Như một số trường hợp cụ thể được phân tích trong phần 1.3.2 của nghiên cứu này, các doanh nghiệp đó đã bỏ ra một tỷ lệ thời gian nhất định trong thời gian làm việc của doanh nghiệp để tạo ra cho nhân viên những khoảng thời gian tự do. Trong khoảng thời gian này, nhân viên hoàn toàn được “thoát ra” khỏi những công việc bình thường họ đang chịu trách nhiệm, thay vào đó, họ sẽ được tự do sáng tạo những ý tưởng mới hay những phương thức làm việc mới, những dự án mới có thể đem lại lợi ích cho công ty (như ví dụ về Google đã được phân tích trong chương 1). Khoảng thời gian này làm tăng cường quyền tự chủ, sự tự do của người lao động trong MTLV, tăng cường niềm say mê công việc, từ đó gia tăng động lực 3.0 trong mỗi người và thúc đẩy sự phát triển của doanh nghiệp.
Dựa trên ý tưởng đó, nhóm nghiên cứu đưa ra giải pháp áp dụng những “Ngày làm việc tự do” trong doanh nghiệp để phát huy sức sáng tạo của nhân viên, cũng như tạo cho nhân viên cảm giác mọi đóng góp của họ trong công ty đều được trân trọng thông qua việc trao thưởng (cả phần thưởng tài chính và phi tài chính) cho những sáng tạo xuất sắc, có ý nghĩa với doanh nghiệp. Doanh nghiệp có thể dành một ngày mỗi tuần hoặc hai ngày mỗi tháng hoặc một khoảng thời gian tự do nhất định mà doanh nghiệp cho là phù hợp. Do vậy, đối với DNNVV, tùy vào loại hình kinh doanh cũng như tính chất công việc của các bộ phận khác nhau mà doanh nghiệp có thể áp dụng chương trình “Ngày làm việc tự do” theo những cách khác nhau, có thể yêu cầu nhân viên đến nơi làm việc hoặc làm việc từ xa nhưng vẫn báo cáo kết quả; có thể kết hợp với những buổi dã ngoại để cung cấp cho nhân viên không gian làm việc mới mẻ...
3.4. Kiến nghị với cơ quan nhà nước