Rủi ro trong thanh toán xuất nhập khẩu qua Ngân hàng

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán hàng xuất nhập khẩu theo phương thứcTín dụng chứng từ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (Trang 25)

Hoạt động thanh toán xuất nhập khẩu thường diễn ra ở 2 quốc gia khác nhau nên việc gặp phải rủi ro là điều không tránh khỏi và cần được Ngân hàng xem xét và nghiên cứu kỹ trước khi thực hiện các giao dịch với khách hàng.

Có nhiều cách phân loại rủi ro trong thanh toán L/C. Mỗi cách phân loại đều dựa trên những cơ sở nhất định

Trong khi tham gia vào các giao dịch tín dụng chứng từ, Ngân hàng có thể đóng vai trò là Ngân hàng mở L/C, Ngân hàng thông báo, Ngân hàng chiết khấu, Ngân hàng xác nhận. Bất cứ loại hình nào cũng đều có thể gặp rủi ro trong thanh toán xuất nhập khẩu.

Trường hợp 1: Ngân hàng mở L/C

- Trong nghiệp vụ mở L/C, nếu Ngân hàng phát hành kiểm tra không kỹ đơn xin mở L/C sẽ dẫn đến việc chấp nhận cả những điều khoản hàm chứa rủi ro cho Ngân hàng sau này.

- Khi nhận được bộ chứng từ xuất trình, nếu Ngân hàng phát hành trả tiền hay chấp nhận thanh toán hối phiếu kỳ hạn mà không có sự kiểm tra thích đáng bộ chứng từ, để bộ chứng từ có lỗi, nhà nhập khẩu không chấp nhận thì Ngân hàng không thể đòi tiền nhà nhập khẩu.

- Ngân hàng phát hành phải thực hiện thanh toán cho những người thụ hưởng theo quy định của L/C ngay cả trong trường hợp nhà nhập khẩu mất khả năng thanh toán hoặc bị phá sản do kinh doanh thua lỗ.

- Trong trường hợp hàng đến trước bộ chứng từ thì Ngân hàng phát hành hay được yêu cầu chấp nhận thanh toán cho người thụ hưởng mà chưa nhìn thấy bộ chứng từ. Nếu không có sự chấp nhận trước của người nhập khẩu về việc hoàn

trả, thì Ngân hàng phát hành sẽ gặp rủi ro khi bộ chứng từ có sai sót, khi đó nhà nhập khẩu không chấp nhận và Ngân hàng sẽ không truy hoàn được tiền từ nhà nhập khẩu.

- Nếu trong L/C, Ngân hàng phát hành không quy định bộ vận đơn đầy đủ thì một người nhập khẩu có thể lấy được hàng hó khi chỉ cần xuất trình một phần của bộ vận đơn, trong khi đó người trả tiền hàng hoá lại là Ngân hàng phát hành theo cam kết của L/C.

Trường hợp 2: Ngân hàng thông báo

Ngân hàng thông báo có trách nhiệm phải đảm bảo rằng thư tín dụng là chân thật đồng thời phải xác minh chữ ký, mã hoá (test key), mẫu điện của Ngân hàng phát hành trước khi gửi thông báo cho nhà xuất khẩu. Rủi ro xảy ra đối với Ngân hàng thông báo là khi Ngân hàng này thông báo một L/C giả hoặc sửa đổi một L/C không có hiệu lực trong khi chính Ngân hàng chưa xác nhận được tình trạng mã hoá hay chữ ký uỷ quyền của Ngân hàng mở L/C.

Trường hợp 3: Ngân hàng xác nhận

- Nếu bộ chứng từ được xuất trình là hoàn hảo thì Ngân hàng xác nhận phải trả tiền cho nhà xuất khẩu bất luận là có truy hoàn được tiền từ Ngân hàng phát hành hay không. Như vậy, Ngân hàng xác nhận chịu rủi ro tín dụng đối với Ngân hàng phát hành.

- Nếu Ngân hàng xác nhận trả tiền hay chấp nhận thanh toán hối phiếu kỳ hạn mà không có sự kiểm tra bộ chứng từ một cách thích đáng, để bộ chứng từ có lỗi, Ngân hàng phát hành không chấp nhận thanh toán thì Ngân hàng xác nhận không thể đòi tiền Ngân hàng phát hành.

