0
Tải bản đầy đủ (.pdf) (132 trang)

Trả hồ sơ giữa các cơ quan tiến hành tố tụng

Một phần của tài liệu CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 65 -65 )

VKSND THQCT và KSHĐTP có một vai trò và ý nghĩa quan trọng trong hoạt động tố tụng hình sự, bảo đảm cho việc điều tra, truy tố, xét xử được khách quan, tránh oan sai và bỏ lọt tội phạm. Quyền năng này của VKSND được thể hiện một cách rõ nét thông qua hoạt động trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Trả hồ sơ để điều tra bổ sung là biện pháp tố tụng do VKS hoặc Tòa án áp dụng trong quá trình giải quyết vụ án, nhằm đảm bảo việc điều tra, thu thập chứng cứ, lập hồ sơ vụ án được đầy đủ, khách quan toàn diện. Thực tiễn KSHĐTP, VKSNDTP Hải Phòng thực hiện chuyên đề nâng cao chất lượng trả hồ sơ điều tra bổ sung ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung đã giảm dần qua từng năm và có sự chuyển biến tích cực góp phần nâng cao chất lượng công tác THQCT, KSĐT, kiểm sát xét xử các vụ án hình sự (xem bảng 2.3 phụ lục 1).

Tuy nhiên, việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các CQTHTT còn có một số tồn tại, hạn chế: Việc trả hồ sơ vì lý do chứng cứ, do vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng chiếm tỷ lệ cao, số vụ án trả hồ sơ để khởi tố bị can về tội khác hoặc có người đồng phạm khác có chiều hướng gia tăng; có nhiều đơn vị tỷ lệ án trả hồ sơ còn cao, chưa quản lý chặt chẽ các vụ án điều tra bổ sung nên số liệu thống kê chưa đầy đủ và kịp thời, chưa làm rõ cụ thể số vụ trả đúng, trả sai và phân hóa trách nhiệm cụ thể; vẫn còn trường hợp lạm dụng việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung dẫn đến việc giải quyết vụ án bị kéo dài, gây tốn kém, thiệt hại về nhiều mặt và tạo ra những bức xúc trong dư luận, ảnh hưởng đến uy tín của các CQTHTT trên địa bàn thành phố.

Ngoài ra, còn có việc CQĐT thực hiện điều tra bổ sung không đúng hướng, không triệt để, không đáp ứng được yêu cầu điều tra bổ sung của VKS

nhưng VKS chưa kiểm sát chặt chẽ việc CQĐT điều tra bổ sung nên dẫn đến phải trả hồ sơ nhiều lần. Cá biệt có vụ án Tòa án trả hồ sơ không có căn cứ, dẫn đến việc trả đi, trả lại giữa các CQTHTT làm kéo dài quá trình giải quyết vụ án.

Theo số liệu thống kê trong 6 năm (2006 - 2011), số vụ án VKS trả hồ sơ cho CQĐT có chiều hướng giảm dần. Trong khi tỷ lệ trả hồ sơ trên toàn quốc cụ thể: năm 2006: 5,76%; năm 2007: 5,86%; năm 2008: 5,15%, năm 2009: 4,51%; năm 2010: 4,82%, năm 2011: 4,72%. Như vậy so sánh tỷ lệ án trả hồ sơ của VKS Hải Phòng so với tỷ lệ chung toàn quốc là thấp hơn. Việc trả hồ sơ điều tra bổ sung đều có căn cứ, đúng pháp luật và cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Trong đó chủ yếu các vụ án đều nhằm củng cố chứng cứ buộc tội đối với bị can nhằm tránh oan, sai, bỏ lọt tội phạm.

Biện pháp hạn chế tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung được coi là một chỉ tiêu nghiệp vụ được các CQTHTT quan tâm. Đặc biệt đối với ngành Kiểm sát, hàng năm đã thực hiện chuyên đề nghiệp vụ nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác kiểm sát nhằm hạn chế tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Do vậy, tỷ lệ án trả hồ sơ để điều tra bổ sung đã giảm dần qua từng năm và có sự chuyển biến tích cực. Về cơ bản các yêu cầu điều tra bổ sung được CQĐT thực hiện nghiêm túc, khẩn trương, góp phần đảm bảo việc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án hình sự đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Tuy nhiên, hoạt động trả hồ sơ điều tra bổ sung còn những thiếu sót, tồn tại:

Chất lượng công tác THQCT, KSĐT của một số đơn vị còn nhiều hạn chế, các KSV không tiến hành KSĐT từ đầu, không đề ra yêu cầu điều tra hoặc có đề ra yêu cầu điều tra nhưng không sát vụ án, không bám sát tiến độ, kết quả điều tra, không kiểm sát kết thúc điều tra nên không kịp thời phát hiện những thiếu sót trong giai đoạn điều tra mà chỉ sau khi kết thúc điều tra, hồ sơ sang VKS mới phát hiện thiếu chứng cứ quan trọng: các chứng cứ đã thu thập

