Kinh tế tư nhân ở nước ta thời kỳ trước đổi mới

Một phần của tài liệu Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình công nghiệp hoá rút ngắn ở Việt Nam (Trang 37)

• Kinh tế tư nhân thời kỳ phục hồi kinh tế 1955-1957

Nếu lấy điểm mốc lịch sử là cuộc cách mạng tháng 8 năm 1945, sau 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp, tháng 7 năm 1954 hoà bình được lập lại ở miền Bắc, Việt Nam bước vào thời kỳ khôi phục kinh tế sau chiến tranh

(giai đoạn này nằm trong kế hoạch 3 năm 1955-1957), với nhiệm vụ đặt ra là tập trung mọi nguồn lực từ mọi thành phần kinh tế để hàn gắn vết thương chiến tranh, khôi phục kinh tế và tiếp tục hoàn thành cải cách ruộng đất, tạo cơ sở vững chắc đưa miền Bắc tiến lên chủ nghĩa xã hội.

Trong thời kỳ này, lực lượng kinh tế quốc doanh còn nhỏ, kinh tế hợp tác chưa phát triển, tham gia lực lượng sản xuất, phát triển kinh tế - xã hội chủ yếu là kinh tế tư bản tư nhân, kinh tế cá thể. Điểm quan trọng trong chủ trương của của Đảng và Chính phủ thời kỳ này là khuyến khích phát triển nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, trong đó nêu rõ “khuyến khích giúp đỡ kinh doanh tư nhân của tư sản dân tộc. Tư sản ngoại quốc cũng cần được chiếu cố một cách thích đáng”. Một loạt chính sách đúng đắn được đưa ra, về

cơ bản, nước ta đã dần khôi phục và phát triển nông nghiệp, công nghiệp nhẹ, đồng thời củng cố và khôi phục các cơ sở công nghiệp nặng cần thiết...

Những thành tựu của thời kỳ này đã đem lại những biến đổi sâu sắc trong đời sống kinh tế xã hội miền Bắc và để lại nhiều bài học quý giá. Nông nghiệp, nông thôn đã được đặt đúng vị trí, gắn được sức lao động với tư liệu sản xuất cơ bản của nông dân là ruộng đất. Các thành phần kinh tế được gắn kết và phát huy được sức mạnh tổng hợp từ sự gắn bó này. Lúc này kinh tế quốc doanh chiếm tỷ trọng nhỏ bé, nhưng nhờ phát triển kinh tế tư nhân nên nền kinh tế phát triển được đúng hướng và đạt tốc độ cao, hình thành được nền tảng bước đầu cho công cuộc tái thiết nền kinh tế.

• Kinh tế tư nhân thời kỳ 1958 - 1961 và 1961 - 1975

Trên cơ sở thắng lợi của thời kỳ khôi phục và phát triển kinh tế 1955- 1957, miền Bắc bước vào thực hiện kế hoạch 3 năm cải tạo xã hội chủ nghĩa với các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh. Chỉ thị 81 CT-TW lúc này được ban hành, xác lập các thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa, với tiêu chí

xoá bỏ các thành phần phi xã hội chủ nghĩa, kinh tế tư nhân bị coi là đối tượng phải xoá bỏ hoặc cải tạo lại, với sự kiên quyết trong lý luận: “việc phát

triển kinh tế xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc không thể dung thứ sự tồn tại của kinh doanh tư bản chủ nghĩa” (Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 16 (4/1959).

Nền kinh tế xã hội lúc này được quan niệm là chỉ gồm hai hình thức sở hữu chủ yếu là quốc doanh và tập thể. Kinh tế cá thể và kinh tế tư bản tư doanh là đối tượng trực tiếp của công cuộc cải tạo này. Nội dung đưa nông dân vào hợp tác xã được coi là khâu chính, nhưng cải tạo đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh cũng được xem là một nhiệm vụ cần thiết và cấp bách. Cải tạo đối với các hộ cá thể trong các ngành công nghiệp, thương nghiệp, giao thông vận tải, xây dựng và các ngành khác đã được tiến hành rất khẩn trương. Đối với công thương nghiệp tư bản tư doanh với mục tiêu nhanh chóng xoá bỏ thành phần kinh tế này được tiến hành bằng chính sách chuộc lại, trả dần đối với tư liệu sản xuất của giai cấp tư sản, và áp dụng hình thức công tư hợp doanh. Đến cuối năm 1960 đã có 65% trong số 185 nghìn tiểu thương tham gia hợp tác xã; cải tạo xong toàn bộ 729 hộ tư bản công nghiệp; toàn bộ lực lượng vận tải cơ giới tư nhân được chuyển thành 31 xí nghiệp công tư hợp doanh; 50 nghìn hộ tiểu thương được Nhà nước khuyến khích và giúp đỡ chuyển sang hoạt động trong các ngành công nghiệp và nông nghiệp, hoặc chuyển sang hình thức kinh tiêu, đại lý, công tư hợp doanh; 1.489 hộ tư sản thương nghiệp cũng được vào công tư hợp doanh, chiếm 99,4% tổng số hộ thương nghiệp trong diện cải tạo. Kinh tế tư nhân dần dần bị thủ tiêu khỏi cơ cấu kinh tế, tuy vậy vẫn tồn tại một bộ phận nhỏ dưới hình thức kinh tế cá thể, buôn bán nhỏ hoặc kinh doanh dịch vụ.

