Những nhân tố khách quan * Ảnh hưởng của toàn cầu hoá.

Một phần của tài liệu Giáo dục lối sống mới cho sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay (Trang 28 - 40)

* Ảnh hưởng của toàn cầu hoá.

Toàn cầu hoá không phải là một hiện tượng mới mà nó đã nảy sinh từ lâu. Khái niệm toàn cầu hoá ra đời từ những năm 80 của thế kỷ XX, dùng để chỉ quá trình tăng lên mạnh mẽ những mối liên hệ, ảnh hưởng và tác động, sự phụ thuộc lẫn nhau của các quốc gia trên thế giới, làm nổi bật những biến đổi có quan hệ mang tính toàn cầu, từ đó có thể phát sinh một loạt những sự kiện mới. Khoảng hai thập kỷ gần đây, nó được bàn tới nhiều hơn cả. Hiện nay, toàn cầu hoá đang diễn ra mạnh mẽ, thu hút nhiều nước trên thế giới. Toàn cầu hoá tạo ra mối quan hệ quốc tế giữa các quốc gia ngày càng mở rộng.

Điều đó thúc đẩy nhanh quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở các nước, góp phần tổ chức lại đời sống vật chất tinh thần, phá vỡ nhiều quan niệm cũ trên các bình diện: về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, tạo cho nhân loại hệ thống sản xuất giao lưu trao đổi và cách thức tiêu dùng. Sự thay đổi đó không chỉ diễn ra ở các nước công nghiệp, nước phát triển mà cả ở các nước nông nghiệp, đang phát triển.

Quan hệ song phương và đa phương giữa nước ta và các quốc gia khác ngày càng sâu và rộng trên mọi lĩnh vực. Mỗi dân tộc đều có những sắc thái riêng trong lối sống, duy trì và phát triển những điều tốt đẹp trong lối sống của mình. Tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế, đòi hỏi chúng ta phải nâng cao hiệu quả, năng lực cạnh tranh, tính độc lập tự chủ và phân công lao động quốc tế. Vì vậy, đòi hỏi mỗi người phải đáp ứng được trước nhu cầu của thời đại: Phải có kiến thức mới, nắm bắt thành tựu khoa học công nghệ hiện đại, phải có kỹ năng và phẩm chất mới.

Việt Nam bước vào thời kỳ đổi mới từ năm 1986, chuyển từ nền kinh tế bao cấp sang nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Một nền kinh tế mở đang ngày càng bộc lộ tính hai mặt, tác động hai chiều đến các giá trị tinh thần, đặc biệt là giá trị đạo đức, lối sống của con người, mà chủ yếu là giới trẻ, trong đó có sinh viên - là đối tượng nhạy cảm nhất trước những biến chuyển này. Ngoài những đặc điểm chung vốn có của con người. Ở sinh viên còn mang những đặc điểm riêng: Có tri thức, trẻ, dễ tiếp thu cái mới, nhạy cảm với các vấn đề chính trị - xã hội. Toàn cầu hoá vừa có những tác động tích cực, vừa có những tác động tiêu cực đến lối sống sinh viên.

Tác động tích cực nổi bật nhất của toàn cầu hoá là đã dần dần xoá bỏ lối sống cũ, truyền thống không còn phù hợp trong thời kỳ mới và hình thành nên lối sống cá nhân, ít chịu ảnh hưởng bởi dư luận xã hội. Sinh viên có điều kiện để trang bị những kỹ năng và kiến thức cơ bản, chủ động và nhanh chóng tiếp

cận những cái mới trong khoa học kỹ thuật và công nghệ, bồi dưỡng năng lực sở trường, chịu khó học hỏi kiến thức phục vụ cho nghề nghiệp và công việc, phát huy sức sáng tạo, có khả năng tư duy độc lập. Toàn cầu hoá tạo điều kiện tăng cường sự giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa các dân tộc, tạo điều kiện giao lưu về văn hoá, khoa học công nghệ, giáo dục, tri thức mới, tinh hoa văn hoá nhân loại, làm phong phú nền văn hoá dân tộc. Từ đó giúp cho sinh viên Việt Nam tiếp cận với cái văn minh, hiện đại, tiên tiến trên thế giới. Xây dựng và phát triển lối sống khoa học, tiến bộ, phát huy những cái hay, cái đẹp góp phần vun đắp cho nền văn hoá mới và lối sống mới của toàn xã hội cũng như của bản thân mình. Được giải phóng khỏi những ràng buộc của cơ chế quan liêu, bao cấp và được cổ vũ bởi mục tiêu “ dân giàu, nước mạnh, xã hội, công bằng, dân chủ, văn minh”, mỗi cá nhân sẽ tự tin hơn, dám khẳng định mình hơn, làm việc năng động, hiệu quả, linh hoạt hơn, sinh hoạt dân chủ, thoải mái hơn.

