Phương pháp giảng dạy phù hợp với đặc trưng bộ môn có thể coi là yếu tố quan trọng hàng đầu [35].
25
Thực tế cho thấy, giáo viên có thể chuẩn bị bài kỹ lưỡng, có kiến thức chuyên môn vững vàng, rất nhiệt tình, hăng hái… nhưng phương pháp hay nói cách khác là cách chuyển tải nội dung không phù hợp, có thể dẫn tới kết quả giảng dạy không cao, không gây hứng thú cho học sinh.
Theo Murat Hismanoglu (2011) [11] ngày nay phương pháp giảng dạy môn tiếng Anh không ngừng được nghiên cứu, thử nghiệm và giới thiệu. Có thể kể đến những phương pháp như dạy tiếng Anh qua tình huống, dạy học dựa trên các nhiệm vụ (Task-based), dạy học dựa trên khái niệm - chức năng (Functional- notional), dạy dựa trên nhu cầu, sở thích cá nhân người học. Tất cả những phương pháp này đều tựu chung ở ba điểm:
Thứ nhất, đó là vai trò trung tâm của người học. Khái niệm trung tâm trong giảng dạy ngôn ngữ không có nghĩa là chỉ có người học làm việc, không cần vai trò người thầy, mà ngược lại vai trò người thầy trong cách dạy lấy người học làm trung tâm càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. “Trung tâm” có nghĩa là hướng tới người học, vì người học. Người học chủ động trong quá trình tiếp thu kiến thức dưới sự định hướng, gợi ý, điều chỉnh của người dạy. Không những thế, người học được tham gia ở mức độ nhất định vào quá trình thiết kế nội dung, phương pháp giảng dạy.
Thứ hai, vai trò người thầy ngày càng được mở rộng, đòi hỏi cao: người thầy vừa là nhà thiết kế, tổ chức, hướng dẫn, khích lệ, vừa là người quan sát, kiểm tra, đánh giá, tư vấn.
Thứ ba, sử dụng được ngôn ngữ đã học trong công việc, cuộc sống và phục vụ cho nhu cầu bản thân là đích cuối cùng của dạy học ngoại ngữ.
Như vậy, phương pháp được cho là phù hợp với đặc trưng môn ngoại ngữ đó là:
- Giáo viên tạo cho học sinh nhiều cơ hội tương tác đa chiều (làm việc bằng tiếng Anh theo cặp, nhóm trong lớp, giữa học sinh với học sinh; học sinh với giáo viên, học sinh với thiết bị hỗ trợ….);
26
- Giáo viên dùng các thủ thuật phù hợp khuyến khích học sinh giao tiếp hiệu quả. Cụ thể: Để dạy kỹ năng nói, GV có thể sử dụng các kỹ thuật như mô tả tranh, thảo luận nhóm, tổ chức các trò chơi ngôn ngữ, phỏng vấn, hỏi - đáp; Để dạy kỹ năng nghe GV có thể dùng thủ thuật ghép tranh, sắp xếp theo trình tự, chọn thông tin đúng - sai; Để dạy kỹ năng đọc, GV cho người học đoán nghĩa từ trong văn cảnh, trả lời câu hỏi, tóm tắt nội dung chính; Để dạy viết, GV có thể cho học sinh xác định chủ đề, lập dàn ý, viết nháp, sửa chữa, viết chính thức; Để dạy từ vựng, GV dùng kỹ thuật khớp nối từ với tranh vẽ, sắp xếp trật tự chữ cái thành từ có nghĩa; Dạy ngữ pháp qua tình huống; qua so sánh…