Xét về mục tiêu trước mắt lúc đó, cải tạo như vậy là thắng lợi, nhưng xét theo yêu cầu tổng thể của cách mạng và hiệu quả lâu dài của cải tạo thì đến

nay chúng ta mới thấy có phần chủ quan, duy ý chí và nóng vội. Kết quả là sau năm 1960, công cuộc cải tạo này đã làm thay đổi hoàn toàn kết cấu kinh tế xã hội miền Bắc.

Giai đoạn 1961 - 1975, ở nước ta vẫn tiếp tục đồng nhất chủ nghĩa xã hội với sở hữu nhà nước, các đối tượng thuộc kinh tế tư nhân tiếp tục bị loại khỏi cơ cấu của nền kinh tế. Tuy nhiên, kinh tế tư nhân vẫn tồn tại dưới hình thức kinh tế cá thể, thành phần này tuy đã bị thu hẹp đáng kể nhưng vẫn tồn tại và rất năng động, đây là lực lượng quan trọng sẽ thâm nhập vào nền kinh tế thị trường rất nhanh trong thời kỳ đổi mới sau này.

• Kinh tế tư nhân trong thời kỳ 1976 - 1985

Sau khi thống nhất đất nước, công cuộc phát triển kinh tế và cải tạo quan hệ sản xuất được thực hiện trên phạm vi cả nước. Kế hoạch 5 năm 1976 - 1980 ngoài nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, tiến hành cải tạo xã hội chủ nghĩa ở miền Nam theo mô hình kinh tế miền Bắc. Kinh tế tư nhân lúc này đứng trước đòi hỏi phải được xoá bỏ triệt để. Trên thực tế, kinh tế cá thể vẫn hiện diện trong suốt một thời gian dài như một tất yếu khách quan, thể hiện sức sống rất bền bỉ. Đến năm 1985 vẫn có gần 60 vạn người sản xuất cá thể trong lĩnh vực công nghiệp; giá trị sản lượng công nghiệp trong khu vực này vẫn chiếm trên dưới 15% giá trị sản lượng toàn ngành; số người kinh doanh thương nghiệp trên cả nước cũng ở mức trên dưới 60 vạn người.

Nói chung, thành tựu công cuộc cải tạo đem lại là đã xoá bỏ về cơ bản các phương thức bóc lột trong nông thôn, nông dân đã có ruộng cày và từng bước tham gia làm ăn tập thể. Nhưng đến năm 1979 - 1980, cùng với nhiều khó khăn, phức tạp về chính trị, xã hội, nền kinh tế lâm vào tình trạng khủng hoảng. Mức tăng trưởng kinh tế chỉ đạt 0,2%/năm, lương thực và hàng tiêu dùng thiếu nghiêm trọng. Chế độ tập trung quan liêu, bao cấp nặng nề đã làm

xơ cứng nền kinh tế, thành phần kinh tế quốc doanh và tập thể gần như không còn động lực thúc đẩy. Kinh tế tư bản tư nhân và cá thể sớm bị xoá bỏ hoặc suy thoái. Những nhược điểm của mô hình đã trở thành sức cản lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội. Năm 1980 kinh tế quốc doanh có nguy cơ bị thu hẹp dần, một số xí nghiệp công nghiệp phải thu hẹp hoặc chuyển hướng sản xuất, kinh tế tập thể có nguy cơ bị tan rã, 70% hợp tác xã thuộc loại trung bình yếu kém, nhiều hợp tác xã phải giải thể. Thực tiễn này tạo tiền đề cho công cuộc đổi mới và sự hồi sinh của kinh tế tư nhân.

Một phần của tài liệu Vai trò của khu vực kinh tế tư nhân trong quá trình công nghiệp hoá rút ngắn ở Việt Nam (Trang 37)