Yêu cầu nghiệp vụ

Một phần của tài liệu Chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự trên địa bàn Thành phố Hải Phòng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 105)

- Điều 54 Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án BLTTHS không đưa ra khái niệm về người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan

3.2.2.2.Yêu cầu nghiệp vụ

Để nâng cao yêu cầu nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp trong thời gian tới cần tập trung thực hiện tốt một số hoạt động nghiệp vụ sau:

Nâng cao hoạt động kiểm sát tiếp nhận giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, trước mắt thực hiện nghiêm túc có hiệu quả các biện pháp nắm và quản lý nguồn tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố: đặt các "Hòm thư tố giác tội phạm" ở nơi dễ thấy ở trụ sở VKS. Mở sổ sách đầy đủ khoa học để theo dõi chi tiết cụ thể các tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố. Phối hợp chặt chẽ giữa VKS với CQĐT để kịp thời nắm bắt thông tin nhanh

nhất, chính xác nhất về tội phạm và người phạm tội. Tuyên tuyền cho nhân dân hiểu rõ vai trò, nhiệm vụ của VKS trong việc tiếp nhận và kiểm sát tin báo, tố giác tội phạm. Duy trì chế độ giao ban tháng giữa CQĐT với VKS. Tăng cường kiểm sát trực tiếp tại CQĐT hoặc phối hợp kiểm tra liên ngành (Kiểm sát, Công an) đối với hoạt động này.

Tích cực nắm, quản lý tin báo, tố giác về tội phạm thông qua các hoạt động nghiệp vụ KSĐT như: Khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi, kiểm sát bắt, tạm giữ, khám xét, kiểm sát khởi tố vụ án, phê chuẩn khởi tố bị can... Khi có thông báo của CQĐT, KSV phải yêu cầu cung cấp rõ về nội dung, thời gian, địa điểm xảy ra vụ việc và hậu quả.

Tăng cường sự chỉ đạo đối với các KSV, cán bộ làm THQCT và KSHĐTP trong giai đoạn điều tra các vụ án, KSĐT từ đầu, tránh oan, sai bỏ lọt tội phạm. KSV phải kiểm sát căn cứ khởi tố vụ án hình sự được quy định tại Điều 100 BLTTHS, theo đó KSV phải xác định sự kiện có dấu hiệu tội phạm hay không, trên cơ sở nghiên cứu tài liệu điều tra, xác minh của CQĐT từ các nguồn tin báo, tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố. KSV cần kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của Quyết định khởi tố vụ án hình sự theo quy định tại khoản 2 Điều 104 BLTTHS. Ngoài ra KSV kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của Quyết định không khởi tố vụ án hình sự trên cơ sở đối chiếu với Điều 107 BLTTHS.

Để nâng cao chất lượng hoạt động THQCT, KSV phối hợp với ĐTV để chủ động kiểm sát chặt chẽ các hoạt động điều tra, thu thập chứng cứ, đánh giá chứng cứ, kiểm sát tài liệu có trong hồ sơ khi CQĐT đề nghị VKS phê chuẩn Quyết định khởi tố bị can, Quyết định thay đổi hoặc bổ sung quyết định khởi tố bị can của CQĐT có đúng các căn cứ quy định tại khoản 4 Điều 126 và khoản 2 Điều 127 BLTTHS và mục 13 Thông tư liên ngành số 05/2005. Ngoài ra KSV cần kiểm sát tính có căn cứ và tính hợp pháp của các Quyết định trên theo quy định tại khoản 1, khoản 2 Điều 126 BLTTHS. Bảo đảm các

tài liệu làm căn cứ quyết định khởi tố bị can được thu thập đúng trình tự, thủ tục tố tụng hình sự; thẩm quyền của người ra quyết định đúng quy định. Trường hợp khởi tố bị can đối với Đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, là Đảng viên; là chức sắc tôn giáo, là cán bộ có uy tín trong các dân tộc ít người, là trí thức, văn nghệ sĩ có danh tiếng, là người nước ngoài trong các vụ án xâm phạm an ninh quốc gia, các vụ án có yếu tố nước ngoài thì KSV phải kiểm tra xem CQĐT đã thực hiện đúng các văn bản quy định, hướng dẫn của Đảng, Nhà nước về một số thủ tục cần phải làm trước khi khởi tố bị can, nếu chưa thực hiện đầy đủ thì phải bổ sung trước khi để xuất lãnh đạo Viện phụ trách phê chuẩn khởi tố.

