Việt Nam
Nguyên nhân khách quan
a) Áp lực hội nhập kinh tế toàn cầu
Hội nhập kinh tế toàn cầu đặt mọi doanh nghiệp dưới áp lực cạnh tranh gay gắt. Yêu cầu về hội nhập đòi hỏi các quốc gia phải mở cửa nền kinh tế, phải có cơ chế bình đẳng cho các doanh nghiệp nước ngoài. Khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), bên cạnh những cơ hội về hợp tác và phát triển, các doanh nghiệp trong nước cũng đứng trước áp lực cạnh tranh gay gắt và nguy cơ tụt hậu. Trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, áp lực này còn lớn hơn rất nhiều. Các ngân hàng nước ngoài với năng lực tài chính, công nghệ và kinh nghiệm hơn hẳn ra đời ngày càng nhiều, phần nào ảnh hưởng đến thị phần và vị thế cạnh tranh của các ngân hàng nội địa, trong đó có NHNo&PTNT Việt Nam nói chung và NHNo&PTNT Khánh Hòa nói riêng.
b) Về phía khách hàng
Hoạt động bảo lãnh của ngân hàng bị hạn chế một phần phụ thuộc vào yếu tố khách hàng - doanh nghiệp. Nhưng đây lại là phạm vi ngân hàng khó có thể kiểm soát được. Nó phụ thuộc vào năng lực tài chính cũng như hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Thực tế là vốn tự có của nhiều doanh nghiệp còn thấp và hoạt động của doanh nghiệp phụ thuộc rất nhiều vào vốn vay từ các NHTM. Vốn tự có của doanh nghiệp quá nhỏ nên không đáp ứng được điều kiện để được ngân hàng bảo lãnh, và nếu được bảo lãnh thì khả năng thanh toán về gốc, lãi và phí bảo lãnh cho ngân hàng ít khi đúng thời hạn. Nguyên nhân do một số doanh nghiệp có hiệu suất sử dụng vốn thấp, khả năng quản lý cũng như lập dự án kinh doanh không khả thi dẫn đến các rủi ro phát sinh.
Bên cạnh đó, đối tượng khách hàng đến ngân hàng sử dụng dịch vụ bảo lãnh thường là doanh nghiệp ngoài quốc doanh nên không ít trường hợp khách hàng không hiểu biết về nghiệp vụ hay quy trình thực hiện hoạt động bảo lãnh tại chi nhánh. Điều đó gây mất nhiều thời gian để cán bộ tác nghiệp giải thích cho khách hàng hiểu rõ tường tận về bảo lãnh và làm giảm năng suất của mỗi cán bộ trong quá trình thực hiện.
Mặt khác, tài sản cố định mà doanh nghiệp dùng để thế chấp nhiều khi rất cũ kĩ lạc hậu, tài sản bảo đảm không đủ giá trại cầm cố, thế chấp, hồ sơ giấy tờ vướng mắc pháp lý… do đó nhiều trường hợp không đáp ứng được điều kiện tham gia bảo lãnh của ngân hàng.
c) Quy định pháp lý
Hiện nay quy định cụ thể về hoạt động bảo lãnh ngân hàng được quy định tại Quy chế Bảo lãnh ngân hàng ban hành kèm Quyết định số 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/06/2006 của Thống đốc NHNN Việt Nam. Đây được xem là quy chế chung của NHNN ban hành chung; tất cả các tổ chức tín dụng, NHTM đều căn cứ trên quy chế này để ban hành những quy định riêng cho tổ chức của mình. Tuy mới nhất và
đã có những điều chỉnh so với các quy chế trước đây, nhưng trong một số trường hợp vẫn vướng mắc cho các NHTM trong thực hiện nghiệp vụ bảo lãnh:
Bảo lãnh ngân hàng bao gồm nhiều loại bảo lãnh khác nhau với tính chất đặc thù riêng và quy trình thẩm định của từng hợp đồng bảo lãnh cũng có sự khác nhau và quan trọng hơn là mỗi loại bảo lãnh có những rủi ro đi kèm riêng biệt. Mà các cơ chế quản lý các rủi ro này lại chưa được nêu rõ trong quy chế nên đôi khi còn gây khó khăn trong việc ban hành các quy định xử lý của NHNo&PTNT Khánh Hòa.
Giới hạn bảo lãnh hiện nay là mỗi tổ chức tín dụng không được bảo lãnh quá 15% vốn tự có, đây là mức giới hạn bắt buộc đối với tất cả các NHTM nói chung và NHNo&PTNT Khánh Hòa nói riêng. Vì vậy khi có hợp đồng bảo lãnh có giá trị lớn, thường là các hợp đồng bảo lãnh nước ngoài, ngân hàng thường từ chối vì giá trị bảo lãnh có thể vượt quá 15% vốn tự có của ngân hàng. Điều này làm mất đi một lượng khách hàng tiềm năng và doanh thu cho ngân hàng.