Tuy nhiên mặt trái của toàn cầu hoá cũng tác động không nhỏ tới lối sống sinh viên:

Các giá trị văn hoá truyền thống dân tộc bị biến đổi, nguy cơ đánh mất bản sắc dân tộc. Việc mở cửa, giao lưu hội nhập được mở rộng, do không kiểm soát chặt chẽ đã tạo điều kiện cho các văn hoá phẩm độc hại, lối sống xa hoa, thực dụng, vị kỷ, lợi ích cá nhân lấn át lợi ích cộng đồng, lợi ích cá nhân quan trọng hơn tất cả. Nhiều ấn phẩm văn hoá đồi truỵ, phản động, không hợp với văn hoá, đạo lý truyền thống Việt Nam đã gây ảnh hưởng tới lối sống sinh viên. Ở sinh viên xuất hiện lối sống kiểu “thừa tiền”, cũng từ đó xuất hiện những tiêu cực, ích kỷ, bất chấp pháp luật, xem thường các giá trị đạo đức, văn hoá tinh thần, những tiêu cực trong quan hệ tình bạn, tình yêu, tình dục, lối sống gia đình, những hoạt động phóng túng trong quan hệ nam nữ, quan hệ trách nhiệm trong gia đình lỏng lẻo. Với sự phát triển của thông tin và sự

hỗ trợ của công nghệ cao đã làm Internet trở lên phổ biến, nhiều sinh viên sử dụng chat như một thú tiêu khiển hơn là phương tiện liên lạc. Với môi trường giao tiếp ảo, những thông tin cá nhân cũng có thể ảo hoá và dễ dàng đi đến chỗ cung cấp thông tin ảo. Sự lừa dối trên mạng được coi như một trò chơi. Sự lạnh lùng trong mối quan hệ tình cảm, xuất hiện thái độ đòi hỏi công bằng hơn là sự hy sinh, đặc biệt là nhiều sinh viên cho rằng việc làm và hưởng thụ đi đôi với nhau nên thường quên đi nghĩa vụ và trách nhiệm công dân.Và gần đây đã xảy ra những xung đột giữa những chatter ngoài đời. Qua con đường hợp tác, đầu tư, vay vốn, viện trợ, tự do hoá tư sản, họ muốn chuyển hoá hệ tư tưởng, thực hiện âm mưu “diễn biến hoà bình”qua chiêu bài “bảo vệ nhân quyền”, “dân chủ”, “chống khủng bố”, “chống vũ khí hạt nhân”…Do đó, đã làm cho một bộ phận sinh viên phai nhạt lý tưởng, niềm tin vào chủ nghĩa xã hội, dao động mơ hồ, bất mãn, chán đời, vi phạm pháp luật, số sinh viên mắc tệ nạn xã hội gia tăng. Đây là vấn đề xã hội bức xúc, ảnh hưởng xấu đến sự phát triển của đất nước, đến trật tự an ninh và phát triển kinh tế - xã hội. Hơn cả, là ảnh hưởng đến chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.

Từ Đại hội lần thứ VI, Đảng ta đã nhận định: Trong xã hội ta đang diễn ra cuộc đấu tranh giữa hai lối sống. Một là lối sống có lý tưởng lành mạnh, trung thực, sống bằng lao động của mình, có ý thức tôn trọng và bảo vệ của công, chăm lo tới lợi ích của tập thể và đất nước. Hai là lối sống thực dụng, ích kỷ, dối trá, ăn bám, chạy theo đồng tiền. Hội nghị lần thứ năm Ban chấp hành trung ương Đảng khoá VIII đã đánh giá thực trạng đạo đức, lối sống ở nước ta trong thời gian qua: “Tệ sùng bái nước ngoài, coi thường những giá trị văn hoá dân tộc, chạy theo lối sống thực dụng cá nhân, vị kỷ đang gây hại đến thuần phong mỹ tục của dân tộc” [ 21, tr.46].

