Viễn cảnh đào tạo và phát triển

Một phần của tài liệu thiết lập và áp dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) tại ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hòa (Trang 26)

Thẻ Điểm này bao gồm quá trình đào tạo nhân viên và những thái độ về văn hóa doanh nghiệp liên quan tới sự tiến bộ cá nhân và doanh nghiệp. Với sự thay đổi không ngừng về công nghệ, nhân viên phải luôn trong trạng thái sẵn sàng học hỏi. Các chỉ số có thể được sử dụng giúp nhà quản lý phân bổ ngân sách đào tạo một cách hiệu quả và hợp lý nhất. Trong mọi trường hợp, khả năng học hỏi và phát triển tạo ra nền móng vững chắc cho sự phát triển của doanh nghiệp. Kaplan và Norton nhấn mạnh rằng yếu tố “học hỏi” cần thiết hơn “đào tạo”; yếu tố này có thể thực hiện thông qua việc mời các chuyên gia đào tạo hay sử dụng chuyên gia đào tạo nội bộ, hoặc tạo ra môi trường khuyến khích giao tiếp giữa các nhân viên nhằm tạo điều kiện cho họ học hỏi lẫn nhau. Nhân viên cần phải hiểu biết tốt hơn về các sản phẩm dịch vụ cũng như ngành nghề kinh doanh của doanh nghiệp. Balanced Scorecard còn được sử dụng để tạo động lực bổ sung cho nhân viên hoàn thành nhiệm vụ và thực hiện các mục tiêu tại nơi làm việc của họ. Những mục tiêu này có thể khác nhau, từ thu hút khách hàng mới và bán sản phẩm mới hay cung cấp các ý tưởng sáng tạo...

Các mục tiêu tài chính, khách hàng và quy trình nội bộ trong thẻ điểm cân bằng thường sẽ cho ta biết khoảng cách giữa năng lực con người, hệ thống, quy trình và những gì cần để đạt được sự đột phá về hiệu quả của doanh nghiệp. Muốn thu hẹp được khoảng cách thì doanh nghiệp cần phải tái đầu tư vào việc nâng cao kỹ năng, tăng cường hệ thống công nghệ thông tin, liên kết các quy trình và thủ tục, đây chính là viễn cảnh đào tạo và phát triển nhân viên.

Các thước đo đối với nguồn nhân lực là sự kết hợp của một loạt các yếu tố: mức độ hài lòng của nhân viên, giữ chân nhân viên, đào tạo nhân viên và kỹ năng...Hệ thống công nghệ thông tin có thể đo lường bằng mức độ sẵn có của các thông tin chính xác về khách hàng và quy trình nội bộ dành cho nhân viên. Các thủ tục có thể được xem xét ở góc độ gắn kết đãi ngộ dành cho nhân viên với các nhân tố thành công cốt lõi của tổ chức và được đo bằng mức độ cải thiện liên quan đến các quy trình nội bộ và khách hàng.

Chúng ta có thể nhận thấy mối quan hệ nhân quả trong cấu trúc BSC. Từ kỹ năng kiến thức của nhân viên là nền tảng cho sự đổi mới và cải thiện, tiếp theo họ sẽ được trao quyền và học tập để cải thiện cách thức thực hiện công việc, từ đó chính sự hiệu quả trong công việc sẽ làm gia tăng sự thỏa mãn của khách hàng và cuối cùng là gia tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp.

Một phần của tài liệu thiết lập và áp dụng phương pháp thẻ điểm cân bằng (balanced scorecard) tại ngân hàng thương mại cổ phần kiên long chi nhánh khánh hòa (Trang 26)