Giải pháp 4: Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin

Một phần của tài liệu một số giải pháp tăng cường quản lý thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh nam định (Trang 78)

Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hỗ trợ cán bộ thuế, hỗ trợ NNT trong công tác quản lý thuế TNCN

3.2.4.1. Căn cứ khoa học

- Công nghệ thông tin ngày càng thể hiện vai trò và sức mạnh của mình trong công tác quản lý các hoạt động kinh tế, xã hội, trong đó có quản lý thuế. Hiện nay công nghệ thông tin đã xuất hiện trong hầu hết các lĩnh vực quản lý hành chính thuế của cơ quan thuế các cấp. Tuy nhiên do thời gian triển khai ứng dụng còn ngắn, chính sách thuế thường xuyên thay đổi và công tác quản lý thuế hết sức phức tạp nên hiệu quả của các ứng dụng công nghệ thông tin chưa thực sự cao, đôi khi không phù hợp với chính sách hoặc gây những khó khăn nhất định cho người sử dụng. Do đó việc xây dựng một hệ thống tin học hiện đại, khoa học, hiệu quả, thống nhất trở thành một đòi hỏi cấp thiết của công tác quản lý thuế trong thời gian tới.

- Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế sẽ giúp cơ quan thuế:

+ Tiết kiệm thời gian, nguồn nhân lực, chi phí, nâng cao hiệu quả quản lý thuế

+ Đảm bảo sự chính xác, thống nhất về số liệu giữa các bộ phận trong nội bộ cơ quan thuế, ngành thuế.

+ Thuận tiện, nhanh chóng khi tra cứu, lưu trữ và xử lý các thông tin về người nộp thuế, tình trạng nộp thuế, nợ đọng thuế,…

- Chương trình ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý thuế của Bộ Tài chính, Tổng cục thuế

3.2.4.2. Nội dung của giải pháp

Để tăng cường vai trò của các ứng dụng công nghệ thông tin nhằm từng bước hiện đại hóa công tác quản lý thuế tại cơ quan thuế, ngành thuế phải quan tâm, chú trọng triển khai các vấn đề sau:

- Hoàn thiện, nâng cấp các phần mềm ứng dụng đang được sử dụng tại cơ quan thuế đảm bảo phù hợp với chính sách thuế hiện hành, dễ sử dụng, bao quát được hầu hết các trường hợp phát sinh trong quá trình quản lý thuế và thuận lợi trong việc khai thác dữ liệu chung giữa các bộ phận khác nhau.

- Các phần mềm hỗ trợ doanh nghiệp đang sử dụng phải thường xuyên được nâng cấp kịp thời với sự thay đổi của chính sách thuế, phải được thiết kế đơn giản, dễ cài đặt và sử dụng, phù hợp với điều kiện của nhiều loại hình doanh nghiệp. Cơ quan thuế phải triển khai tổ chức tập huấn, hướng dẫn ngay cho người nộp thuế tiếp cận và sử dụng thành thạo các phần mềm hỗ trợ mới hoặc các phiên bản nâng cấp phần mềm hỗ trợ đang sử dụng. Thành lập các tổ hỗ trợ, đường dây nóng để giải đáp các vướng mắc của người nộp thuế trong quá trình sử dụng phần mềm ứng dụng.

- Hiện nay, các phần mềm ứng dụng trong nội bộ cơ quan thuế đã được kết nối về mặt số liệu với kho dữ liệu chung là phần mềm Quản lý thuế (QLT). Tuy nhiên, sự kết nối này chỉ mới thực hiện trong phạm vi địa bàn

quản lý của cơ quan thuế, chưa có sự kết nối dữ liệu giữa cơ quan thuế các cấp, giữa cơ quan thuế ở các địa phương khác nhau. Việc đối chiếu, báo cáo số liệu giữa các cơ quan thuế vẫn thực hiện thủ công theo đường công văn dẫn đến sự chậm trễ trong xử lý công việc, đôi khi còn xảy ra thất lạc công văn trong quá trình vận chuyển… Để nâng cao hiệu quả công tác quản lý thuế tại cơ quan thuế, từ nay đến năm 2015, Tổng cục thuế nên xây dựng một hệ thống tin học hiện đại, khoa học, một phần mền riêng biệt cho công tác quản lý thu thuế TNCN với hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung và thống nhất toàn ngành.