Có thể nói, toàn cầu hoá là một làn sóng vô cùng mạnh mẽ kéo tất cả mọi quốc gia, mọi dân tộc, mọi gia đình và cá nhân vào cuộc. Sinh viên Việt Nam là một trong những đối tượng chịu ảnh hưởng khá mạnh của xu thế toàn cầu hoá. Do đó, việc phát huy tính tích cực và điều chỉnh những hành vi lệch lạc trong lối sống của sinh viên là vô cùng quan trọng đối với sự nghiệp giáo dục hiện nay.

* Ảnh hưởng của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoáđấtnước.

Một trong những quá trình rộng lớn đang diễn ra ở nước ta hiện nay, đó là quá trình công nghiệp hoá hoá, hiện đại hoá. Có thể nói đây là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và quản lý kinh tế, xã hội gắn với sự phát triển của công nghiệp và những thành tựu khoa học công nghệ. Nghĩa là, đây là sự cải biến, chuyển đổi từ lao động thủ công, lạc hậu thành lao động có kỹ thuật công nghệ hiện đại nhằm đạt năng suất lao động cao. Do đó, công nghiệp hoá gắn liền với hiện đại hoá.

C.Mác đã từng khẳng định đúng đắn rằng, một xã hội chỉ có thể phát triển cao với một nền đại công nghiệp. Với mục tiêu của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta là xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, giàu mạnh, văn minh. Nghị quyết Đại hội lần thứ VIII của Đảng ta đã khẳng định: “Mục tiêu công nghiệp hoá - hiện đại hoá là xây dựng nước ta thành một nước công nghiệp có cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại, cơ cấu kinh tế hợp lý, quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, đời sống vật chất và tinh thần cao, quốc phòng, an ninh vững chắc, dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng văn minh xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội”. [ 15, tr.4].

Công nghiệp hoá không chỉ phát triển nền công nghiệp, mà phát triển mọi lĩnh vực, từ sản xuất vật chất và dịch vụ đến trang thiết bị, cách thức quản lý, kỹ năng sản xuất, tác phong lao động.

Hiện đại hoá cũng không chỉ là đưa khoa học công nghệ vào các lĩnh vực kinh tế mà cần vận dụng tất cả những phương tiện đó các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội, thực hiện cuộc cách mạng khoa học công nghệ trong cơ cấu xã hội hợp lý, cân đối với phương pháp quản lý hiện đại.

Do đó, công nghiệp hoá, hiện đại hoá thực chất là một quá trình biến mọi hoạt động kinh tế - chính trị - xã hội, đặc biệt là hoạt động sản xuất tinh thần và đời sống văn hoá từng bước lên trình độ tiên tiến, hiện đại.

Theo quan điểm duy vật biện chứng và duy vật lịch sử đã vạch ra quy luật khách quan rằng, đời sống vật chất quy định đời sống tinh thần của xã hội. Vì vậy, trình độ kinh tế - chính trị - xã hội tiên tiến và hiện đại do công nghiệp hoá, hiện đại hoá tạo ra sẽ là cơ sở quy định bản chất và trình độ nền văn hoá xã hội.

Hiện nay trên thế giới, cuộc cách mạng khoa học và công nghệ đang diễn ra mạnh mẽ và tác động đến tất cả các nước trên thế giới, trong đó có nước ta. Nước ta vốn là nước nông nghiệp lạc hậu đi lên chủ nghĩa xã hội bỏ qua chế độ tư bản chủ nghĩa. Vì vậy, khi tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá ở nước ta là một tất yếu khách quan. Đảng ta đã khẳng định: “Công nghiệp hóa là quá trình chuyển đổi căn bản, toàn diện các hoạt động kinh tế - xã hội từ sử dụng sức lao động thủ công là chính sang sử dụng một cách phổ biến sức lao động cùng với công nghệ, phương tiện và phương pháp tiên tiến, hiện đại, tạo ra năng suất lao động xã hội cao” [16, tr.4]. Đồng thời, Đảng ta tiếp tục phát triển quan điểm trên về công nghiệp hoá , hiện đại hoá và khẳng định: Công nghiệp hoá, hiện đại hoá là nhiệm vụ trung tâm có tầm quan trọng hàng đầu của thời kỳ quá độ, là tất yếu đối với nước ta hiện nay. Với mục tiêu phấn đấu mà Đảng ta đã xác định là gia sức phấn đấu đến năm 2020 đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp.

