Như đã trình bày ở phần đầu, một trong những khái niệm nền tảng trong tài chính là kinh doanh chênh lệch giá (arbitrage), nó được hiểu như là “hoạt động mua và bán đồng thời một loại tài sản như nhau trên hai thị trường khác nhau nhằm thu lợi nhuận từ sự khác biệt về giá (Sharpe and Alexander, 1990). Theo lý thuyết thì những hoạt động như vậy yêu cầu không giới hạn vốn và rủi ro. Khi nhà kinh doanh chênh
lệch giá mua chứng khoán/tài sản giá thấp và bán chính nó ở thị trường có giá cao hơn, anh ta sẽ nhận ngay lợi nhuận do hoạt động này.
Kinh doanh chênh lệch giá đóng vai trò quan trọng trong việc phân tích thị trường bất động sản, bởi vì ảnh hưởng của nó làm cho giá bất động sản bị định sai trở về giá trị cơ bản (fundamental value) và giữ cho thị trường hiệu quả.
Và tại sao trong thực tế vẫn có những trường hợp định giá sai, mà kinh doanh chênh lệch giá không thể đưa nó về giá trị cơ bản được?
Một giải thích được chấp nhận rộng rãi trong trường phái tài chính hành vi là có 2 dạng định giá sai: một dạng là thường xuyên xảy ra và có thể kinh doanh chênh lệch giá được, một dạng là không thể xảy ra, kéo dài và không thể kinh doanh chênh lệch giá được (nói một cách khác, khó mà xác định được khi nào mức định giá sai đã đạt tới giới hạn trên hay dưới và điều chỉnh lại). Nếu tham gia “chỉnh sửa” kiểu định giá sai dạng 2 thì rất dễ rơi vào trạng thái “tiền mất, tật mang”, chúng ta cùng xem xét ví dụ về giá trị cổ phiếu Ford:
- Giả sử giá trị cơ bản của Ford là $20/cổ phiếu. Tưởng tượng rằng lúc này những nhà đầu tư không khôn ngoan (irrational traders) trở nên quá bi quan về triển vọng tương lai ảm đạm của Ford, và bán ngay cổ phiếu Ford với giá $15. - Lúc này, theo lý thuyết thị trường hiệu quả (gọi tắt EMH) thì những nhà đầu tư
khôn ngoan (Rational traders) thấy đây là cơ hội hấp dẫn vì giá thấp hơn giá trị cơ bản ($20) và mua chúng với mức giá hời. Với áp lực mua cổ phiếu Ford của các nhà đầu tư khôn ngoan sẽ làm cho cổ phiếu Ford trở lại giá trị cơ bản của nó ($20).
Nhưng “tài chính hành vi” không hoàn toàn đồng tình với quan điểm này bởi lẽ khi những cơ hội đầu tư hấp dẫn xảy ra thì thật khó để tin rằng chúng không bị lợi dụng một cách nhanh chóng. Và “tài chính hành vi” cho rằng khi mà sự sai lệch giá một cách quá lớn thì các chiến lược được thiết kế để điều chỉnh giá có thể phải bao gồm cả rủi ro và chi phí, chính điều này làm cho kinh doanh chênh lệch giá trở nên kém hấp dẫn hơn. Do đó, không hẳn mọi lúc thì việc kinh doanh chênh lệch giá là không rủi ro và không tốn phí như quan điểm của thị trường hiệu quả. Kết quả là việc định giá sai đã không được điều chỉnh như kỳ vọng ban đầu.
Chúng ta sẽ tìm hiểu ngay sau đây với 03 vấn đề chính được nhiều nhà nghiên cứu tài chính hành vi đưa ra về giới hạn kinh doanh chênh lệch giá không giải thích
được, làm cho việc định giá sai trở nên trầm trọng hơn, đó là rủi ro cơ bản (fundamental risk), chi phí thực hiện (implementation costs) và rủi ro từ những nhà giao dịch nhiễu hay rủi ro nhà đầu tư bất hợp lý (noise trader risk).