Những nhân tố chủ quan * Đặc điểm tâm lý, lứa tuổi sinh viên.

Một phần của tài liệu Giáo dục lối sống mới cho sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay (Trang 40)

* Đặc điểm tâm lý, lứa tuổi sinh viên.

Sinh viên trường Cao đẳng công nghiệp Thái Nguyên hiện nay phần lớn ở độ tuổi từ 18 đến 23. Đây là giai đoạn mà con người có những trưởng thành nhất định về mặt sinh học và mặt xã hội.

Xét về mặt sinh học, giai đoạn này con người phát triển tương đối hoàn chỉnh, nhất là bộ não đã phát triển. Do đó, trí tuệ của sinh viên đã có sự thay đổi. Khả năng trí tuệ đã khác với học sinh phổ thông.

Xét về mặt xã hội, sinh viên đã ý thức được bản thân và trách nhiệm với tổ quốc, trách nhiệm công dân, có lý tưởng và định hướng, biết phấn đấu để thực hiện ước mơ, hoài bão của mình.

Ở sinh viên mang đầy đủ những đặc điểm chung của con người, mà theo C.Mác là “tổng hoà những quan hệ xã hội”. Nhưng họ lại mang những đặc điểm riêng là tuổi đời còn trẻ, dễ thay đổi, chưa định hình rõ về nhân cách, chưa hoạt động giao tiếp, có tri thức và đang được đào tào nghề nghiệp chuyên môn. Vì thế, sinh viên dễ tiếp thu cái mới, thích tìm tòi sáng tạo, hăng hái học tập, đó cũng là tầng lớp vẫn khá nhạy cảm với các vấn đề chính trị - xã hội, dễ thích nghi với hoàn cảnh, muốn thể nghiệm mình trong cuộc sống, đôi khi cực đoan nếu không được định hướng tốt. Điểm đáng chú ý đang xuất hiện trong sinh viên hiện nay liên quan đến sự phát triển của công nghệ thông tin. Đó là sự hình thành một môi trường ảo, lối sống ảo. Từ đó hình thành ở sinh viên một phương pháp tư duy của thời đại công nghệ thông tin, như ngôn ngữ ngắn gọn, viết bằng bàn phím, xa rời hiện thực, thiếu thực tế cuộc sống, trọng hình thức, đánh giá nông cạn các hiện tượng xã hội nên dễ cực đoan, đôi khi bị kích động, dễ lôi kéo. Là bộ phận được tuyển chọn trong thanh niên, do đó họ là những thanh niên đang định hình về nhân cách. Vì vậy, việc giáo dục lối sống cho sinh viên là cần thiết để phát huy những ưu điểm vốn có, củng cố niềm tin, hướng dẫn nhận thức và hành động, định hướng giá trị đúng đắn cho sinh viên, khơi dậy tính năng đông, tính thực tế, tính sáng tạo, giúp họ có khả năng nhận thức và tự đánh giá hành vi của mình trong các quan hệ xã hội. Hơn nữa, do đặc điểm tâm lý, lứa tuổi nên sinh viên dễ có những mâu thuẫn nội tâm, dễ dẫn đến những hành động không phù hợp với yêu cầu xây dựng lối sống mới.

Bởi vậy, vai trò của công tác giáo dục là rất quan trọng, với sự nghiệp trồng người, đào tạo nguồn nhân lực phải được bắt đầu ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.

* Nhân cách, nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế.

