Kỹ năng lập kế hoạch đọc sách

Một phần của tài liệu Một số kỹ năng tự học của sinh viên trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 30)

Kỹ năng lập kế hoạch đọc sách có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với chất lượng đọc sách của SV. Nếu không có kế hoạch đọc sách, đọc một cách tùy tiện thì việc đọc sách, báo và tài liệu chuyên môn sẽ kém năng suất, lãng phí thời gian.

Kỹ năng lập kế hoạch đọc sách là phương thức xây dựng một chương trình đọc sách hợp lý đối với bản thân, có cơ sở khoa học, phù hợp với mục đích và điều kiện của bản thân để tối ưu hóa việc đọc sách nhằm đạt được kết quả mong muốn.

Việc kế hoạch hóa việc đọc sách được thể hiện trong bảng kế hoạch đọc sách. Những SV không biết lập kế hoạch đọc sách thường tiến hành đọc sách một cách tùy tiện. Khi SV đã có kỹ năng lập kế hoạch đọc sách sẽ tạo cơ sở cho việc hình thành thói quen đọc sách có nề nếp, tối ưu hóa quá trình đọc sách, báo và tài liệu chuyên môn của bản thân làm cho hoạt động học tập đạt kết quả cao. Việc lập kế hoạch đọc sách và tổ chức việc thực hiện kế hoạch đọc sách một cách hiệu quả đòi hỏi ở SV phải có tính tự giác, tích cực, độc lập, sáng tạo. Việc lập kế hoạch đọc sách một cách khoa học, hợp lý, chi tiết sẽ góp phần quan trọng giúp SV đạt được hiệu quả cao trong việc đọc sách của mình. Tuy nhiên đây là một công việc rất khó (chủ yếu là khó khăn về mặt tâm lý) đối với SV.

+ Mục đích của việc lập kế hoạch đọc sách.

Mục đích của việc lập kế hoạch đọc sách là nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ đọc sách theo đúng thời gian, khối lượng, chất lượng mong muốn. Qua đó hình thành ở người học nề nếp làm việc độc lập, khoa học.

+ Những yêu cầu của việc lập kế hoạch đọc sách.

* Khi lập kế hoạch đọc sách phải tính đến sự kết hợp chặt chẽ giữa những điều kiện khách quan và những điều kiện chủ quan ảnh hưởng đến việc thực hiện kế hoạch. Những điều kiện khách quan bao gồm: cơ sở vật chất, điều kiện thời gian, địa điểm đọc sách, sự hướng dẫn của thầy, những yếu tố gây nhiễu từ bên ngoài ảnh hưởng tới việc đọc sách. Những điều kiện chủ

quan bao gồm: khả năng, trình độ nhận thức, tình trạng sức khoẻ, tính tự giác, tích cực, chủ động thực hiện kế hoạch đọc sách của SV.

* Phân định thời gian cho từng loại sách, báo và tài liệu chuyên môn một cách hợp lý.

* Biết tổ chức xen kẽ giữa đọc sách với nghỉ ngơi để đạt kết quả đọc sách cao nhất.

+ Nội dung của của việc lập kế hoạch đọc sách:

* Liệt kê tất cả những sách, báo và tài liệu chuyên môn cần phải đọc xong trong một khoảng thời gian nhất định (tuần hoặc tháng).

* Phân loại mức độ quan trọng, mức độ khó khăn của từng tài liệu, sách báo đó.

* Xác định mục đích và yêu cầu cần đạt được sau khi đọc (chỉ cần đọc biết, đọc hiểu hay cần đọc hiểu sâu) của từng tài liệu.

* Rà soát lại và khẳng định tài liệu nào mình đã có, tài liệu nào còn cần phải tìm kiếm và nơi có thể tìm kiếm được; tài liệu nào khi đọc nhất thiết phải có những phương tiện hỗ trợ (từ điển, máy tính, đèn chiếu...) và bằng cách nào để có chúng.

* Xác định quĩ thời gian chỉ dành riêng cho việc đọc sách. Sau đó, phân phối lượng thời gian đó theo hướng ưu tiên cho việc đọc những tài liệu quan trọng và khó. Nếu hết quĩ thời gian mình có mà vẫn còn tài liệu chưa được đưa vào kế hoạch thì ghi lại để lập kế hoạch đọc vào tuần (hoặc tháng) sau. Nếu kế hoạch vì một lí do nào đó mà bị phá vỡ thì dự kiến hướng giải quyết như thế nào.

* Dự kiến địa điểm và thời gian đọc thuận lợi nhất cho bản thân đối với từng tài liệu.

* Sắp xếp đọc xen kẽ những tài liệu có mức độ khó khăn khác nhau; xen kẽ vui chơi, giải trí.

* Dự kiến thời gian sẽ trao đổi với thầy và bạn khi gặp vấn đề không hiểu trong khi đọc, vì nếu không thông hiểu vấn đề này thì không đọc tiếp được tài liệu.

* Dự kiến cơ hội trình bày với thầy và bạn về những điều mình đã thu hoạch được trong khi đọc để tranh thủ sự chỉ bảo của họ nhằm chính xác hóa và mở rộng sự hiểu biết của bản thân xung quanh những vấn đề đã đọc.

* Sau khi thực hiện xong kế hoạch, tự kiểm tra lại một cách khách quan việc thực hiện các công việc đã nêu trong kế hoạch, từ đó giúp mình vạch kế hoạch cho thời gian tới tốt hơn.

Một phần của tài liệu Một số kỹ năng tự học của sinh viên trường Đại học khoa học xã hội và nhân văn - Đại học Quốc gia Hà Nội (Trang 30)