Xây dựng kế hoạch phát triển hoạt động bảo lãnh dài hạn
Trên cơ sở đường lối chính sách phát triển kinh tế của Đảng, Nhà nước trong từng thời kỳ, dưới sự lãnh đạo của NHNN và NHNo&PTNT Việt Nam, NHNo&PTNT Khánh Hòa cần xây dựng cho mình một kế hoạch phát triển nghiệp vụ bảo lãnh dài hạn mang tính khả thi. Để cho nghiệp vụ bảo lãnh có chất lượng hơn nữa thì ngân hàng cần xác định được tầm quan trọng của nghiệp vụ bảo lãnh trong hiện tại và trong tương lai để từ đó có các giải pháp để tiếp tục tăng trưởng hoặc thu hẹp tùy vào từng thời kỳ nhất định. Trên hết để nghiệp vụ bảo lãnh thật sự được chuyên môn hóa thì ngân hàng nên có phòng bảo lãnh độc lập để chất lượng bảo lãnh được nâng cao và tránh được các rủi ro do hoạt động này mang lại.
Nâng cao chất lượng khâu thẩm định bảo lãnh
Bảo lãnh là một hình thức cấp tín dụng, do đó về thực chất rủi ro bảo lãnh cũng tương ứng rủi ro trong tín dụng. Vì vậy khi thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh, cán bộ tác nghiệp nên chú ý ở khâu thẩm định hồ sơ bảo lãnh đặc biệt là tài sản thế chấp. Doanh nghiệp thường chỉ muốn ký quỹ một phần, còn lại dùng tài sản đảm bảo để thế chấp. Vì vậy, cán bộ thẩm định phải là những người có kinh nghiệm, đánh giá được chất lượng của tài sản đảm bảo cũng như hao mòn vô hình, hao mòn hữu hình có thể có. Đối với các tài sản là vàng, bạc hay giấy tờ có giá thì thường đánh giá khá sát, nhưng tài sản chủ yếu mà các doanh nghiệp dùng để thế chấp là nhà cửa, máy móc thiết bị. Những tài sản này thường khó định giá một cách chính xác. Do đó ngân hàng nên thành lập một tổ đánh giá tài sản này bao gồm các cán bộ có trình độ chuyên môn nhằm định giá chính xác giá trị còn lại của tài sản dùng để
thế chấp, khả năng phát mãi và giá trị thị trường để đảm bảo an toàn cho ngân hàng và công bằng cho khách hàng.
Thường xuyên thực hiện công tác kiểm tra, kiểm soát
NHNo&PTNT Khánh Hòa cần tăng cường kiểm tra, kiểm soát đối với hoạt động bảo lãnh. Mục đích nhằm kiểm tra việc chấp hành các quy định, phát hiện các tồn tại thiếu sót từ đó kịp thời có những điều chỉnh cho phù hợp. Sau khi chấp nhận bảo lãnh, cán bộ ngân hàng cần xuống kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất nhằm đảm bảo rằng việc sử dụng vốn của doanh nghiệp là đúng mục đích. Trường hợp phát hiện ra khách hàng sử dụng vốn sai mục đích thì ngân hàng phải có biện pháp xử lý kịp thời, thu hồi lại nợ để trả cho bên cho vay, đồng thời có biện pháp xử lý thích đáng đối với doanh nghiệp. Trong quá trình giám sát việc sử dụng vốn của doanh nghiệp, Ngân hàng cũng có thể tư vấn cho khách hàng cách sử dụng vốn có hiệu quả hơn, đồng thời giúp doanh nghiệp giải quyết những khó khăn phát sinh. Điều đó sẽ làm cho mối quan hệ giữa ngân hàng và khách hàng càng trở nên mật thiết và quá trình hoạt động bảo lãnh diễn ra thuận lợi hơn.