Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một khâu trong công tác cán bộ của Đảng và Nhà nước, có liên quan chặt chẽ đến tất cả các khâu của công tác cán bộ như: đánh giá, lựa chọn, bố trí sử dụng và thực hiện chính sách đãi ngộ đối với cán bộ, công chức.
Công tác đào tạo, bồi dưỡng được tiến hành thường xuyên đối với mỗi cán bộ, công chức, trong đó bồi dưỡng là chủ yếu, nhằm nâng cao và cập nhật kiến thức, kỉ năng trong công tác chuyên môn để họ có khả năng đáp ứng kịp thời những đòi hỏi ngày càng cao của nhiệm vụ công tác được giao. Có thể nói công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức là một trong những hoạt động có tác động mạnh mẽ và tích cực nhất đến việc tăng cường nguồn nhân lực của hệ thống chính trị nước ta.
Đào tạo, bồi dưỡng góp phần giúp cho cán bộ, công chức khắc phục được sự bất cập, hẫng hụt về kiến thức, năng lực, kỉ năng quản lý cũng như chuyên môn, nghiệp vụ trước sự đổi mới toàn diện đất nước, đặc biệt trước sự chuyển đổi từ cơ chế tập trung, quan liêu, bao cấp sang cơ chế thị trường, với nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng XHCN và trước xu thế hội nhập quốc tế.
Thực tiễn chỉ ra rằng chỉ thông qua quá trình đào tạo, bồi dưỡng người cán bộ, công chức mới có được trình độ kiến thức phù hợp với tiêu chuẩn của các ngạch bậc và chức vụ mà họ đảm nhận.
Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức nhằm góp phần chuẩn bị cho một đội ngũ cán bộ, công chức có đủ trình độ và năng lực đáp ứng được những bước phát triển mới của đất nước trong sự nghiệp phát triển công nghiệp hoá, hiện đại hoá và trước sự phát triển của khoa học, công nghệ trên thế giới.
Như vậy, bản chất của công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ quản lý là nâng cao phẩm chất và năng lực cho cán bộ quản lý để họ có đủ các điều kiện hoàn thành nhiệm vụ, chức năng và quyền hạn của mình.
Đào tạo, bồi dưỡng CBQL theo 2 hướng cơ bản: - Đạt trình độ chuẩn cán bộ quản lý.
- Bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ và quản lý.
Như vậy, công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý nói chung và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý trường THPT nói riêng là nhiệm vụ quan trọng không thể thiếu được trong quá trình quản lý của các cấp quản lý giáo dục. Việc tổ chức bồi dưỡng phải tiến hành thường xuyên, liên tục lấy việc tự học, tự bồi dưỡng làm tiền lệ phát huy khả năng của từng cá nhân cán bộ quản lý. Công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ quản lý phải được tiến hành công khai, dân chủ có kế hoạch trước mắt cũng như lâu dài, thực hiện bồi dưỡng phải được sắp xếp một cách phù hợp với điều kiện thực tế nhà trường, với khả năng cá nhân,…khi tổ chức bồi dưỡng phải có những chính sách đãi ngộ, hỗ trợ kịp thời. Kết quả bồi dưỡng cần đạt phải được kiểm chứng, trải nghiệm thực tế từ đó có hướng xây dựng các điển hình và nhân rộng điển hình.