Những phương hướng chủ yếu.

Một phần của tài liệu Giáo dục lối sống mới cho sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay (Trang 75)

Mục tiêu của công tác giáo dục lối sống mới cho sinh viên nhằm xây dựng con người mới với lối sống mới, lối sống đẹp. Trước hết cần phải thực hiện công tác giáo dục tư tưởng, nâng cao nhận thức về lối sống mới cho sinh viên nói riêng và thế hệ trẻ nói chung, để họ thấy rõ về vai trò và tầm quan trọng của việc giáo dục lối sống mới cho sinh viên hiện nay là như thế nào. Để tạo được nền tảng tinh thần vững chắc đó, trong công tác giáo dục cần tập trung vào các chủ đề giáo dục lẽ sống như: tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, tinh thần dân chủ, lòng nhân ái, yêu lao động, có tính độc lập tự cường, hội nhập khu vực và quốc tế trong xu hướng toàn cầu hoá. Nhiệm vụ của công tác giáo dục là trang bị những kiến thức, truyền đạt tri thức nhưng đồng thời xây dựng kết cấu nhân cách xã hội, tạo dựng tư tưởng và hành vi cao đẹp.

Vì vậy, trong công tác giáo dục nói chung và giáo dục lối sống mới nói riêng cho sinh viên cần quan tâm đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn, nghề nghiệp và chăm lo công tác tư tưởng cho giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý làm tốt công tác này về lâu về dài.

Có như vậy, công tác giáo dục lối sống mới cho sinh viên mới đạt hiệu quả đồng thời nâng cao được nhận thức cho sinh viên về lối sống mới.

Bên cạnh đó, việc phát huy vai trò của các cấp, ngành, đoàn thể và nhân dân cùng tham gia xây dựng lối sống mới có văn hoá thích ứng với công

nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa rất quan trọng.

Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá VIII đã chỉ rõ: “Xây dựng và phát triển nền văn hoá Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và phát động phong trào “toàn dân xây dựng đời sống văn hoá”. Trong Nghị quyết, nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống và đời sống văn hoá được xem xét đánh giá. Nghị quyết cũng khẳng định về tầm quan trọng của lĩnh vực tư tưởng, đạo đức, lối sống và mối quan hệ với các lĩnh vực khác của đời sống xã hội. Vấn đề xây dựng và phát triển nền văn hoá tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc được xem là một trong những mặt trận quan trọng trong công cuộc đổi mới. Nhưng để có được thành công, cần phải dựa vào sức mạnh của toàn dân, quyền làm chủ của nhân dân. Phát huy mọi hoạt động tham gia tích cực của nhân dân và sức mạnh của cả hệ thống chính trị, từ trên xuống dưới, từ trong Đảng, nhà nước, các cấp ngành, Đoàn thể và toàn xã hội, tạo điều kiện thuận lợi và môi trường lành mạnh để xây dựng lối sống có văn hoá. Giữ gìn và phát huy truyền thống tốt đẹp, thuần phong mỹ tục, khắc phục và loại bỏ thói quen và tập tục xấu, lạc hậu, thực hiện tốt quyền và nghĩa vụ công dân, chấp hành nghiêm kỷ cương, pháp luật, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Việc kế thừa và phát huy các giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc để xây dựng lối sống mới phù hợp với tính chất của nền văn hoá tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc. Vừa mang tính hiện đại, nhân văn, mang bản lĩnh và cốt cách của con người Việt Nam, hình thành nhân cách, đạo đức, lối sống mới trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá và nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Xác định được điều này, sẽ giúp cho chúng ta định hướng một cách đúng đắn vấn đề giáo dục lối sống mới cho sinh hiện nay.

Trong công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển nền kinh tế thị trường, xây dựng lối sống mới gắn với xây dựng nền văn hoá tiến tiến có tính hiện đại nhưng không đồng nghĩa với cái mới. Bởi vì, không phải cái mới nào cũng lành mạnh, có văn hoá. Do đó, khi tiếp nhận cái mới, cái lạ từ bên ngoài vào một cách xô bồ, mù quáng sẽ dẫn đến suy thoái lối sống, đạo đức và ảnh hưởng tính trật tự, an toàn xã hội. Chúng ta biết kế thừa những giá trị truyền thống tốt đẹp phải chấp nhận vượt qua những truyền thống lạc hậu, lỗi thời.

Biểu hiện của lối sống suy đồi, lệch lạc, lối sống không lành mạnh, không chỉ có ở thế hệ trẻ, học sinh - sinh viên mà những biểu hiện đó cũng không ngoại lệ đối với một bộ phận cán bộ, đảng viên. Những người có chức có quyền lợi dụng chức quyền tham nhũng, vơ vét tiền của, tài sản của nhân dân để làm giàu. Sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về mặt tư tưởng, đạo đức, lối sống là yếu tố hàng đầu đảm bảo ngăn chặn mọi biểu hiện suy thoái. Vì vậy, cán bộ Đảng viên, các cơ quan Nhà nước phải nghiêm túc, gương mẫu, thực sự là lực lượng nòng cốt lãnh đạo xã hội. Họ phải có bản lĩnh vững vàng, lối sống lành mạnh, từ đó lan toả, lôi kéo và thúc đẩy các tầng lớp nhân dân, đoàn thể trong xã hội.

Xây dựng lối sống mới có văn hoá không chỉ dừng lại ở nhận thức mà phải chuyển thành hành động cách mạng có ý thức tự giác và thiết thực. Mỗi người Việt Nam dù ở cương vị nào cũng đều cần có suy nghĩ và việc làm phù hợp để góp phần vun đắp cho lối sống mới, nền văn hoá mới của toàn xã hội.

Một phần của tài liệu Giáo dục lối sống mới cho sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay (Trang 75)