Nguyên nhân chủ quan a) Về mức phí bảo lãnh
Một trong những nguyên nhân làm giảm lợi thế cạnh tranh của NHNo&PTNT Khánh Hòa trong hoạt động bảo lãnh hiện nay là chính sách phí chưa hợp lý. Mức phí bảo lãnh hiện tại của ngân hàng cao hơn mặt bằng chung của các NHTM trên địa bàn như Vietcombank, BIDV... Điều này tác động đến số lượng khách hàng sử dụng dịch vụ này do chi phí gia tăng. Cụ thể hiện nay NHNo&PTNT Khánh Hòa đang tính phí bảo lãnh theo năm, còn các NHTM như Vietcombank, Sacombank hay BIDV tính phí theo tháng và quý. Khi tiến hành quy đổi về cùng một thời gian thì rõ ràng mức phí bảo lãnh của NHNo&PTNT Khánh Hòa có cao hơn. Hiện tại phí bảo lãnh của NHNo&PTNT Khánh Hòa là 1,5% đến 3%/năm/giá trị bảo lãnh, Vietcombank là 0,6% đến 1,8%/năm/giá trị bảo lãnh, BIDV là 1,2% đến 2%/năm/giá trị bảo lãnh. Nhiều doanh nghiệp chỉ có nhu cầu bảo lãnh với giá trị nhỏ đã chuyển sang các NHTM có mức phí thấp hơn. Rõ ràng, mức phí bảo lãnh hiện tại đã cản trở việc thu hút và giữ chân khách hàng.
b) Về nguồn nhân lực
Trong hoạt động bảo lãnh tại NHNo&PTNT Khánh Hòa hiện nay, do chưa có phòng bảo lãnh riêng biệt nên các cán bộ tín dụng thường kiêm nhiệm về nghiệp vụ bảo lãnh bên cạnh nghiệp vụ huy động và cho vay. Hầu hết các cán bộ đều có trình độ và trải qua các khóa đào tạo về nghiệp vụ cũng như thao tác trên hệ thống tín dụng IPCAS nhưng do kiêm nhiệm nhiều nghiệp vụ nên đôi khi chưa chuyên tâm chuyên sâu về hoạt động bảo lãnh. Các cán bộ tác nghiệp bảo lãnh, nhất là các nhân viên có tuổi đời còn trẻ thì ngoài các khóa đào tạo ngắn hạn thì chủ yếu tự mày mò, đúc kết kinh nghiệm qua thực tế từ các cán bộ lớn tuổi hơn, chứ chưa nhận được sự hỗ trợ từ việc hệ thống hóa các kiến thức, kinh nghiệm trong hoạt động này. Mặt khác, công tác trao đổi kinh nghiệm giữa các chi nhánh tuy có nhưng theo kiểu tự phát, riêng lẻ; chưa có chủ trương khuyến khích và chưa tổ chức rộng rãi dù đây là hoạt động rất hữu ích và góp phần quan trọng trong việc hạn chế rủi ro về tác nghiệp và quản lý.
c) Về nghiệp vụ thực hiện quy trình bảo lãnh
Tuy NHNo&PTNT Việt Nam đã xây dựng được cho toàn hệ thống quy chế bảo lãnh ngân hàng (Quyết định 398/QĐ-HĐQT-TD ngày 02/05/2007) nhưng đây chỉ là quy chế cụ thể của Quyết định 26/2006/QĐ-NHNN ngày 26/06/2006 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nên vẫn còn bộc lộ một số điểm chưa rõ ràng như khi xảy ra rủi ro, tranh chấp thì sẽ xử lý, can thiệp như thế nào hay chưa nêu được các cơ chế quản lý rủi ro trong hoạt động này.
Mặt khác do chưa có phòng bảo lãnh độc lập nên sẽ làm gia tăng rủi ro trong tác nghiệp và giảm chất lượng phục vụ khách hàng. Ngoài ra, NHNo&PTNT Khánh Hòa cũng chưa có bộ phận phụ trách hỗ trợ về pháp lý, đặc biệt là luật pháp quốc tế cho hoạt động bảo lãnh. Các cam kết bảo lãnh được phát hành đều có tham chiếu luật áp dụng; do đó, việc thiếu bộ phận có chuyên môn về pháp luật để hỗ trợ hoạt động bảo lãnh đã làm giảm tính chuyên nghiệp và làm tăng bất lợi cho ngân hàng này khi có tranh chấp xảy ra.
d) Về chính sách marketing bảo lãnh
Marketing các sản phẩm bảo lãnh hiện nay tại NHNo&PTNT Khánh Hòa chưa được chú trọng khai thác để quảng bá rộng rãi đến khách hàng. Bên cạnh đó, các kênh truyền thông như báo chí, phát thanh, truyền hình, internet ít được sử dụng. Hiện tại chi nhánh chưa có trang thông tin điện tử. Hoạt động quảng bá về ngân hàng chưa có chiến lược cụ thể và chưa chú trọng đến nhóm khách hàng là cá nhân. Ngoài ra, sự bó buộc trong quy chế tài chính trong hoạt động này từ các quy định hiện tại của các cấp quản lý cũng là một cản trở không nhỏ trong hoạt động này.
CHƯƠNG 3: GIẢI PHÁP NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG HOẠT ĐỘNG BẢO LÃNH TẠI NGÂN HÀNG NÔNG NGHIỆP VÀ
PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN KHÁNH HÒA