- Trên góc độ quan hệ giữa các quốc gia, khi một quốc gia đánh thuế sẽ làm cho các
Hình 3.4: Ảnh hưởng phúc lợi của thuế quan nhập khẩu
4.3.2. Điều chỉnh cán cân thanh toán quốc tế
Các biện pháp giải quyết tình trạng mất cân bằng cán cân thanh toán quốc tế bao gồm: a. Vay nợ nước ngoài
Ưu điểm của biện pháp này là đơn giản và dễ áp dụng. Biện pháp này có thể giải quyết vấn đề thâm hụt cán cân thanh toán một cách nhanh chóng. Tuy nhiện hạn chế là việc vay nợ nước ngoài không phải là thuận lợi trong mọi trường hợp, do các điều kiện của các nước chủ nợ đặt ra, đồng thời vay nợ nước ngoài có thể dẫn đến tình trạng nợ nước ngoài nếu không có chiến lược vay và trả nợ rõ ràng cũng như việc quản lý tốt về vay nợ. Tình trạng phụ thuộc vào nước ngoài do vay nợ có ảnh hưởng không nhỏ đến các mối quan hệ khác cũng như vị trí của đất nước. Việc vay nợ nước ngoài nhiều dẫn đến tình trạng nền kinh tế phát triển không bền vững. Vì vậy vay nợ nước ngoài chỉ là một biện pháp có tính tạm thời để giải quyết tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán
b. Giảm dự trữ ngoại tệ
Giống với biện pháp vay nợ nước ngoài, biện pháp này cũng đơn giản và có thể cải thiện tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán trong ngắn hạn. Các nước có thể sử dụng biện pháp này một cách chủ động. Việc giảm dự trữ ngoai tệ có thể bù đắp được một phần hoặc toàn bộ mức thâm hụt cán cân thanh toán. Biện pháp này thường thích hợp với các nước có khoản dự trữ lớn ngoại tệ
c. Phá giá đồng tiền trong nước
Là biện pháp thực hiện thông qua việc điều chỉnh tỷ giá hối đoái. Chính phủ tiến hành giảm giá đồng tiền trong nước để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho hoạt động xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, kích thích đầu tư nước ngoài vào trong nước. Kết quả là cán cân thanh toán được cải thiện
Việc giảm giá đồng tiền trong nước có thể không thúc đẩy được xuất khẩu và hạn chế nhập khẩu, nếu như cầu về hàng xuất khẩu và hàng nhập khẩu không co giãn theo giá. Mặc dù phá giá đồng tiền trong nước làm tăng khối lượng xuất khẩu nhưng kim ngạch xuất khẩu có thể không tăng, do giá hàng xuất khẩu tính bằng ngoại tệ giảm. Biện pháp này còn dẫn đến tình trạng làm tăng các khoản nợ nước ngoài và gây ảnh hưởng đến quan hệ với các nước. Ngoài ra, việc phá giá tiền tệ sẽ làm tăng lạm phát trong nước do tăng giá hàng nhập khẩu. Đồng thời việc giảm nhập khẩu quá mức do phá giá tiền tệ còn có thể dẫn đến tình trạng thất nghiệp và làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế. Hơn nữa lợi thế thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sẽ bị giảm xuống nếu hàng xuất khẩu chủ yếu sử dụng các nguyên liệu, máy móc, thiết bị nhập khẩu
d. Kiểm soát nhập khẩu
Nhằm hạn chế nhập khẩu do đó giảm lượng tiền đổ ra khỏi đất nước. Biện pháp này được thực hiện thông qua sử dụng hàng rào thuế quan, hạn ngạch, giấy phép nhập khẩu hoặc các biện pháp hành chính kỹ thuật khác. Biện pháp này góp phần làm tăng mức độ bảo hộ đối với các nhà sản xuất, khuyến khích tăng sản lượng và thúc đẩy xuất khẩu. Đồng thời do tăng rào cản trong nhập khẩu, giá hàng nhập khẩu tăng lên, người tiêu dùng chuyển sang tiêu dùng hàng nội địa. Tuy nhiên, biện pháp này cũng có những hạn chế như làm giảm mức độ hội nhập của nền kinh tế, đi ngược lại với xu hướng tự do hoá thương mại, làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hoá trong nước.
Các biện pháp trên đây có thể thực hiện một cách đồng thời hoặc độc lập khi giải quyết tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán, Khi áp dụng các biện pháp cần chú ý đến điều kiện cụ thể của từng nước và các điều kiện để thực hiện các biện pháp. Ngoài các biện pháp trên đây còn có thể áp dụng các biện pháp khác như kiểm soát ngoại hối, cắt giảm chi tiêu ngân sách, khuyến khích đầu tư trong nước, bán vàng dự trữ để bù đắp thâm hụt hoặc trả nợ nước ngoài... việc phát triển các mối quan hệ bạn hàng song phương và đa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong việc thực hiện các biện pháp trên. Một nước nếu khai thác và tận dụng được sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước bạn hàng hoặc các tổ chức quốc tế dưới các hình thức khác nhau, có thể giải quyết tình trạng thâm hụt cán cân thanh toán nhanh chóng và hiệu quả. Ngược lại các mối quan hệ này không được chú trọng khai thác hoặc khi áp dụng các biện pháp lại gặp phải sự phản đối của các bạn hàng thì có thể làm trầm trọng thêm sự thâm hụt. Mục tiêu của việc áp dụng các biện pháp trên đây là điều chỉnh căn bản lượng ngoại tệ chuyển ra nước ngoài và tăng lượng ngoại tệ chuyển vào trong nước, bảo đảm ổn định nền kinh tế, nâng cao hiệu quả sản xuất và tăng cường năng lực cạnh tranh quốc gia. Tất cả các biện pháp được áp dụng đều cần được cân nhắc thận trọng các tác động tích cực và tiêu cực của chúng. Đồng thời cần tính đến các mối quan hệ song phương và đa phương khi áp dụng các biện pháp này.
CHƯƠNG 5
Liên kết kinh tế quốc tế và các tổ chức kinh tế quốc tế 5.1. Liên kết kinh tế quốc tế