8. Cấu trúc luận văn
3.3.4. Biện pháp 4: Đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá chuyên môn, nghiệp
nghiệp vụ của đội ngũ giáo viên
3.3.4.1. Mục tiêu của biện pháp
Kiểm tra là chức năng cuối cùng của một quá trình quản lý, thông qua kiểm tra giúp cho người Hiệu trưởng biết được các giáo viên thực hiện các nhiệm vụ ở mức như thế nào, đồng thời cũng biết được những quyết định quản lý ban hành có phù hợp với thực tế hay không, trên cơ sở đó điều chỉnh các hoạt động, giúp đỡ hay thúc đẩy các cá nhân, tập thể đạt tới các mục tiêu đã đề ra.
Đổi mới đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giúp giáo viên tự đánh giá phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, năng lực nghề nghiệp để từ đó có kế hoạch tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ và rèn luyện phẩm chất đạo đức; giúp Tổ chuyên môn và Nhà trường đánh giá, xếp loại giáo viên hằng năm để từ đó xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt, khen thưởng giúp cho ĐNGV hoàn thiện hơn về năng lực chuyên môn và nghiệp vụ.
3.3.4.2. Nội dung của biện pháp
Hiệu trưởng dùng kiểm tra, đánh giá chuyên môn, nghiệp vụ để có thể nhận định một cách tổng thể về thực trạng chất lượng giảng dạy của giáo viên và học tập của học sinh thông qua:
- Thanh tra chuyên môn: Kiểm tra hồ sơ, giáo án, công tác chuẩn bị soạn giảng, kiểm tra tiến độ thực hiện chương trình bộ môn; việc dạy đúng, đủ các tiết thực hành; dự giờ để kiểm tra, đánh giá giờ dạy; chấm - trả bài kiểm tra, giờ giấc ra vào lớp…
- Kiểm tra, đánh giá chất lượng giảng dạy của giáo viên thông qua so sánh kết quả học tập của học sinh đầu và cuối mỗi học kỳ, kết quả thi tốt nghiệp THPT và chất lượng điểm thi ĐH.
- Kiểm tra công tác chủ nhiệm, hoạt động ngoài giờ lên lớp, công tác tự học, công tác đoàn thể, công tác xã hội hóa giáo dục…
Cuối mỗi năm học tiến hành đánh giá, xếp loại giáo viên theo chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học với 6 tiêu chuẩn và 25 tiêu chí. Căn cứ vào kết quả đạt được thông qua các minh chứng phù hợp với các tiêu chuẩn, tiêu chí của Chuẩn sẽ phản ánh đúng phẩm chất, năng lực dạy học và giáo dục của giáo viên.
3.3.4.3. Cách thực hiện biện pháp
Hiệu trưởng nhà trường ra quyết định thành lập Hội đồng kiểm tra, đánh giá ĐNGV. Trong đó có sự tham gia của Ban giám hiệu, tổ trưởng chuyên môn và một số giáo viên dạy giỏi có uy tín về chuyên môn, nghiệp vụ của các bộ môn. Nhiệm vụ của Hội đồng kiểm tra, đánh giá là nghiên cứu các văn bản hiện hành của Nhà nước, của Bộ GD&ĐT về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra đối với giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục. Sau đó là xây dựng bộ tiêu chuẩn, lập kế hoạch (thời gian, nội dung, thành phần, đối tượng kiểm tra...) và thống nhất phương pháp kiểm tra, đánh giá thường xuyên để làm căn cứ cho Hội đồng thi đua, khen thưởng xếp loại vào cuối năm học.
Hiệu trưởng tổ chức quán triệt nhiệm vụ năm học, nêu cao tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện các quy chế chuyên môn, động viên tinh thần tự học, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học.
Chỉ đạo việc sơ kết, tổng kết công tác kiểm tra, đánh giá xếp loại giáo viên theo các danh hiệu thi đua và đề nghị các hình thức khen thưởng. Đồng thời phân loại về trình độ, năng lực, chuyên môn, nghiệp vụ của giáo viên để có kế hoạch bồi dưỡng, bố trí công việc một cách hợp lý, đạt hiệu quả.
Phân công trong Hội đồng kiểm tra đánh giá theo dõi, giám sát việc thực hiện kế hoạch kiểm tra, đánh giá của các tổ chức đoàn thể, của tổ chuyên môn, của cá nhân giáo viên. Theo dõi về tiến độ, chất lượng, hiệu quả và tác dụng của việc kiểm tra, đánh giá đối với các hoạt động của giáo viên; theo dõi nắm bắt và điều chỉnh những sai lệch, hạn chế trong quá trình kiểm tra, đánh giá.
Tổ chức tổng hợp kết quả kiểm tra, sơ kết, đánh giá chất lượng công việc đã kiểm tra sau mỗi đợt kiểm tra thường xuyên. Hội đồng kiểm tra, đánh giá theo dõi ghi nhận kết quả công tác kiểm tra, tuyên dương, khen thưởng, động viên kịp thời, đồng thời cũng chỉ ra những mặt hạn chế cần khắc phục để hoạt động kiểm tra, đánh giá của nhà trường ngày càng chất lượng và mang tính toàn diện hơn.
Căn cứ vào kết quả đạt được thông qua những lần kiểm tra thường xuyên làm cơ sở để đánh giá xếp loại giáo viên theo Chuẩn. Trước hết Hiệu trưởng phổ biến Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học tới toàn thể Hội đồng sư phạm Nhà trường rồi tiến hành trình tự đánh giá theo các bước:
Bước 1: Giáo viên tự đánh giá, xếp loại (theo mẫu phiếu tại phụ lục); Bước 2: Tổ chuyên môn đánh giá, xếp loại (theo mẫu phiếu tại phụ lục); Bước 3: Hiệu trưởng đánh giá, xếp loại giáo viên (theo mẫu phiếu tại phụ lục); kết quả được thông báo cho giáo viên, Tổ chuyên môn và báo cáo lên cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp.
3.3.4.4. Điều kiện thực hiện biện pháp
Ban giám hiệu, các giáo viên phải có nhận thức đúng đắn về công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại giáo viên. Hiệu trưởng phải hướng dẫn giáo viên nghiên cứu, vận dụng đánh giá đúng theo Chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học.
Kế hoạch kiểm tra, đánh giá phải được thường xuyên và phải đảm bảo tính khách quan, công bằng và dân chủ. Đảm bảo tính khoa học, tính phù hợp về thời điểm, quỹ thời gian của Ban kiểm tra, đảm bảo không ảnh hưởng đến thời gian học tập của học sinh, ổn định về nề nếp kiểm tra, đánh giá, triển khai và làm đủ, làm đúng các yêu cầu của các tiêu chí đã đặt ra trước khi kiểm tra, đánh giá.
Các thành viên sẵn sàng thực hiện công tác kiểm tra, đánh giá, phân loại và coi đây là một nhiệm vụ thường xuyên giúp giáo viên phát huy những ưu điểm, đồng thời nhận ra những tồn tại để có hướng khắc phục.