Maryam Mohammadi (2010) [9] cho rằng, nội dung giảng dạy phải bảo đảm tính hệ thống bởi sự gắn kết kiến thức mới với kiến thức đã học sẽ giúp người học cảm thấy việc học tập có ý nghĩa, đồng thời giúp quá trình nhận thức cái mới trở nên dễ dàng hơn. Muốn đạt được điều đó, giáo viên cần phải biết vận dụng kiến thức đã học để dẫn dắt người học đến kiến thức mới, giải thích kiến thức mới thông qua việc tìm ra điểm tương đồng, hoặc gần gũi giữa kiến thức mới - cũ trong nội dung giảng dạy.
Nội dung giảng dạy không tách rời mục tiêu đề ra. Vì thế tiêu chí lựa chọn nội dung giảng dạy thường được xác định trên cơ sở mục tiêu môn học. Cụ thể:
Từ mục tiêu giúp người học có khả năng sử dụng tiếng Anh như một công cụ giao tiếp cơ bản, ta xác định tiêu chí thứ nhất cho nội dung giảng dạy là đầy đủ cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết.
Từ mục tiêu giúp HS có kiến thức tương đối hệ thống và hoàn chỉnh về tiếng Anh, phù hợp với đặc điểm tâm lý lứa tuổi, ta xác định tiêu chí thứ 2 cho nội dung giảng dạy là tính hệ thống, phù hợp đối tượng.
Từ mục tiêu giúp người học có hiểu biết khái quát về đất nước, con người và nền văn hóa của một số nước nói tiếng Anh, ta xác định tiêu chí thứ 3 cho nội dung giảng dạy là cung cấp kiến thức cơ bản về văn hóa Anh, Mỹ…
27
Có thể nói: việc đảm bảo dạy đủ 4 kỹ năng: nghe, nói, đọc, viết và cung cấp đủ, chính xác ngữ liệu (ngữ âm, ngữ pháp, từ vựng) cũng như kiến thức cơ bản về văn hóa Anh nhằm giúp học sinh thực hiện các nhiệm vụ bài học một cách hiệu quả là một yêu cầu không thể thiếu của nội dung giảng dạy.
Bên cạnh đó, tiếng Anh là ngôn ngữ nên luôn mang tính hiện thực sống động. Điều này đòi hỏi giảng dạy ngôn ngữ cần liên hệ với cuộc sống. Vì thế, gắn kết với cuộc sống cũng là một trong các yếu tố cấu thành HĐGD tiếng Anh tốt.