Một bức tranh lịch sử vô cùng phong phú đang hiện ra trước mắt ta, trong đó xuất hiện những hiện tượng và quá trình xã hội mới, những quan hệ xã hội mới, đi đôi với việc xoá bỏ dần những cơ cấu và quan hệ xã hội lạc hậu. Việc đưa cả một xã hội với nền sản xuất nhỏ, thủ công, lạc hậu lên xã hội công nghiệp, hiện đại không thể không gây ra những biến đổi mạnh mẽ về mọi mặt trong đời sống xã hội. Trước mắt chúng ta, có rất nhiều các vấn đề gay gắt đang đặt ra như nhu cầu lợi ích trước mắt và lợi ích lâu dài, giữa nhu cầu cần thiết của cá nhân và sự cần thiết tích luỹ cho công nghiệp hoá, hiện đại hoá hay như các vấn đề về cơ cấu lao động và nghề nghiệp, cơ cấu lao động chân tay và lao động trí óc, cơ cấu dân cư và thành thị, cơ cấu giới tính và lứa tuổi lao động xã hội, cơ cấu dân tộc ở miền núi hay như hiện tượng thành thị hoá nông thôn gắn với hiện tượng cơ động dân cư…Nhưng có hiện tượng hiện rõ đó là thế hệ trẻ mà chủ yếu là thanh niên, học sinh, sinh viên đã có những ảnh hưởng nhất định đến việc hình thành và xây dựng lối sống mới. Sự hình thành con người kiểu mới và sự phát triển toàn diện là một trong những nhiệm vụ chủ yếu trong giai đoạn hiện nay. Vấn đề đặt ra là phải tìm hiểu những nhân tố tích cực và tiêu cực của xã hội nhằm khắc phục để thúc đẩy xã hội phát triển.

Như vậy có thể nói, công nghiệp hoá, hiện đại hoá vừa có những ảnh hưởng tích cực vừa có những ảnh tiêu cực tới việc xây dựng lối sống cho sinh viên ở nước ta hiện nay.

Những ảnh hưởng tích cực của quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đến lối sống sinh viên hiện nay:

Thứ nhất, nước ta tiến hành công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong khi quá trình toàn cầu hoá diễn ra mạnh mẽ. Đây là cơ hội để tiếp thu những thành tựu khoa học, công nghệ tiên tiến của các nước trên thế giới. Điều này đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của tư duy khoa học, giúp sinh viên nâng cao trình

độ hiểu biết khoa học công nghệ, có chuyên môn nghiệp vụ và năng lực để đáp ứng được yêu cầu của thời đại. Từ đó tạo ra khả năng phát triển không ngừng, với tư cách là mục đích tự thân và góp phần hình thành lối sống công nghiệp. Sinh viên có nhiều thời gian để dùng vào mục đích phát triển như học tập, sáng tạo, rèn luyện thân thể, phát triển cá tính…

Thứ hai, công nghiệp hoá, hiện đại hoá đã thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển, tăng năng suất lao động, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân, từng bước hình thành và tạo ra nguồn lực phát triển bền vững cho xã hội. Bởi vì, một trong những nội dung của công nghiệp hoá, hiện đại hoá được Đảng ta xác định là lấy việc phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh và bền vững. Do đó, con người nói chung và lực lượng sinh viên nói riêng được quan tâm, bồi dưỡng cả về thể lực và trí lực, được phát triển toàn diện cá nhân về đức - trí - thể - mỹ.

Thứ ba, công nghiệp hoá, hiện đại hoá là một cuộc cách mạng sâu sắc và triệt để, bắt đầu từ sự thay đổi về chất của lực lượng sản xuất dẫn đến các mặt khác của đời sống xã hội cũng thay đổi theo, từng bước xây dựng cơ sở vật chất kỹ thuật cho chủ nghĩa xã hội, thị trường trong nước cạnh tranh với thị trường các nước khu vực và trên thế giới. Từ đó tạo điều kiện thay đổi cơ bản quá trình đô thị hoá, góp phần rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa nông thôn và thành thị. Với công nghiệp hoá, hiện đại hoá, nước ta sẽ tạo ra một môi trường tổng hợp, thống nhất quá trình ăn ở, làm việc, đi lại, phục vụ. Như

Một phần của tài liệu Giáo dục lối sống mới cho sinh viên trường Cao đẳng Công nghiệp Thái Nguyên trong giai đoạn hiện nay (Trang 28 - 40)