Nhân cách sinh viên nói chung, sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên nói riêng được hình thành theo quy luật chung, nó chịu sự tác động bởi các nhân tố: hoàn cảnh sống, giáo dục, hoạt động, giao tiếp, nhóm tập thể, bẩm sinh… Giáo dục phục vụ con người, phục vụ đời sống, vì hạnh phúc con người và sự phồn vinh của xã hội. Ở Việt Nam hiện nay, giáo dục phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, góp phần xây dựng nước Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. Tại Đại hội IX, Đảng ta đã khẳng định: “giáo dục và đào tạo cùng khoa học công nghệ là quốc sách hàng đầu”, “tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, đổi mới nội dung phương dạy và học, hệ thống trường lớp quản lý giáo dục; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hoá, xã hội hoá. Phát huy tinh thần độc lập suy nghĩ và sáng tạo của học sinh, sinh viên, đề cao năng lực tự học, tự hoàn thiện học vấn và tay nghề, đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng những hình thức chính quy và không chính quy, thực hiện “giáo dục cho mọi người”, “cả nước trở thành một xã hội học tập” [14, tr.109].

Ở mỗi sinh viên, giáo dục cùng các yếu tố khác gắn kết với nhau, quyết định sự hình thành và phát triển nhân cách sinh viên. “Nhân cách biểu hiện thế giới cái tôi của mỗi cá nhân, là sự tổng hợp các yếu tố sinh học, tâm lý, xã hội, tạo nên đặc trưng riêng có của cá nhân, đóng vai trò chủ thể tự ý thức, tự đánh giá, tự khẳng định và tự điều chỉnh trong mọi hoạt động của mình” [5, tr.394].

Là chủ thể hoạt động học, tìm kiếm một ngành nghề nào đó cho cuộc sống tương lai. Nên đại bộ phận sinh viên ở Trường hiện nay có lối sống lành mạnh, ham học hỏi, nhạy bén, linh hoạt, có tư duy sáng tạo, cũng quan tâm tìm hiểu các giá trị văn hoá truyền thống. Đó là điểm tích cực của sinh viên.

Trên cơ sở thấy được những điểm này, trong công tác giáo dục nhà trường đã cải tiến, lựa chọn những loại hình giáo dục phù hợp, phương hướng dạy tích cực, chủ động, sáng tạo nhằm giúp sinh viên phát huy ưu điểm của mình, hoàn thiện về nhân cách, rèn luyện đạo đức trong sáng theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”.

Với điều kiện công nghiệp hoá hiện đại hoá, nền kinh tế thị trường và xu hướng toàn cầu hoá. Ở sinh viên, do đặc điểm tâm lý, lứa tuổi nên nhân cách, nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế. Nó bị phụ thuộc vào từng giai đoạn của sinh viên ở từng năm học: Năm thứ nhất, môi trường sống thay đổi, các hoạt động sinh hoạt khác cũng thay đổi nên các thuộc tính nhân cách sinh viên cũng thay đổi. Đòi hỏi sinh viên phải biết thích nghi, phải tự mình học hỏi cách sống, hoà nhập với cộng đồng. Năm thứ hai, sinh viên đã trưởng thành hơn, quá trình học tập rèn luyện trong nhà trường và xã hội đã giúp sinh viên hoàn thiện nhân cách. Năm thứ ba, đây là năm cuối của bậc cao đẳng, sinh viên đã tích luỹ cho mình được khối lượng kiến thức nhiều hơn, giúp sinh viên phát huy năng lực tư duy sáng tạo, nhân cách tiếp tục được bổ sung ngày một hoàn thiện.

Tuy nhiên, có thể nói nhân cách sinh viên nói chung và nhân cách sinh viên trường cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên nói riêng là nhân cách đang trưởng thành, phát triển nhưng chưa được định hình hoàn chỉnh. Vì vậy nhân cách, đạo đức, nhận thức và kinh nghiệm sống còn hạn chế đã nảy sinh những mâu thuẫn giữa cá nhân, giữa cá nhân và cộng đồng… Điều đó biểu hiện bằng lối sống của sinh viên có những lệch lạc, xa rời các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp vốn vẫn phù hợp với thời kỳ hiện đại. Hình thành tư tưởng hưởng thụ ăn chơi đua đòi, dễ bị dao động, lôi kéo về mặt định hướng đạo đức và lối sống trong bối cảnh nền kinh tế - xã hội mở cửa. Những biểu hiện của tuổi trẻ như tình bạn, tình yêu, đôi khi làm cho các thế hệ trước quan sát

với con mắt lo ngại. Có một hiện tượng đáng buồn là nhiều sinh viên ăn cắp ý tưởng trong quá trình làm bài, đi thuê làm khoá luận tốt nghiệp, hoặc đi thi hộ thi kèm trong kỳ thi tuyển sinh vào đại học và cao đẳng, không là chuyện hiếm thấy. Để khắc phục cần có sự hướng dẫn của nhà trường, gia đình và xã hội cũng như sự vận động tích cực của sinh viên.

