khởi tố
Trong kế hoạch công tác kiểm sát của VKSND thành phố Hải Phòng hàng năm đều đề ra nhiệm vụ phải thực hiện tốt công tác tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố làm cơ sở cho
việc kiểm sát khởi tố vụ án hình sự, KSĐT từ đầu nhằm chống bỏ lọt tội phạm, phòng ngừa việc làm oan, sai trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
VKSNDTP Hải Phòng đã có nhiều cố gắng đổi mới việc tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố, nâng cao trách nhiệm trong hoạt động kiểm sát khởi tố vụ án, hạn chế bỏ lọt tội phạm và người phạm tội làm giảm tình trạng oan, sai. VKSNDTP Hải Phòng đã duy trì chế độ trực nghiệp vụ, mở hòm thư tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Công an, Bộ đội Biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, Thanh tra, Quản lý thị trường...trong việc tiếp nhận, quản lý tin báo, tố giác tội phạm; đã tập trung giải quyết 9800 tin báo tội phạm do CQĐT tiếp nhận xử lý. Thông qua công tác kiểm sát mỗi năm VKS đã phát hiện yêu cầu CQĐT khởi tố nhiều vụ án hình sự (năm 2006 = 48 vụ, năm 2007 = 45 vụ, năm 2008 = 45 vụ, năm 2009 = 42 vụ, năm 2010 = 25 vụ, năm 2011 = 26 vụ). Những đơn vị có số vụ án yêu cầu khởi tố nhiều là: VKSND quận Lê Chân, Ngô Quyền, Hồng Bàng, Đồ Sơn; huyện Thủy Nguyên, Kiến Thụy, An Lão.
Đối với những vụ án giết người, giết người và cướp tài sản, chết chưa rõ nguyên nhân, tai nạn giao thông gây hậu quả nghiêm trọng…VKS đều cử KSV tham gia khám nghiệm hiện trường, tử thi, tiếp cận hồ sơ ban đầu, phối hợp với CQĐT trong quá trình giải quyết vụ án; những vụ án phức tạp hoặc giết người chưa rõ nguyên nhân, lãnh đạo VKS đều tham gia khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi bảo đảm không bỏ lọt tội phạm, tăng cường hoạt động THQCT, kiểm sát khởi tố vụ án.
Từ khi BLTTHS 2003 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/7/2004, cũng là lúc Thông tư liên ngành số 03/TTLN của VKSNDTC, Bộ nội vụ, Bộ quốc phòng, Bộ lâm nghiệp, Tổng cục hải quan hướng dẫn việc thi hành các quy định của BLTTHS về tiếp nhận, giải quyết tin báo, tố giác tội phạm không còn phù hợp thì công tác tiếp nhận và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác
tội phạm và kiến nghị khởi tố của VKSND có phần chững lại. Có biểu hiện lúng túng về phương thức kiểm sát, hiệu quả thấp. Trong những năm gần đây, VKSNDTP Hải Phòng chỉ trực tiếp tiếp nhận chiếm khoảng 5% số tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố do CQĐT thụ lý giải quyết. Nội dung tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố do VKS trực tiếp tiếp nhận là các tin báo trong lĩnh vực tội phạm về trật tự an toàn xã hội. Các tin thuộc nhóm tội tham nhũng gần như không có hoặc chỉ có khi vụ án được khởi tố. Hiện tượng bỏ lọt tội phạm chiếm tỷ lệ còn cao, nhất là tội phạm về tham nhũng. Hàng năm, hàng trăm tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã quá thời hạn giải quyết nhưng không có kết quả. CQĐT không ra quyết định khởi tố vụ án hình sự và cũng không ban hành quyết định không khởi tố vụ án hình sự.
Tuy nhiên, từ năm 2009 đến nay, các cơ quan: VKS, CQĐT, Bộ đội biên phòng, Hải quan, Kiểm lâm, vùng 1 cảnh sát biển, cục thuế, cục quản lý thị trường đã ký kết Quy chế phối hợp trong công tác tiếp nhận, giải quyết, quản lý tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố nhưng việc tiếp nhận tin báo, tố giác từ các cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra này đến năm 2011 vẫn chưa có tin nào.
Tình trạng vi phạm thời hạn giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố còn nhiều. Việc gửi kết quả giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm, kiến nghị khởi tố cho VKS theo quy định tại khoản 3 Điều 103 BLTTHS chưa đầy đủ. VKS cũng chưa làm tốt công tác kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố theo yêu cầu tại khoản 4 Điều 103 BLTTHS.
Nguyên nhân dẫn đến hạn chế, tồn tại trên là do luật pháp chưa đầy đủ và chặt chẽ cụ thể: BLTTHS 2003 chưa quy định: ngay sau khi tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm kiến nghị khởi tố, CQĐT phải báo ngay cho VKS bằng văn bản để kiểm sát hoạt động này. Đã hơn 7 năm BLTTHS có hiệu lực thi hành nhưng liên ngành tư pháp Trung ương vẫn chưa có Thông tư liên ngành
hướng dẫn cụ thể về tiếp nhận, giải quyết và kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố thay thế Thông tư liên ngành số 03.
Bên cạnh đó, VKS chưa thực hiện tích cực, chủ động trong việc nắm, tiếp nhận kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố của CQĐT. VKS chưa chủ động xây dựng mối quan hệ phối hợp để huy động sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị và việc nắm, quản lý, tiếp nhận tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố. Một số cán bộ, KSV chưa thấy hết trách nhiệm, tầm quan trọng của công tác tiếp nhận, kiểm sát việc giải quyết tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố; mặt khác do năng lực còn hạn chế, ngại va chạm…do đó chất lượng hoạt động này chưa được nâng lên.