28 Trong tổng số 27 dân tộc cư trú ở tỉnh Lào Cai (dẫn theo thông tin từ Cổng Thông tin Điện tử của Tỉnh Lào Cai:
4.3.1. Một trung tâm hành chính, văn hóa và giáo dục
Sau hơn 10 năm xây dựng và phát triển, xã Nghĩa Đô nói chung và khu trung tâm xã nói riêng đã có nhiều biến đổi dưới sự tác động của những yếu tố khác nhau, mà nổi bật nhất là dưới tác động của các dự án phát triển và đặc biệt là chủ trương xây dựng một khu trung tâm xã ở Nghĩa Đô. Việc quy hoạch lấy trung tâm xã Nghĩa Đô làm trung tâm cụm kinh tế - xã hội của ba xã Tân Tiến, Vĩnh Yên và Nghĩa Đô của chính quyền huyện Bảo Yên và tỉnh Lào Cai là cơ sở pháp lý để chính quyền huyện và xã đầu tư một số vốn lớn xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng ở khu trung tâm và kết nối khu trung tâm xã với các bản trong xã Nghĩa Đô và ở hai xã lân cận.
Quan trọng nhất là trụ sở làm việc của chính quyền xã được xây dựng ngay tại khu trung tâm này. Cùng với đó là hệ thống các trường học từ mẫu giáo đến trung học phổ thông (trong đó quan trọng nhất và tác động mạnh nhất là xây dựng xong trường Trung học Phổ thông số 3 Bảo Yên hoạt động năm 2004) đặt trên địa bàn khu trung tâm Nghĩa Đô đã có tác động mạnh thu hút một số lượng giáo viên và sinh viên từ các nơi khác về đây.
Bên cạnh đó, nơi đây còn là một trung tâm văn hóa - du lịch của cụm với sự xuất hiện của các công trình công cộng phục vụ cho nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân như sân bóng - là một sân chơi phục vụ cho nhu cầu giải trí của người dân, đặc biệt là thanh niên. Nghĩa Đô cũng chính là nơi thường xuyên diễn ra các sự kiện văn hoá của nhân dân 3 xã như hát then, ném còn, giải bóng đá, bóng chuyền, v.v.
Hiện nay, Nghĩa Đô luôn được nhắc đến là một địa điểm du lịch trong chiến lược phát triển du lịch thành một ngành kinh tế mũi nhọn của huyện và xã. Cụ thể đây là nơi có di tích đền Nghĩa Đô; Lũy Chúa Bầu và hang động Khau Cấn; khu phê tích Đình thờ 3 vị Nhân Thần họ Vũ; vùng du lịch Mạ Khoang - Bản Đáp. Bên cạnh đó bản Thâm Mạ, bản Hón, bản Hốc có sách Tày Nùng, bản Hón có nhiều nghệ nhân thơ ca Tày, bản Kem có bố cục nhà cửa truyền thống, thổ cẩm và đan lát. Trong đó, trung tâm xã được quy hoạch phát triển để trở thành một điểm đến và dừng chân của khách du lịch, cho dù nó còn mới là những kế hoạch phát triển ban đầu của chính quyền tỉnh Lào Cai và huyện Bảo Yên, đặc biệt Sở văn hoá tỉnh Lào Cai và huyện Bảo Yên đã tiến hành khảo sát và xây dựng kế hoạch phát triển du lịch ở Nghĩa Đô. Chính các nhân tố này làm cho khu trung tâm xã Nghĩa Đô trở thành một trung tâm kinh tế - văn hoá - giáo dục và du lịch ở cấp độ địa phương.