* Nỗ lực và ý chí của sinh viên.

Sự phát triển nhân cách cá nhân, một mặt chịu ảnh hưởng của những tác động có mục đích giáo dục, nhưng mặt khác còn là kết quả của sự nỗ lực, ý chí cá nhân, của quá trình tự giáo dục, tự rèn luyện, tu dưỡng, hoàn thiện bản thân mỗi người. Trong quá trình đó, mỗi người tự xác định cho mình những giá trị nhân cách phù hợp với những giá trị mà xã hội yêu cầu.

Trong công tác giáo dục lối sống mới cho sinh viên cũng vậy, chịu sự chi phối của hai mặt: Một mặt là sự tác động từ bên ngoài vào đối tượng giáo dục. Mặt khác, thông qua sự tác đó làm cho đối tượng tự biến đổi bản thân, tự hoàn thiện, tự nâng mình lên với những nỗ lực và ý chí của họ.

Là chủ thể của hoạt động học, sinh viên luôn có xu hướng muốn vươn lên làm chủ những tri thức của mình. Trong công cuộc đổi mới đất nước, nhất là thời kỳ hội nhập kinh tế thế giới, sinh viên Việt Nam đã thể hiện rất nhiều ưu điểm như: nhanh chóng nắm bắt khoa học công nghệ hiện đại ở mọi lĩnh vực, thông minh, cần cù chịu khó, ham học hỏi,… Nhiều sinh viên đã thể hiện lối sống cao đẹp vì cộng đồng, không cam chịu đói nghèo vươn lên số phận, làm giàu cho quê hương đất nước, nhiều dự án lớn do sinh viên đảm nhiệm. Nhiều sinh viên tiếp tục phát huy những truyền thống vẻ vang của dân tộc, ủng hộ đường lối đổi mới của Đảng, nỗ lực vượt bậc trong học tập, nghiên cứu tu dưỡng rèn luyện tài năng và đạo đức, lập nhiều thành tích xuất sắc. Đông đảo sinh viên đã tích cực tham gia công tác xã hội, chia sẻ những khó khăn với cộng đồng,… Tuy nhiên, một bộ phận sinh viên biểu hiện lối sống ích kỷ, tính

toán cá nhân, tôn thờ đồng tiền, sống buông thả, trái với thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Những biểu hiện cả tích cực và tiêu cực đó có thể được xem xét trong hoàn cảnh lịch sử cụ thể. Trong sự vận động, phát triển của xã hội, lối sống được hình thành từ chính những nỗ lực và ý chí của mỗi sinh viên. Mục đích nhiệm vụ cơ bản của việc giáo dục là bồi dưỡng thế hệ trẻ cách mạng cho đời sau. Theo tư tưởng Hồ Chí Minh là những con người Việt Nam phát triển toàn diện, một thế hệ kế tiếp, vừa “hồng”, vừa “chuyên”, có đủ đức, đủ tài. Trong Di chúc, Người căn dặn: Đoàn viên và thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần phải chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng”, vừa “chuyên”.

Hoạt động giáo dục có vai trò quan trọng, giúp sinh viên có nhận thức đúng, hình thành những thái độ, niềm tin, tình cảm, đạo đức,… trở thành động cơ bên trong thôi thúc sinh viên thực hiện hành vi tự giác, phù hợp với lẽ phải và công bằng. Văn kiện Đại hội X của Đảng ta đã đề ra phương hướng, nhiệm vụ giáo dục thế hệ trẻ: “coi trọng bồi dưỡng cho học sinh, sinh viên bản lĩnh, phẩm chất và lối sống của thế hệ trẻ Việt Nam hiện đại” [15, tr.207].

