pháp về hình sự; giám sát
việc chấp hành pháp luật trong công tác điều tra của CQĐT; giám sát việc chấp hành pháp luật trong công tác xét xử của Tòa án; giám sát việc chấp hành pháp luật trong việc thi hành các bản án về hình sự, dân sự và trong hoạt động của các cơ quan giam giữ, cải tạo; khởi tố hoặc tham gia tố tụng những vụ án dân sự quan trọng có liên quan đến lợi ích của nhà nước và nhân dân.
Những quy định trên đây đã khái quát những nhiệm vụ quyền hạn của Công tố viện trong hệ thống các Tòa án nhân dân. "Khi thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, Viện công tố có trách nhiệm áp dụng những biện pháp pháp lý thích đáng theo pháp luật để xử lý mọi hành vi phạm pháp, mọi phần tử phạm pháp".