trong hồ sơ vụ án có mâu thuẫn, chưa có đủ căn cứ kết luận hành vi phạm tội, chưa thu thập đầy đủ chứng cứ trong vụ án, chưa làm rõ được hậu quả của vụ án, chưa lấy lời khai người bị hại, chưa làm rõ lai lịch, nhân thân bị can, bị hại; chưa xác định được chính xác độ tuổi của bị can, bị hại; để trưng cầu giám định, giám định lại. Hoặc để khởi tố bị can về tội khác hoặc có người đồng phạm khác... những vụ án thuộc loại này thể hiện sự yếu kém trong công tác THQCT, KSĐT dẫn đến việc xác định sai tội danh, hoặc còn có hành vi phạm tội khác, người đồng phạm khác chưa được khởi tố. Quá trình KSĐT, KSV không làm hết trách nhiệm nên việc vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng còn nhiều. Những vụ án này thể hiện sự non kém, cẩu thả của KSV về trình độ nghiệp vụ, đã không phát hiện vi phạm tố tụng của CQĐT để khắc phục kịp thời hoặc bản thân không làm đúng các quy định của BLTTHS dẫn đến vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng, hậu quả là phải trả hồ sơ. Vẫn còn trường hợp lạm dụng việc trả hồ sơ để điều tra bổ sung để hợp lý hóa về thời hạn tố tụng hoặc ngược lại là trường hợp trả hồ sơ trá hình bằng cách rút lại kết luận điều tra chuyển lại hồ sơ cho CQĐT điều tra tiếp hoặc gia hạn điều tra.

Nguyên nhân của tình trạng trả hồ sơ điều tra bổ sung là do:

Quy định của BLTTHS năm 2003 về căn cứ trả hồ sơ để điều tra bổ sung giữa các CQTHTT chưa được giải thích thống nhất, như việc hiểu thế nào là thiếu chứng cứ quan trọng, thế nào là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng…giữa các ngành còn có cách hiểu khác nhau.

Tội phạm diễn biến ngày một phức tạp, quy mô tính chất mức độ phạm tội, thủ đoạn hoạt động phạm tội ngày càng tinh vi, nhiều vụ án phạm tội có tổ chức, có nhiều đối tượng tham gia, nhất là những chuyên án lớn, các đối tượng phạm tội trên nhiều địa bàn nên việc điều tra, xác minh tội phạm gặp nhiều khó khăn, trong khi thời hạn tố tụng quy định rất chặt chẽ. Trong vụ án nhiều khi có nhiều đối tượng phạm các tội danh khác nhau, thời hạn tạm giam theo tố tụng quy định khác nhau. Do vậy nhiều khi quá trình điều tra do bị bó

buộc bởi thời hạn tạm giam nên các thủ tục tố tụng và chứng cứ thu thập được chưa đáp ứng với yêu cầu chứng minh hành vi phạm tội trong vụ án.

Sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết 388/2003/NQ-UBTVQH11 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra; một số CQTHTT và người tiến hành tố tụng tỏ ra quá thận trọng trong việc xử lý tội phạm, nhất là đối với những vụ án phức tạp. Từ đó xuất hiện tư tưởng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm giữa các CQTHTT, bằng việc tìm ra mọi lý do để trả hồ sơ, mặc dù trong nhiều trường hợp lý do đó không thực sự thuyết phục và thiếu căn cứ.

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến hồ sơ phải trả lại để điều tra bổ sung là ý thức trách nhiệm của một bộ phận ĐTV, KSV chưa được phát huy đúng mức với công việc được giao. KSV trong quá trình KSĐT không làm tốt công tác KSĐT từ đầu, kiểm sát kết thúc điều tra, không sâu sát nghiên cứu kỹ hồ sơ, không phát hiện được các mâu thuẫn, thiếu sót ngay trong quá trình điều tra vụ án và đã không đề ra các yêu cầu điều tra đầy đủ và chính xác cùng các biện pháp khắc phục. Trong một số trường hợp, kể cả khi KSV đã có đã có yêu cầu điều tra nhưng do không theo sát tiến độ điều tra, không kịp thời đôn đốc ĐTV thực hiện nên khi kết thúc điều tra vẫn chưa làm hết các yêu cầu. Một số CQĐT, ĐTV không chấp hành nghiêm các quy định của BLTTHS, đã không kịp thời gửi các văn bản tố tụng cho VKS, không kịp thời thông báo diễn biến quá trình điều tra vụ án với KSV. Ngoài ra, ĐTV chưa phối hợp tốt với KSV đã ảnh hưởng đến tình trạng trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

Năng lực chuyên môn nghiệp vụ của một số KSV trong phân tích, tổng hợp, đánh giá chứng cứ, đánh giá hành vi phạm tội, trong nhận thức và áp dụng các điều luật và các văn bản hướng dẫn luật còn nhiều hạn chế.

Trong một số vụ án cụ thể, lãnh đạo một số VKS quận, huyện và phòng nghiệp vụ chưa quan tâm chỉ đạo nghiệp vụ, thiếu kiểm tra sâu sát,

chặt chẽ quá trình giải quyết vụ án dẫn đến chậm phát hiện những thiếu sót trong việc đánh giá chứng cứ, tội danh, diện khởi tố, truy tố, dẫn đến phải điều tra bổ sung.

Một phần của tài liệu CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA VIỆN KIỂM SÁT TRONG GIAI ĐOẠN ĐIỀU TRA CÁC VỤ ÁN HÌNH SỰ TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG - MỘT SỐ VẤN ĐỀ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN (Trang 65 -65 )

×