nghiệp hoá của Trung Quốc
Nằm ở Đông Bắc Á, Trung Quốc là quốc gia có biên giới đất liền và biên giới biển với 15 quốc gia. Diện tích lãnh thổ lớn thứ 3 trên thế giới (chỉ sau Nga và Canađa), dân số thuộc loại đông nhất thế giới - hơn 1,3 tỷ người. Đây là một thị trường khổng lồ có quy mô và tiềm năng lớn nhất thế giới, sự tồn tại một thị trường khổng lồ chưa từng thấy trong lịch sử thế giới, trong khuôn khổ một quốc gia như vậy là nhân tố quan trọng cho sự tồn tại, ra đời và phát triển nhiều ngành từ nông nghiệp đến khai thác, chế tạo, chế biến,tiểu thủ công nghiệp du lịch, dịch vụ... Động lực mạnh mẽ và cơ bản nhất thúc đẩy nền sản xuất của Trung Quốc phát triển cũng bắt nguồn từ yêu cầu giải quyết sự tồn tại cho hơn 1/6 dân số thế giới, tiến tới bảo đảm quyền được hưởng cuộc sống yên ấm và an sinh xã hội, an ninh quốc phòng cho toàn bộ dân cư trên lãnh thổ quốc gia.
Ngay từ những năm 1950, Trung Quốc đã thực hiện “Ba cải một hoá” tức cải tạo xã hội chủ nghĩa đối với nông nghiệp, thủ công nghiệp và công thương nghiệp tư bản chủ nghĩa, tiến hành công nghiệp hoá đất nước theo hình mẫu Xô viết - ưu tiên phát triển công nghiệp nặng nhằm đảm bảo cơ sở cho sự phát triển ổn định, bền vững và lâu dài sau này.
Vào cuối những năm 1970, Trung Quốc đưa ra chương trình “Bốn hiện đại hoá” (công nghiệp, nông nghiệp, khoa học kỹ thuật và quốc phòng). Riêng
trong lĩnh vực công nghiệp, chương trình được chia thành 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu (1976-1985) được coi là giai đoạn then chốt, có ý nghĩa quyết định đến sự phát triển của đất nước. Kỳ vọng của chương trình này có thể được coi là mục tiêu mà quá trình công nghiệp hoá phải đạt tới trong một giai đoạn nhất định. Thực chất nó chính là chương trình công nghiệp hoá đất nước mang sắc thái của người Trung Quốc, phần nào đã thể hiện mong muốn thực hiện công nghiệp hoá nhanh, theo một phương thức độc đáo riêng của họ.
Trên thực tế, sau Hội nghị Trung ương khoá XI năm 1978, Trung Quốc mới thực sự chuyển thứ tự ưu tiên phát triển thành “nông nghiệp - công nghiệp nhẹ - công nghiệp nặng”.
Tháng 11-1987, Đại hội XIII Đảng Cộng sản Trung Quốc đề ra chủ trương thực hiện công nghiệp hoá trong “giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội” kéo dài trong một thế kỷ. Đại hội XIV (10-1992) tổng kết giai đoạn trước và tiếp tục đề ra các bước tiếp theo với trình tự toàn bộ như sau:
Bước 1: Trong 10 năm 1980 - 1990: Mục tiêu đặt ra là đến năm 1990
tăng gấp đôi GDP so với mức năm 1980, đồng thời giải quyết về cơ bản vấn đề ăn no mặc ấm cho dân.
Bước 2: Từ năm 1990 đến năm 2000: Mục tiêu đặt ra cho bước này là
GDP năm 2000 tăng gấp đôi so với mức năm 1990, đời sống nhân dân đạt mức khá giả.
Bước 3: Từ năm 2000 đến giữa thế kỷ. Mục tiêu là đến năm 2050, đưa
GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đạt mức các nước phát triển trung bình, đời sống nhân dân Trung Quốc đạt mức tương đối giàu có. Trong khoảng thời gian 50 năm này lại được chia ra thành 3 bước nhỏ:
-Từ năm 2000 đến 2010: Mục tiêu đến 2010 tăng gấp đôi GDP so với mức năm 2000, đưa cuộc sống của cư dân từ khả giả vươn lên mức sung túc, hình thành được thể chế kinh tế thị trường tương đối hoàn chỉnh.
-Từ năm 2010 đến 2020: Mục tiêu làm cho nền kinh tế quốc dân càng phát triển, các chế độ được hoàn thiện hơn.
-Từ năm 2020 đến 2049: Mục tiêu xây dựng thành công một nước xã hội chủ nghĩa giàu mạnh, dân chủ và văn minh, tức hoàn thành quá trình công nghiệp hoá.
Đến Đại hội XV Đảng Cộng sản Trung Quốc (9-1997), những nội dung công nghiệp hoá lại được đề cập đến một cách cụ thể hơn: “Giai đoạn đầu của công nghiệp hoá là giai đoạn lịch sử từng bước thoát khỏi tình trạng kém phát triển, cơ bản thực hiện hiện đại hoá xã hội chủ nghĩa, là giai đoạn lịch sử từ một nước nông nghiệp có dân số nông nghiệp chiếm tỷ trọnglớn và chủ yếu dựa vào lao động thủ công, từng bước chuyển thành nước công nghiệp hoá có tỷ lệ lớn dân phi nông nghiệp, có nền công nghiệp hiện đại và dịch vụ hiện đại...”. Các nội dung của quá trình công nghiệp hoá được chỉ ra không chỉ là xoá bỏ nghèo đói, lạc hậu, chuyển từ kinh tế nông nghiệp với lao động thủ công là chính sang nền sản xuất lớn, hiện đại mà còn là xoá bỏ nền văn hoá giáo dục, khoa học kỹ thuật lạc hậu, để xây dựng nền văn hoá giáo dục, khoa học kỹ thuật tương đối phát triển, xây dựng chế độ chính trị dân chủ, rút ngắn các khoảng cách chênh lệch với trình độ tiên tiến của thế giới.
Như vậy, có thể thấy chủ trương xây dựng và thực hiện chiến lược công nghiệp hoá của Trung Quốc tuy không nhấn mạnh trực tiếp vào việc rút ngắn thời gian tiến hành, nhưng mục tiêu họ đặt ra lại rất toàn diện và đầy tham vọng, luôn gắn chặt với đặc thù và hướng trực tiếp vào việc giải quyết các vấn đề nội tại của đất nước. Chiến lược công nghiệp hoá này mang nét riêng của
người Trung Quốc, thể hiện sự quyết tâm “huy động toàn lực, vươn lên thành một cường quốc hàng đầu thế giới” của Chính phủ và toàn dân Trung Quốc.