- Liên kết kinh tế quốc tế góp phần loại bỏ tính biệt lập của nền kinh tế và chủ nghĩa
5.1.2. Các hình thức liên kết kinh tế quốc tế
Liên kết kinh tế quốc tế được xem xét theo các góc độ khác nhau. Tương ứng với mỗi góc độ xem xét có những hình thức nhất định
5.1.2.1. Căn cứ vào chủ thể tham gia
a. Liên kết nhỏ (Liên kết tư nhân)
Là loại hình liên kết giữa các công ty hay tập đoàn ở các quốc gia khác nhau được tiến hành ở các khâu khác nhau. Thực chất của liên kết nhỏ là việc hình thành chuỗi giá trị toàn cầu.
b. Liên kết lớn
Đó là liên kết giữa các chính phủ các quốc gia, thành viên thông qua các thoả thuận, ký kết với nhau các hiệp định làm khuôn khổ chung có sự phối hợp và điều chỉnh các quan hệ kinh tế quốc tế giữa các quốc gia thành viên. Hình thức liên kết lớn gồm có liên kết giữa các quốc gia và liên kết siêu quốc gia
+ Liên kết giữa các nhà nước:
Là loại hình liên kết giữa các cơ quan lãnh đạo được tham gia với quyền bị hạn chế. Các quyết định đưa ra của liên kết chỉ mang tính tham khảo đối với chính phủ của các nước thành viên, còn quyết định cuối cùng phụ thuộc vào quan điểm của mỗi chính phủ
+ Liên kết siêu nhà nước:
Là hình thức liên kết kinh tế mà cơ quan lãnh đạo chung là các đại biểu của các nước thành viên có quyền hạn rộng hơn so với các nước thành viên, các quyết định đưa ra có tính chất bắt buộc đối với các nước thành viên. Việc đưa ra quyết định đối với hình thức liên kết kinh tế trong thương mại quốc tế này dựa trên nguyên tắc đa số và có các nguyên tắc bắt buộc các nước thành viên phải thực hiện quyết định.
5.1.2.2. Căn cứ vào đối tượng và mục đích của liên kết (hay các cấp độ của liên kết)
a- Khu vực mậu dịch tự do: (free trade area hay trade zone)
Đây là hình thức liên kết kinh tế mà trong đó các thành viên của liên kết, cùng nhau thoả thuận thống nhất những nội dung nhằm tự do hoá trong buôn bán, đối với những mặt hàng, hoặc một số nhóm hàng nhất định. Mục đích của các thoả thuận đó là nhằm: giảm hoặc xoá bỏ các hàng rào thuế quan và các biện pháp phi thuế quan, đối với một số sản phẩm trong quá trình buôn bán giữa các nước với nhau trong khu vực, để tiến tới một thị trường thống
nhất về hàng hoá và dịch vụ. Tuy nhiên, mỗi thành viên trong hình thức liên kết này vẫn có quyền độc lập, tự chủ trong buôn bán với các nước ngoài khối, và mỗi nước cũng có quyền áp dụng một biểu thuế riêng đối với các nước bên ngoài khối. Điển hình cho hình thức liên kết này là ASEAN và NAFTA.
b- Liên minh thuế quan: (Custom Union)
Đây là hình tức liên kết kinh tế cao hơn so với khu vực mậu dịch tự do. Theo hình thức liên kết này, các nước trong khối thoả thuận xoá bỏ thuế quan và các hạn chế phi thuế quan khác, đồng thời thực hiện biểu thuế quan chung của khối đối với các quốc gia ngoài khối liên kết. Như vậy, việc thực hiện chính sách cân đối mậu dịch với các nước không phải là thành viên đã trở thành một phần quan trọng trong chính sách mậu dịch của khối. Điển hình cho hình thức liên kết này là liên minh thuế quan của các nước Tây Phi và cộng đồng kinh tế Châu Âu trước 1992.
c- Thị trường chung: (Common Market)
Đây là hình thức liên kết kinh tế trong thương mại quốc tế ở mức cao hơn liên minh thuế quan, vì ngoài các thoả thuận như trong liên minh thuế quan, các nước thành viên còn thoả thuận cho phép tự do di chuyển tư bản và lao động giữa các nước thành viên trong khối, để từng bước tạo lập thị trường chung thống nhất. Mặt khác, các nước thành viên còn thành lập các cơ quan siêu quốc gia và ban hành các chính sách làm hài hoà cơ cấu thị trường bên trong và bên ngoài. Thị trường chung Châu Âu từ năm 1992 – 1994 là hình thức của liên kết kinh tế này.
d- Liên minh tiền tệ: (monetary union)
Là hình thức liên kết kinh tế trong thương mại quốc tế, tiến tới hình thành nền kinh tế chung có nhiều nước tham gia với những đặc trưng như: xây dựng chính sách kinh tế chung, chính sách ngoại thương chung, hình thành đồng tiền chung, chính sách lưu thông tiền tệ chung, hệ thống ngân hàng chung thay cho các ngân hàng trung ương của các nước thành viên, chính sách tài chính, tiền tệ, tín dụng chung đối với các nước ngoài liên minh và các tổ chức tài chính quốc tế.
e- Liên minh kinh tế: (Economic Union)
Là hình thức liên kết kinh tế trong thương mại quốc tế toàn bộ, trong đó thực hiện tự do hoá hoàn toàn sự di chuyển vốn, lao động, hàng hoá, dịch vụ giữa các nước thành viên, đồng thời thống nhất biểu thuế quan chung cho các nước ngoài khối. Hơn nữa, các nước thành viên còn thống nhất thực hiện các chính sách kinh tế, tài chính, tiền tệ.
5.1.2.3. Căn cứ vào chế độ thành lập và tổ chức hoạt động a- Các liên kết kinh tế chung trong thương mại quốc tế:
Là các liên kết được thành lập bởi sự cam kết của các quốc gia thành viên nhất định, gắn liền với một điều ước có tính chất liên quốc gia, được các quốc gia khác tự nguyện gia nhập, có phạm vi và thẩm quyền hoạt động mang tính toàn cầu.
b- Các liên kết kinh tế khu vực trong thương mại quốc tế:
Là các liên kết được thành lập và hoạt động trên cơ sở một hiệp định hợp tác có tính khu vực, có tính ổn định, hoạt động của tổ chức khu vực nhằm hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, đặc biệt là trong hoạt động kinh tế trong thương mại.
c- Các liên kết kinh tế chuyên ngành trong thương mại quốc tế
Các liên kết kinh tế trong thương mại chuyên ngành là các tổ chức độc lập, được thành lập bởi các hiệp định liên chính phủ, hoạt động chuyên về các lĩnh vực khác nhau, có phạm vi thẩm quyền phù hợp với Hiến chương Liên Hợp Quốc và phục vụ lợi ích của các quốc gia thành viên trong các lĩnh vực chuyên môn. Hiện nay có rất nhiều liên kết kinh tế trong thương mại chuyên ngành tồn tại và hoạt động.