Trong quá trình THQCT, KSĐT, trước hết KSV phải đề ra yêu cầu điều tra theo đúng quy định của pháp luật đảm bảo về nội dung và hình thức góp phần định hướng điều tra và tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong quá trình điều tra vụ án; đồng thời thường xuyên kiểm sát việc chấp hành các thủ tục tố tụng trong các hành vi và quyết định của CQĐT, bảo đảm các thời hạn tố tụng, nhất là thời hạn tạm giữ, tạm giam; biên bản các hoạt động điều tra như bắt, khám xét, khám nghiệm hiện trường; biên bản thu giữ, niêm phong vật chứng; các lệnh và quyết định…phải bảo đảm có căn cứ và đúng pháp luật. Khi phát hiện những sai phạm về thủ tục tố tụng thì phải yêu cầu CQĐT khắc phục ngay; không thụ động ngồi chờ khi kết thúc điều tra, CQĐT chuyển hồ sơ sang VKS thì lúc đó mới tìm các căn cứ để trả hồ sơ điều tra bổ sung.

Tăng cường kiểm sát lập hồ sơ của CQĐT sẽ góp phần nâng cao chất lượng THQCT, KSĐT, đòi hỏi KSV phải nắm chắc các quy định của BLTTHS, BLHS và các văn bản pháp luật có liên quan; nắm vững tiến độ điều tra, quá trình thu thập chứng cứ để đánh giá chứng cứ, kịp thời đề ra các yêu cầu điều tra bổ sung. Sau khi nghiên cứu hồ sơ xin phê chuẩn của CQĐT, KSV phải đóng dấu bút lục vào các tài liệu có trong hồ sơ của CQĐT theo quy định tại Thông tư 05/2005/TTLN của VKSNDTC, BCA, Bộ quốc phòng

nhằm kiểm sát chặt chẽ các tài liệu có trong hồ sơ, tránh việc thất thoát tài liệu hoặc ĐTV không đưa đầy đủ tài liệu vào hồ sơ.

Để nâng cao chất lượng THQCT, KSĐT vụ án hình sự thì song song với việc kiểm sát lập hồ sơ của ĐTV, KSV cũng lập hồ sơ KSĐT. KSV phải thực hiện nghiêm túc Quyết định số 07/QĐ ngày 12/01/2006 của VKSNDTC về việc lập hồ sơ kiểm sát. Tài liệu trong hồ sơ KSĐT phải thống nhất với hồ sơ vụ án hình sự do CQĐT lập về mặt nội dung, diễn biến quá trình điều tra; đảm bảo đầy đủ thủ tục tố tụng như: Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can; Quyết định bổ sung, thay đổi quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can (nếu có); cần lưu bản chính: Quyết định phân công ĐTV, KSV, các lệnh bắt tạm giữ, tạm giam…các công văn, Quyết định thay đổi, hủy bỏ biện pháp ngăn chặn, các quyết định thu giữ, xử lý vật chứng của CQĐT, VKS và các quyết định khác (nếu có); bản yêu cầu điều tra có chữ ký xác nhận của ĐTV, biên bản bàn giao hồ sơ vật chứng, các tài liệu thu thập được trong quá trình điều tra, KSV cần đánh dấu bút đỏ hoặc bút phủ vào những vấn đề trọng tâm cần chú ý. KSV trích cứu một số tài liệu chứng cứ quan trọng chứng minh tính chất, thủ đoạn, vai trò của từng bị can trong vụ án, cũng như tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, hậu quả thiệt hại của vụ án…đồng thời cần ghi rõ số bút lục của hồ sơ chính để phục vụ cho việc tra cứu. Hồ sơ kiểm sát phải được sắp xếp theo trình tự thời gian và thống kê danh mục tài liệu, đánh số bút lục theo quy định, cuối thống kê phải ký rõ người lập hồ sơ.

KSV phải làm tốt việc kiểm sát kết thúc điều tra vụ án. Muốn làm tốt được vấn đề này, KSV phải theo sát hoạt động điều tra, nắm được tiến độ điều tra để trước khi hồ sơ kết thúc 1 tháng KSV phải báo cáo lãnh đạo Viện phụ trách về tội danh, chứng cứ vụ án, các thủ tục tố tụng có liên quan đến vụ án, nhân thân các bị can, vấn đề dân sự của vụ án...có đảm bảo để truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật hay không, có oan, lọt tội phạm hay không; những vấn đề khó khăn, vướng mắc sau khi kết thúc điều tra vụ án để xin ý

kiến chỉ đạo kịp thời khắc phục những vướng mắc, tồn tại; tránh việc trả hồ sơ giữa các cơ quan tố tụng hoặc oan sai, bỏ lọt tội phạm.

Thường xuyên học tập và ứng dụng các chuyên đề: nâng cao chất lượng án đình chỉ điều tra, tạm đình chỉ điều tra, nâng cao chất lượng yêu cầu điều tra, cáo trạng, các giải pháp nâng cao chất lượng công tác kiểm sát khám nghiệm hiện trường, khám nghiệm tử thi…

Một phần của tài liệu Chức năng, nhiệm vụ của viện kiểm sát trong giai đoạn điều tra các vụ án hình sự trên địa bàn Thành phố Hải Phòng - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn (Trang 105)