Nhân tố chủ quan là những nhân tố xuất phát từ bản thân ngân hàng, nằm trong tầm kiểm soát của ngân hàng và ngân hàng có thể tác động để thay đổi nó. Nhân tố này có tác động rất lớn đến chất lượng hoạt động bảo lãnh của ngân hàng.
Chiến lược phát triển kinh doanh của ngân hàng.
Bất cứ một ngân hàng nào cũng có chiến lược kinh doanh của mình trong từng thời thời kỳ: ngắn hạn và dài hạn. Chiến lược phát triển chung của ngân hàng là nhân tố quan trọng, là cơ sở để xây dựng các chính sách phát triển của từng hoạt động của ngân hàng trong đó có hoạt động bảo lãnh. Nếu không có một chiến lược kinh doanh hợp lý và đúng đắn, ngân hàng sẽ luôn bị động trước những thay đổi, biến động của thị trường. Một chiến lược kinh doanh đúng đắn, thống nhất và có tầm nhìn xa sẽ giúp ngân hàng phát triển đúng hướng, phát huy được tiềm năng của mình, đồng thời thích ứng kịp thời với những biến đổi của môi trường kinh doanh. Như vậy ngân hàng sẽ phát triển ổn định, nâng cao uy tín của ngân hàng trên thị trường, tạo sự yên tâm cho khách hàng khi lựa chọn nghiệp vụ bảo lãnh của ngân hàng.
Trong chiến lược phát triển chung của ngân hàng thì bao gồm nhiều chiến lược cụ thể như: marketing, nguồn nhân lực, cải tiến cơ cấu tổ chức…. và những chiến lược này đều có tác động tới chất lượng hoạt động bảo lãnh của ngân hàng.
Kế hoạch phát triển hoạt động bảo lãnh.
Hoạt động bảo lãnh là một bộ phận trong hoạt động của ngân hàng. Dựa trên cơ sở chiến lược hoạt động kinh doanh chung, ngân hàng sẽ xây dựng kế hoạch phát triển hoạt động bảo lãnh một cách chi tiết trong từng thời kỳ cụ thể. Kế hoạch phát triển chi tiết thường là xác định hệ thống các chỉ tiêu và biện pháp mà ngân hàng đặt ra như: Kế hoạch phát triển vi mô, tính chất và mục tiêu từng loại hình bảo lãnh, rủi ro trong từng loại hình bảo lãnh khi thực hiện, phương thức tiến hành bảo lãnh, thị trường bảo lãnh…
Kế hoạch phát triển bảo lãnh chi tiết, theo đúng đường lối chung của ngân hàng và phù hợp với môi trường kinh tế xã hội sẽ làm cho chất lượng bảo lãnh được cải thiện và không ngừng phát triển, ngày một nâng cao.
Quy trình bảo lãnh
Quy trình bảo lãnh là một trong những nhân tố quan trọng nhất tác động đến chất lượng của hoạt động bảo lãnh. Quy trình bảo lãnh bao gồm các bước để thực hiện một khoản bảo lãnh. Bao gồm:
Bước 1: Lập hồ sơ bảo lãnh
Bước 2: Thẩm định bảo lãnh
Bước 3: Soạn thảo văn bản bảo lãnh
Bước 4: Phát hành văn bản bảo lãnh
Bước 5: Giám sát và xử lý
Bước 6: Kết thúc bảo lãnh
Mỗi bước trong quy trình này đều ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng bảo lãnh. Do vậy bảo lãnh phải được áp dụng thống nhất về trình tự, thủ tục cũng như các yêu cầu của ngân hàng đối với khách hàng trong từng loại hình bảo lãnh. Trong quy trình bảo lãnh, bước thẩm định khách hàng là quan trọng nhất. Bởi vì đây là điều kiện tiên quyết để ngân hàng ra quyết định thực hiện bảo lãnh hay không. Bên cạnh đó, ngân hàng cũng nên chú ý ở khâu xây dựng hợp đồng bảo lãnh và giám sát xử lý sau bảo lãnh vì đây là hai khâu sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lợi ích và tổn thất của ngân hàng. Do đó, trong quá trình thực hiện ngân hàng phải quản lý chặt chẽ và có
sự phân công trách nhiệm rõ ràng. Một quy trình không phù hợp hay tiến hành các bước không đầy đủ sẽ đưa lại một khoản bảo lãnh kém chất lượng, đẩy ngân hàng đứng trước những nguy cơ, rủi ro tiềm ẩn. Nhưng ngược lại, một quy trình quá chặt chẽ sẽ gây phiền hà cho khách hàng, tốn kém không cần thiết mà lại có thể bỏ lỡ nhiều cơ hội kinh doanh.
Một quy trình bảo lãnh hợp lý, vừa đảm bảo tính an toàn cho hoạt động của ngân hàng vừa thỏa mãn được nhu cầu tiện ích của khách hàng chính là điều kiện cần thiết để ngân hàng nâng cao chất lượng hoạt động bảo lãnh của mình.
Trình độ nghiệp vụ và phẩm chất của cán bộ nhân viên ngân hàng
Trong hoạt động kinh doanh mọi doanh nghiệp, con người luôn là trung tâm, yếu tố quyết định đến sự thành bại của doanh nghiệp đó. Và ngân hàng không phải là một ngoại lệ. Nhất là trong nền kinh tế thị trường cạnh tranh gay gắt hiện nay, chất lượng nhân sự ngày càng được nâng cao phù hợp với yêu cầu đòi hỏi của công việc và sự thay đổi nhanh chóng của môi trường kinh doanh. Tại các ngân hàng, công tác đào tạo nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ nhân viên ngày càng được phát triển và mở rộng. Một đội ngũ cán bộ ngân hàng có trình độ nghiệp vụ cao, phẩm chất đạo đức tốt sẽ ngăn ngừa được những sai phạm, rủi ro có thể gặp phải trong hoạt động ngân hàng nói chung và hoạt động bảo lãnh nói riêng. Ngoài ra sự năng động, nhiệt tình, tận tâm của cán bộ ngân hàng cũng là một điểm mạnh khiến khách hàng hài lòng và có ấn tượng tốt với hoạt động bảo lãnh của ngân hàng.
Bên cạnh những yếu tố chủ quan trên còn có những yếu tố không kém phần quan trọng, luôn tác động đến chất lượng hoạt động bảo lãnh của ngân hàng như: cơ sở vật chất kỹ thuật, công nghệ ngân hàng hay công tác tổ chức ngân hàng… Nếu ngân hàng có thể kiểm soát tốt những yếu tố chủ quan trên thì chất lượng hoạt động bảo lãnh của ngân hàng cũng được nâng lên rất nhiều.