nhân phẩm của công dân trong đó có người làm chứng. Mặc dù được quy định rõ hơn so với BLTTHS 1988, tuy nhiên, chưa có quy định cụ thể về việc bảo vệ người làm chứng của các cơ quan tố tụng. Thực tế hiện nay rất nhiều vụ án người làm chứng không dám khai báo, đối chất… với CQĐT và tại phiên tòa gây khó khăn cho công tác điều tra, xét xử. Đặc biệt là tại các phiên tòa hầu như không có vụ án nào triệu tập được người làm chứng. Vì vậy, cần bổ sung cụ thể Điều 7 và Điều 55 về trách nhiệm của CQTHTT và người tiến hành tố tụng về việc bảo vệ nhân chứng.
- Điều 11: Bảo đảm quyền bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo. Điều luật chưa quy định nguyên tắc đảm bảo quyền được bảo vệ của người bị hại (đặc biệt là người chưa thành niên), nguyên đơn, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là không công bằng. Do đó, cần đề nghị bổ sung vào Điều 11 quyền được bảo vệ của các đối tượng trên.
- Điều 26: Sự phối hợp giữa các cơ quan nhà nước với các CQTHTT. Điều luật quy định "Các cơ quan nhà nước phải thường xuyên kiểm tra, thanh tra việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao, phát hiện kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật… và gửi ngay các tài liệu có liên quan cho CQĐT, VKS xem xét, khởi tố đối với người có hành vi phạm tội". Thực tế các sai phạm ở các cơ quan đơn vị sau khi bị phát hiện thường chỉ rút kinh nghiệm nội bộ, không được xử lý ngay. Chỉ đến khi tội phạm gây thiệt hại lớn cho nhà nước thì mới bị phát hiện. Ở những vụ án kinh tế lớn không thấy trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước nào như Thanh tra nhà nước, trọng tài kinh tế… Điều 26 quy định "khi phát hiện vụ việc có dấu hiệu tội phạm thì phải chuyển ngay… và kiến nghị CQĐT, VKS xem xét, khởi tố vụ án hình sự", vậy "ngay" là khi nào, cần quy định cụ thể thời hạn là bao nhiêu ngày.
- Điều 28: Giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự. Đây là một trong những vấn đề khó khăn thường gặp khi giải quyết vụ án hình sự bởi BLTTHS chưa quy định cụ thể. Điều 28 mới chỉ quy định việc giải quyết vấn đề dân sự trong vụ án hình sự được tiến hành cùng với việc giải quyết vụ án hình sự và trường hợp tách để giải quyết theo thủ tục tố tụng dân sự.
Cần quy định cụ thể như sau: người bị thiệt hại về vật chất, tinh thần do hành vi phạm tội gây ra có quyền khởi kiện về dân sự buộc bị cáo hoặc người chịu trách nhiệm về vật chất do hành vi phạm tội của bị cáo gây ra bồi thường thiệt hại. Tòa án giải quyết yêu cầu bồi thường thiệt hại cùng với việc giải quyết vụ án hình sự. Người khởi kiện về dân sự trong vụ án hình sự không phải nộp án phí dân sự.
Việc khởi kiện về dân sự trong vụ án hình sự có thể được tiến hành từ giai đoạn khởi tố vụ án đến trước phiên tòa xét xử. Yêu cầu bồi thường về dân sự không được chấp nhận trong quá trình xét xử vụ kiện dân sự thì cũng không được chấp nhận khi giải quyết vụ án hình sự về chính yêu cầu đó.
VKS có quyền khởi kiện hoặc đề nghị Tòa án chấp nhận yêu cầu khởi kiện của người bị hại nếu thấy cần thiết để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà nước, của công dân.
Nếu người bị hại hoặc người đại diện của họ không khởi kiện, không yêu cầu bồi thường về dân sự do thiếu hiểu biết về pháp luật thì Tòa án có quyền giải quyết việc bồi thường thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Nghĩa vụ chứng minh yêu cầu bồi thường thiệt hại về dân sự trong vụ án hình sự được thực hiện theo quy định của BLTTHS. Người không khởi kiện về dân sự trong vụ án hình sự cũng như yêu cầu bồi thường về dân sự chưa được giải quyết có quyền khởi kiện theo trình tự vụ kiện dân sự khác.
- Điều 29, 30: Quyền được bồi thường thiệt hại: Những quy định trên đã nâng cao trách nhiệm của Cơ quan tố tụng và người tiến hành tố tụng và việc khởi tố, điều tra, xét xử được thận trọng hơn. Tuy nhiên, thực tế nhiều vụ án việc kết luận có tội hay không có tội rất khó khăn khi đánh giá chứng cứ bởi việc đánh giá chứng cứ phụ thuộc nhiều vào người tiến hành tố tụng, bởi vậy để tránh phải bồi thường, có tâm lý để lọt còn hơn oan (do chứng cứ yếu). Như vậy, phần nào hạn chế việc đấu tranh phòng chống tội phạm. Vì vậy cần có quy định việc phải bồi thường trong trường hợp cụ thể nào (ví dụ: qua điều tra thấy hoàn toàn không có tội hoặc không có dấu hiệu phạm tội).
- Điều 51. Người bị hại: khoản 4 Điều 51 có quy định về nghĩa vụ của người bị hại, trong đó có nêu "nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng thì có thể phải chịu trách nhiệm theo Điều 308 Bộ luật hình sự". Thực tế có một số vụ án cố ý gây thương tích, vi phạm các quy định về an toàn giao thông, việc khởi tố, truy tố phụ thuộc vào hậu quả của hành vi phạm tội đó là tỉ lệ % thương tích, nhưng bị hại không chịu hợp tác với CQĐT như không đi giám định hoặc giám định lại gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố. Vì vậy, khoản 4 Điều 51 cần bổ sung "Người bị hại nếu từ chối khai báo mà không có lý do chính đáng hoặc từ chối hợp tác với CQĐT thì…"
- Điều 51, 52, 53 về người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự: BLTTHS hiện hành không quy định việc CQTHTT (trước hết là CQĐT) ra quyết định công nhận tư cách tố tụng của người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự. Vì vậy những người này không có cơ sở để khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền giải quyết việc họ được hoặc không được công nhận là người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Khi xét xử có Tòa án nhầm lẫn làm ảnh hưởng đến quyền tố tụng của họ. Vì vậy cần bổ sung thêm quy định: CQĐT ra quyết định bằng văn bản công nhận người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án hình sự. Việc giải quyết khiếu nại do VKS cùng cấp giải quyết theo quy định của Bộ luật TTHS.