Để có được hiệu quả giáo dục, đòi hỏi không chỉ sự nỗ lực, cố gắng của thầy cô, nhà trường mà còn ở ý chí, sự nỗ lực phấn đấu của mỗi sinh viên trong học tập, lao động, rèn luyện. Nội dung cơ bản của việc giáo dục lối sống mới cho sinh viên hiện nay là: Phát triển con người toàn diện cả về thể chất và tinh thần, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước; hội nhập với thế giới; có lòng yêu quê hương đất nước; có ý thức bảo vệ và cải thiện môi trường sinh thái; có lòng tự hào dân tộc; tôn trọng kỷ cương phép nước; tin tưởng vào vai trò lãnh đạo của Đảng và đường lối đổi mới của Đảng và nhà nước.

Mỗi sinh viên phải tiếp nhận nội dung giáo dục đó theo hướng tích cực, phải biết tự đổi mới cách học, cách sống, cách nghĩ một cách phù hợp. Hoạt động giáo dục của nhà trường, gia đình và xã hội dù có tốt đến đâu sẽ kém hiệu quả nếu ở mỗi sinh viên không nỗ lực phấn đấu với ý chí và nghị lực của mình để xây dựng lối sống mới.

So với trong thời kỳ kháng chiến, thế hệ trẻ hiện nay được nuôi dưỡng trong một điều kiện tốt hơn. Họ được tiếp xúc với nhiều nguồn thông tin văn hoá, khoa học kỹ thuật trong nước và trên thế giới, do đó họ được phát triển nhanh về nhiều mặt như: Thể chất, sinh lý, tâm lý,… và có những hiểu biết phong phú về nhiều lĩnh vực. Cha mẹ, thầy cô có đưa ra rất nhiều những phương pháp, hình thức để giáo dục con em mình. Có lúc các em đã nghe theo và có những biểu hiện tiếp nhận sự giáo dục đó. Ở trường, ở lớp hay ở nhà các em có những biểu hiện rất ngoan, tích cực nhưng khi vắng mặt thầy cô hay cha mẹ thì lại có những biểu hiện “nói một đằng, làm một nẻo”, lệch lạc, hư hỏng, theo bạn bè xấu lôi kéo vào các trò chơi thiếu lành mạnh hoặc các tệ nạn xã hội.

Nửa thế kỷ trước, Bác Hồ đã dạy: “Dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai các cường quốc năm châu được hay không chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các cháu”. Giờ đây lời dạy của Bác cũng là lời mong ước thiết tha của toàn Đảng, toàn dân ta. Đảng ta luôn khẳng định vai trò quyết định của thế hệ trẻ đối với quá trình xây dựng và phát triển đất nước, luôn đặt niềm tin vững chắc vào học sinh, sinh viên, thanh niên và không ngừng cổ vũ họ phát huy mọi tiềm năng sáng tạo để gánh vác những nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang đó.

Chúng ta phấn đấu để xây dựng và phát triển đất nước không tụt hậu so với các nước xung quanh. Đó là ý chí, nỗ lực và quyết tâm của dân tộc ta, của chính thế hệ thanh niên, của học sinh, sinh viên Việt Nam trên mọi lĩnh vực

của đời sống xã hội. Trong xây dựng lối sống mới hiện nay, hướng tới những mục tiêu lớn của đất nước, của dân tộc trong hội nhập kinh tế thế giới, trong xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội. Hiệu quả của công tác giáo dục lối sống mới cho sinh viên chịu ảnh hưởng bởi chính sự nỗ lực và ý chí của họ.

Chương 2

Một phần của tài liệu Giáo dục lối sống mới cho sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay (Trang 40)