3.2.4.3. Kết quả mong đợi của giải pháp

- Công nghệ thông tin được ứng dụng tại tất cả các khâu, các lĩnh vực quản lý thuế.

- Các phần mềm ứng dụng đáp ứng được yêu cầu quản lý, dễ sử dụng, thuận tiện trong việc kiểm tra, lưu trữ, xử lý thông tin

- Tạo ra môi trường làm việc hiện đại, khoa học, hiệu quả, phù hợp với sự phát triển của nền kinh tế.

TÓM TẮT CHƯƠNG 3

Những tồn tại trong quản lý thu thuế TNCN đã được đề cập giải quyết trong Chương 3 với những giải pháp chủ yếu:

Một là: Hoàn thiện chính sách thuế, với những tồn tại của Luật Thuế TNCN thì cần phải thay đổi chính sách thuế cho phù hợp với tình hình thực tế tại những thời điểm áp dụng, tạo nên sự công bằng pháp lý cho người nộp thuế.

Hai là: Tăng cường công tác tuyên truyền hỗ trợ đến người nộp thuế, đến cán bộ thuế và đến các cơ quan có liên quan.

Ba là: Củng cố đội ngũ cán bộ thuế đủ về số lượng, chất lượng đáp ứng yêu cầu quản lý thuế TNCN trong những năm tới.

Bốn là: Áp dụng công nghệ thông tin hỗ trợ người nộp thuế, cán bộ thuế trong quá trình thực hiện Luật Thuế TNCN.

KẾT LUẬN

Thuế là nguồn thu chủ yếu của Ngân sách Nhà nước (với tỷ lệ chiếm khoảng 95%) nên việc ban hành các chính sách thuế và quản lý có hiệu quả nguồn thu từ thuế là một trong những vấn đề quan tâm hàng đầu của quốc gia. Mỗi sắc thuế hướng tới một đối tượng nộp thuế khác nhau, trong đó thuế thu nhập cá nhân là sắc thuế có phạm vi tác động lớn hơn cả. Mặc dù tỷ lệ đóng góp của thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam hiện nay còn khiêm tốn (chiếm khoảng 4,5% tổng thu Ngân sách Nhà nước) nhưng đây lại được coi là một nguồn thu triển vọng trong tương lai.

Trên cơ sở hệ thống tri thức về khoa học kết hợp với thực tiễn trong chương trình đào tạo cử nhân quản lý kinh tế của Đại Học Bách Khoa Hà Nội. Bằng phương pháp phân tích trên cơ sở tư duy về kinh tế. Tôi đã thấy được vai trò của việc quản lý thuế, nhất là quản lý thuế thu nhập cá nhân hiệu quả là vô cùng to lớn. Nó chính là yếu tố để phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và củng cố tính vững chắc cho nguồn thu ngân sách Nhà nước. Chính vì vậy, cần thiết phải xây dựng một hệ thống chính sách thuế thu nhập cá nhân phù hợp và một phương thức quản lý thuế thu nhập cá nhân thực sự hiệu quả.

Luận văn: “ Một số giải pháp tăng cường quản lý thu Thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh Nam Định” đề cập đến một lĩnh vực rộng, đòi hỏi học viên phải có kiến thức tổng quát cao, thời gian nghiên cứu sâu, tham khảo nhiều tài liệu và các thông tin liên quan. Mặc dù đã rất cố gắng nghiên cứu đề tài một cách nghiêm túc nhằm có được kết quả tốt nhất nhưng do đây là đề tài mới, bản thân tôi chưa có nhiều những trải nghiệm thực tế nên luận văn không tránh khỏi có những thiếu sót và khiếm khuyết, kính mong được sự góp ý của các thầy cô giáo, các chuyên gia, các đồng nghiệp và bạn đọc. Tôi xin chân thành cám ơn.

Một phần của tài liệu một số giải pháp tăng cường quản lý thu thuế thu nhập cá nhân trên địa bàn tỉnh nam định (Trang 78)