Trường hợp 4: Ngân hàng chiết khấu

Sau khi ngân hàng chiết khấu bộ chứng từ gửi hàng của nhà xuất khẩu khi đến hạn thanh toán ngân hàng mở L/C vì lý do nào đó đã không thanh toán tiền cho ngân hàng chiết khấu. Đây là lý do buộc ngân hàng chiết khấu phải xem xét kỹ mọi yếu tố trước khi chiết khấu bộ chứng từ gửi hàng cho nhà xuất khẩu.

Ngoài ra, người ta còn có thể phân loại rủi ro trong thanh toán L/C thành những loại rủi ro sau: rủi ro kỹ thuật, rủi ro đạo đức hay rủi ro chính trị, rủi ro khách quan từ nền kinh tế.

Trường hợp 1:Rủi ro kỹ thuật

Những rủi ro do sự thiếu hiểu biết của các doanh nghiệp xuất nhập khẩu hay thiếu sự chuyên nghiệp của cán bộ Ngân hàng gây ra những sai sót kỹ thuật trong quy trình thanh toán L/C như sai khác giữa bộ chứng từ thanh toán với L/C hay các bên không thống nhất về quy trình thanh toán.

Trường hợp 2: Rủi ro đạo đức

Ngân hàng là người gánh chịu rủi ro đạo đức: Ngân hàng phát hành phải thực hiện thanh toán cho người hưởng lợi theo quy định của L/C ngay cả trong trường hợp người nhập khẩu chủ tâm không hoàn trả.

Ngân hàng là người gây ra rủi ro đạo đức: Ngân hàng mở L/C có thể vi phạm cam kết của mình như từ chối thanh toán hoặc trì hoãn thanh toán hoặc đứng về phía khách hàng gây khó khăn trong quá trình thanh toán.

Trường hợp 3: Rủi ro chính trị

Phương thức thanh toán tín dụng chứng từ là một trong các phương thức được sử dụng phổ biến trong thanh toán quốc tế. Các chủ thể tham gia trong phương thức tín dụng chứng từ ở nhiều quốc gia khác nhau và tham gia vào nhiều lĩnh vực ngành nghề khác nhau. Do đó, phương thức tín dụng chứng từ chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của môi trường chính trị, xã hội của các quốc gia. Một sự biến động dù là nhỏ về chính trị, xã hội của một quốc gia cũng sẽ ảnh hưởng tới sự vận động của tự do thương mại, đến hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp...từ đó ảnh hưởng tới quá trình thanh toán.

Rủi ro chính trị trong thanh toán quốc tế theo phương thức tín dụng chứng từ là những rủi ro bắt nguồn từ sự không ổn định về chính trị của các nước có liên quan trong quá trình thanh toán. Thông thường đó là rủi ro thay đổi môi trường pháp lý như: thay đổi đột ngột về thuế xuất nhập khẩu, hạn ngạch, cơ chế ngoại hối (hạn chế ngoại hối), luật xuất nhập khẩu. Những thay đổi này làm cho các

điều kiện trên thị trường tài chính thay đổi đột biến không dự tính trước làm các bên tham gia xuất nhập khẩu và ngân hàng không thực hiện được nghĩa vụ của mình, làm cho L/C có thể bị huỷ bỏ, gây thiệt hại cho các bên tham gia.

Trường hợp 4: Rủi ro khách quan từ nền kinh tế.

Một rủi ro mà các bên tham gia phương thức thanh toán tín dụng chứng từ hay gặp là sự khủng hoảng, suy thoái kinh tế và tình trạng công nợ nặng nề của các quốc gia. Khi nền kinh tế của một quốc gia bị suy thoái, khủng hoảng sẽ kéo theo các ngân hàng bị phong toả hoặc tạm ngưng hoạt động, từ đó làm ảnh hưởng tới quá trình thanh toán quốc tế. Nếu nợ nước ngoài của một quốc gia là quá lớn thì các biện pháp như tăng thuế, phá giá nội tệ sẽ được áp dụng, từ đó làm giảm khả năng chi trả của người mua và ngân hàng có nguy cơ không đòi được tiền. Ngoài ra, sự phong toả kinh tế của các quốc gia như trong trường hợp của Cuba, Iraq...cũng mang lạ rủi ro cho bất kỳ quốc gia, đơn vị kinh tế nào có hoạt động xuất nhập khẩu với nước đó

Một phần của tài liệu Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động thanh toán hàng xuất nhập khẩu theo phương thứcTín dụng chứng từ tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Đông Nam Á (Trang 25)