• Hoàn thiện môi trường pháp lý theo hướng đáp ứng yêu cầu của nền kinh tế thị trường hiện đại, hướng tới hội nhập quốc tế. Chuyển đổi từ cơ chế quản lý tập trung quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, Việt Nam đã và đang thể hiện những nỗ lực to lớn trong việc điều chỉnh hệ thống chính sách,
pháp luật phù hợp với những quy định hợp tác song phương và đa phương; từng bước xây dựng và phát triển hệ thống thể chế kinh tế thị trường; xác định lộ trình hợp lý về mở cửa thị trường theo hướng tạo mọi thuận lợi cho tất cả các chủ thể tham gia các hoạt động sản xuất kinh doanh trên lãnh thổ Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ luật pháp của Nhà nước quy định.
• Tạo môi trường thông thoáng nhằm thu hút đầu tư nước ngoài, hỗ trợ các khu vực kinh tế có thể tận dụng nguồn vốn và công nghệ bên ngoài phục vụ phát triển. Tiếp tục triển khai và đẩy mạnh việc đưa Luật Doanh nghiệp vào đời sống sản xuất kinh doanh trong xã hội, đồng thời nghiên cứu bổ sung thêm một số điều khoản theo hướng xoá bỏ mọi bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế. Tiến tới sửa đổi, bổ sung và ban hành một số luật như Luật Đầu tư, Luật Thương mại, Luật Hải quan, Luật Công nghệ thông tin... theo hướng tăng thêm độ “mở cửa” của nền kinh tế, phù hợp với chuẩn mực chung của thế giới và khuôn khổ các Hiệp định song phương, đa phương cũng như trước yêu cầu hội nhập của các định chế khu vực và toàn cầu. Rà soát, sửa đổi và bãi bỏ một số văn bản dưới luật hiện còn gây cản trở đối với các hoạt động thu hút đầu tư nước ngoài, làm giảm sức cạnh tranh và độ hấp dẫn đầu tư của nền kinh tế. Bên cạnh việc hướng tới một Luật Doanh nghiệp áp dụng chung cho toàn bộ nền kinh tế, cần xem xét việc xây dựng Luật Cạnh tranh và chống độc quyền, Luật sở hữu trí tuệ, Luật thị trường chứng khoán, Luật Thương mại điện tử... hình thành nên bộ khung pháp lý hết sức quan trọng cho việc xây dựng một nền kinh tế thị trường hiện đại.
• Chính phủ cần tăng cường vai trò điều tiết vĩ mô gắn với thực tiễn của một nền kinh tế thị trường đang trong quá trình chuyển đổi. Lành mạnh hoá các quan hệ trên thị trường nhằm củng cố khả năng tự điều tiết của thị trường, kích thích sản xuất và cải thiện năng lực cạnh tranh. Thúc đẩy quá trình hoàn thiện các thị trường vốn, thị trường lao động, chứng khoán... tạo nền tảng hỗ
trợ khu vực kinh tế tư nhân và các khu vực kinh tế khác cùng phát triển. Hướng đầu tư của Nhà nước cần tập trung vào việc phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, giải quyết các vấn đề bảo đảm xã hội như giáo dục, y tế, công bằng xã hội, phòng chống tệ nạn... Mạng lưới an sinh xã hội cũng cần được thiết lập, bao gồm hệ thống bảo hiểm, quỹ hỗ trợ và giúp đỡ người nghèo - bên cạnh vai trò của cộng đồng cần dựa vào khu vực kinh tế tư nhân, đề cao vai trò của doanh nghiệp và cá nhân người dân.
• Củng cố và hoàn thiện bộ máy quản lý nhà nước đối với khu vực kinh tế tư nhân theo các hướng cụ thể sau:
- Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính trong các khuôn khổ liên quan nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc đăng ký thành lập và các thủ tục liên quan đến hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu các phí tổn về tài chính và thời gian để doanh nghiệp yên tâm tập trung mọi nguồn lực vào phát triển. Đề cao tiêu chí “phục vụ doanh nghiệp” trong các lĩnh vực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp.
- Củng cố sắp xếp lại bộ máy hành chính các cấp theo hướng tinh, gọn, có hiệu lực và hiệu quả cao. Từng bước tách và phân định rõ chức năng quản lý nhà nước về kinh tế với chức năng quản lý trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tách chức năng hành chính với chức năng dịch vụ công; làm rõ chức năng, thẩm quyền cũng như trách nhiệm của các cơ quan Sở, Ban, Ngành, tránh tình trạng quản lý chồng chéo, đùn đẩy trách nhiệm. Thực hiện phân cấp quản lý hành chính theo hướng mở rộng quyền chủ động cho chính quyền cơ sở (các cấp quận/huyện, phường/xã), đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát giữa cấp trên với cấp dưới.
- Về đội ngũ cán bộ quản lý hành chính các cấp, cần sớm xây dựng và đưa vào áp dụng tiêu chuẩn chức danh công chức, quy trình tuyển chọn, đánh
giá, bố trí, luân chuyển cán bộ một cách nghiêm túc, dân chủ, công khai. Kiên quyết đấu tranh chống sự cửa quyền, quan liêu, nạn tham ô, tham nhũng; xử lý nghiêm đối với các trường hợp thoái hoá, biến chất, vi phạm nghiêm trọng đạo đức cán bộ, sách nhiễu nhân dân, nhằm làm trong sạch bộ máy quản lý Nhà nước ở tất cả các cấp. Thực hiện nghiêm túc cơ chế “một cửa, một dấu” theo biện pháp hành chính, đồng thời tiếp tục thực hiện các biện pháp nâng cao ý thức trách nhiệm của đội ngũ cán bộ quản lý hành chính.
- Cùng với chủ trương hướng các hoạt động của kinh tế tư nhân vào khu vực công cộng, cần từng bước có chính sách tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tư nhân đấu thầu thi công và quản lý, điều hành các dự án của nhà nước, tham gia các dịch vụ công cộng như vệ sinh môi trường, công viên cây xanh, quản lý và cung cấp điện, vận tải hành khách và hàng hoá...
- Tăng cường các hoạt động giao lưu, tiếp xúc giữa các cơ quan quản lý các cấp của Chính phủ với các Hiệp hội, Tổ chức của các doanh nghiệp tư nhân để lắng nghe và cùng trao đổi ý kiến, phổ biến chủ trương, đường lối chính sách, tạo niềm tin và sự gắn kết giữa chính quyền với giới doanh nghiệp.
• Tạo cơ chế khuyến khích khu vực kinh tế tư nhân phát triển thông qua các hình thức ưu đãi về thuế, tạo điều kiện sử dụng đất đai - mặt bằng, an ninh, hỗ trợ cơ sở hạ tầng... Hạ thấp thời gian phê duyệt cấp quyền sử dụng đất cho hoạt động sản xuất kinh doanh tại các tỉnh thành (hiện nay mức thời gian này ở Hà Nội là 325 ngày, Tp. Hồ Chí Minh là 415 ngày, Đà Nẵng là 309 ngày, Bình Dương là 64 ngày...). Kết hợp các Bộ ngành chủ quản, giao quyền cho địa phương quản lý theo hướng tăng thêm quyền chủ động và sự linh hoạt trong quản lý kinh tế nhằm tạo ra một môi trường thu hút đầu tư trong nước thực sự hấp dẫn và lành mạnh.