Bổ nhiệm cán bộ công chức nói chung và đối với cán bộ quản lý trường THPT nói riêng là công việc thuộc lĩnh vực công tác tổ chức và cán bộ. Việc bổ nhiệm cán bộ quản lý phải thực hiện một cách chính xác, phải chọn được cán bộ có đủ phẩm chất và năng lực, tạo điều kiện tiên quyết cho tổ chức đó đạt mục tiêu. Bổ nhiệm cán bộ quản lý là yêu cầu tất yếu cho việc thực hiện kế hoạch nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý cũng như đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của sự nghiệp giáo dục hiện nay.
Công tác bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý nói chung, đội ngũ cán bộ quản lý trường THPT nói riêng cần xem xét, đánh giá, cân nhắc kỹ lưỡng, lấy mục tiêu bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý để thúc đẩy phát triển sự nghiệp giáo dục. Việc bổ nhiệm đội ngũ cán bộ quản lý là việc làm diễn ra thường xuyên theo kế hoạch của công tác cán bộ (công tác tổ chức cán bộ) nhưng phải được tổ chức một cách minh bạch, công khai, dân chủ, đúng các quy trình, hợp lý hợp tình, đúng theo quy định của ngành và của pháp luật.
Bổ nhiệm lại: Cán bộ, công chức lãnh đạo khi hết thời hạn giữ chức vụ bổ nhiệm phải được xem xét để bổ nhiệm lại hoặc không bổ nhiệm lại. Điều kiện bổ nhiệm lại là phải hoàn thành nhiệm vụ trong thời gian giữ chức vụ; đạt tiêu chuẩn cán bộ, công chức lãnh đạo quy định tại thời điểm xem xét bổ nhiệm lại, đáp ứng được yêu cầu công tác trong thời gian tới; đủ sức khoẻ để hoàn thành nhiệm vụ và chức trách được giao.
Luân chuyển (có thể hiểu là bao hàm cả điều động) cán bộ quản lý có tác dụng làm cho chất lượng đồng đều trong các tổ chức; mặt khác lại tạo điều kiện thoả mãn các nhu cầu riêng tư trong đời sống của cán bộ quản lý. Hai mặt tác dụng nói trên gián tiếp làm cho chất lượng cán bộ quản lý được nâng cao.
Miễn nhiệm cán bộ quản lý thực chất là làm cho cán bộ quản lý luôn đảm bảo các yêu cầu về chuẩn của đội ngũ, không để cho đội ngũ cán bộ quản lý có những thành viên không đủ điều kiện và không đáp ứng được yêu cầu giáo dục. Miễn nhiệm cũng là một hình thức nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý.