Nhiệm vụ và quyền hạn của trường trung học phổ thông

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định trong giai đoạn hiện nay (Trang 28 - 30)

Điều 3, Điều lệ Trường trung học cơ sở, trường trung học phổ thông và trường phổ thông có nhiều cấp học có ghi: Trường trung học có những nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

- Tổ chức giảng dạy, học tập và các hoạt động giáo dục khác của Chương trình giáo dục phổ thông.

- Quản lý giáo viên, cán bộ, nhân viên; tham gia tuyển dụng và điều động giáo viên, cán bộ, nhân viên.

- Tuyển sinh và tiếp nhận học sinh, vận động học sinh đến trường, quản lý học sinh theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Thực hiện kế hoạch phổ cập giáo dục trong phạm vi cộng đồng.

- Huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực cho hoạt động giáo dục. Phối hợp với gia đình học sinh, tổ chức và cá nhân trong hoạt động giáo dục.

- Quản lý, sử dụng và bảo quản cơ sở vật chất, trang thiết bị theo quy định của Nhà nước.

- Tự đánh giá chất lượng giáo dục và chịu sự kiểm định chất lượng giáo dục của cơ quan có thẩm quyền kiểm định chất lượng giáo dục.

- Thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn khác theo quy định của pháp luật. Để đạt được những nhiệm vụ trên, thì nhân tố có tính quyết định và cũng là động lực của sự phát triển giáo dục chính là nhân tố con người - là đội ngũ các thầy giáo, cô giáo mà trong đó có đội ngũ cán bộ quản lý trung học phổ thông.

Từ góc độ quản lý, có thể xếp các nhiệm vụ và quyền hạn của trường THPT đã nêu trên thành 5 nhóm chủ yếu sau:

- Nhóm 1: Thực thi luật pháp và chính sách của nhà nước, quy chế của ngành nhằm tổ chức có hiệu quả hoạt động giáo dục nói chung và dạy học nói riêng, trong đó lấy việc thực thi các quy chế giáo dục đối với hoạt động dạy học làm nhiệm vụ trọng tâm.

Nghị quyết số 40/2000/QH10 ngày 09/12/2000 của Quốc hội khóa X về đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đã nêu rõ:

+ Mục tiêu của việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông là xây dựng nội dung chương trình, phương pháp giáo dục, sách giáo khoa phổ thông mới nhằm nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện thế hệ trẻ, đáp ứng yêu cầu phát triển nguồn nhân lực phục vụ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, phù hợp với thực tiễn và truyền thống Việt Nam; tiếp cận trình độ giáo dục phổ thông ở các nước phát triển trong khu vực và thế giới.

+ Việc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông phải quán triệt mục tiêu, yêu cầu về nội dung, phương pháp giáo dục của các bậc học, cấp học quy định trong Luật giáo dục; khắc phục những mặt còn hạn chế của chương trình, sách giáo khoa hiện hành; tăng cường tính thực tiễn, kỹ năng thực hành, năng lực tự học; coi trọng kiến thức khoa học xã hội và nhân văn; bổ sung những thành tựu khoa học và công nghệ hiện đại phù hợp với khả năng tiếp thu của học sinh.

+ Bảo đảm sự thống nhất, kế thừa và phát triển của chương trình giáo dục; tăng cường tính liên thông giữa giáo dục phổ thông với giáo dục nghề nghiệp,

sự cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực; bảo đảm sự thống nhất về chuẩn kiến thức và kỹ năng, có phương án vận dụng chương trình, sách giáo khoa phù hợp với hoàn cảnh và điều kiện của các địa bàn khác nhau.

+ Đổi mới nội dung chương trình, sách giáo khoa, phương pháp dạy và học phải được thực hiện đồng bộ với việc nâng cấp và đổi mới trang thiết bị dạy học, tổ chức đánh giá, thi cử, chuẩn hoá trường sở, đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và công tác quản lý giáo dục.

- Nhóm 2: Quản lý và nâng cao năng lực của đội ngũ giáo viên, nhân viên và điều hành bộ máy tổ chức của nhà trường nhằm tổ chức có hiệu quả hoạt động giáo dục và dạy học, trong đó lấy việc nâng cao năng lực dạy học cho đội ngũ giáo viên và đổi mới nội dung chương trình, phương pháp dạy học làm nhiệm vụ cốt yếu.

- Nhóm 3: Huy động đầy đủ và sử dụng có hiệu quả cơ sở vật chất và thiết bị giáo dục để phục vụ cho mọi hoạt động giáo dục của trường, trong đó coi việc huy động và sử dụng thiết bị dạy học làm nhiệm vụ chủ yếu.

- Nhóm 4: Xây dựng và phát huy tác dụng của môi trường giáo dục nói chung và môi trường sư phạm trong trường nói riêng, trong đó lấy việc phối hợp giáo dục giữa gia đình, cộng đồng và xã hội làm trụ cột.

- Nhóm 5: Thu nhận, xử lý có chất lượng các thông tin về giáo dục và thông tin phục vụ cho hoạt động dạy học, đồng thời tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và truyền thông vào dạy học và quản lý dạy học.

Một phần của tài liệu Phát triển đội ngũ cán bộ quản lý trường Trung học phổ thông trên địa bàn tỉnh Nam Định trong giai đoạn hiện nay (Trang 28 - 30)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(125 trang)