nghiệp hoá rút ngắn ở Hàn Quốc
Như đã trình bày ở trên, từ năm 1950, kinh tế Hàn Quốc đã trải qua những giai đoạn phát triển thăng trầm, để từ một nước nông nghiệp lạc hậu, tài nguyên thiên nhiên nghèo nàn vươn lên trở thành một nước có nền kinh tế công nghiệp hiện đại, được xếp vào nhóm nước có nền kinh tế thị trường năng động nhất thế giới. Đó chính là thành quả của quá trình phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hoá, theo đuổi các chính sách phát triển công nghiệp phục vụ cho việc tạo dựng một nền sản xuất có năng lực và trình độ cao với cơ sở vật chất - kỹ thuật hiện đại.
Ngày nay, cả thế giới biết đến Hàn Quốc thông qua những sản phẩm xe hơi, hàng điện tử, thiết bị máy móc và các sản phẩm tiêu dùng khác với các thương hiệu của các công ty, tập đoàn nổi tiếng như Samsung, Daewoo, Hyundai, LG... Về mặt cấu trúc, nền công nghiệp của họ nổi bật lên là hệ thống Chaebol và hệ thống các doanh nghiệp vừa và nhỏ, những bộ phận chủ yếu trong nền sản xuất. Dù tồn tại dưới quy mô và phạm vi hoạt động cực lớn (như các Chaebol) hoặc dưới cấu trúc vi mô (như các doanh nghiệp một chủ vừa và nhỏ) chúng đều mang một đặc trưng là sản xuất kinh doanh dưới chế độ sở hữu tư bản tư nhân về tư liệu sản xuất. Do vậy có thể nói khu vực kinh tế tư nhân là một trong những nhân tố vô cùng quan trọng, đóng vai trò quyết định trong quá trình công nghiệp hoá ở Hàn Quốc.
Chaebol là tên của các tổ hợp công nghiệp thuộc sở hữu của các nhóm gia đình ở Hàn Quốc, bắt đầu xuất hiện từ đầu những năm 1960 theo kế hoạch phát triển 5 năm lần thứ nhất. Ngay từ thời kỳ hậu chiến, để theo đuổi các mô hình phát triển công nghiệp dựa trên nền tảng viện trợ của Mỹ, chính phủ Hàn
Quốc đã xác định được tầm quan trọng của khu vực tư nhân và tiến hành phân bổ nguồn lực cho các công ty tư nhân được thành lập với những tài sản được thừa hưởng lại từ thời kỳ thực dân. Bên cạnh việc khuyến khích thay thế nhập khẩu, trong giai đoạn này chính phủ Hàn Quốc còn sử dụng chính sách tỷ giá hối đoái nhiều cấp nhằm khuyến khích tích luỹ nguồn vốn. Các tổ hợp sản xuất nhóm gia đình - tiền thân của các Chaebol ngày nay - dần hình thành với những ưu đãi đặc biệt của chính phủ. Đến tháng 5-1974, ở Hàn Quốc đã có 50 Chaebol thành lập với sự hậu thuẫn của chính phủ. Đóng góp của các Chaebol này đối với nền kinh tế Hàn Quốc là rất lớn: năm 1995, 30 Chaebol lớn nhất nắm giữ tới 90% GDP và 60% giá trị kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc [11, tr.98-99].
Nguồn gốc của các Chaebol hầu hết xuất phát từ các cơ sở kinh doanh gia đình quy mô nhỏ, trong một ngành công nghiệp cụ thể. Bên cạnh việc dựa vào các nguồn vốn nước ngoài, các Chaebol còn được hưởng những ưu đãi đặc biệt từ phía chính phủ. Sự phát triển kinh tế nói chung và theo đuổi các mô hình công nghiệp hoá của Hàn Quốc thực chất là dựa vào “chủ nghĩa tư bản mệnh lệnh”: Chính phủ khuyến khích và can thiệp gián tiếp vào hoạt động của các Chaebol, cụ thể là kiểm soát các dự án và hướng các công ty vào thực hiện các dự án đặc biệt; đảm bảo việc thanh toán nợ nước ngoài; tiến hành các biện pháp ưu đãi trong chính sách giá cả, chính sách thu nhập, chính sách thuế. Các ngân hàng thương mại đều được lệnh phải đáp ứng đủ nhu cầu vốn ngày càng lớn của các Chaebol.
Bên cạnh vai trò là “bộ khung” cho sự phát triển kinh tế hướng tới các mục tiêu công nghiệp hoá, các Chaebol cũng làm nảy sinh những tác động không tốt đối với nền kinh tế: làm mất cân đối cơ cấu kinh tế, bất chấp trách nhiệm xã hội và nảy sinh tệ quan liêu. “Bàn tay hữu hình” của chính phủ trong quá trình công nghiệp hoá đã đem lại sức mạnh cho các Chaebol, tạo
nên sự độc quyền thị trường và đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ vào tình trạng phá sản, bị thôn tính và thải loại khỏi nền kinh tế. Mặt khác, việc tập trung phần lớn sinh lực và tài nguyên quốc gia vào quyền sở hữu của một nhóm người trong xã hội tạo nên sự bất bình đẳng và những bất ổn trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều ngành công nghiệp dưới sự dẫn dắt của các Chaebol đã phát triển thành những ngành xuất khẩu có vai trò đặc biệt trong nền kinh tế như đóng tàu, ô tô, điện tử... đưa Hàn Quốc trở thành một trong những nền kinh tế công nghiệp mới hàng đầu trên toàn cầu. Các Chaebol thực sự trở thành những “cửa khẩu” tiếp thu công nghệ tiên tiến, là trụ cột của nền kinh tế Hàn Quốc và đưa nền kinh tế này vào quỹ đạo của xu thế toàn cầu hoá.
Tóm lại, qua việc tạo điều kiện cho các Chaebol phát triển thực hiện thành công quá trình công nghiệp hoá rút ngắn ở Hàn Quốc, chúng ta có thể rút ra một số nhận xét sau:
- Chính phủ Hàn Quốc quá tập trung vào một bộ phận trong khu vực tư nhân, mà bỏ qua các doanh nghiệp vừa và nhỏ - cũng chính là những tế bào cấu thành và nuôi dưỡng nền kinh tế. Điều này làm cho toàn bộ sức mạnh của nền kinh tế lệ thuộc vào các Chaebol một cách tuyệt đối, các khu vực khác trở nên yếu kém khiến nền kinh tế dễ bị tổn thương.
- Những ưu đãi đặc biệt của chính phủ chỉ chú trọng vào mục đích tăng trưởng theo hướng công nghiệp hoá mà không đi kèm với các cải cách về mặt thể chế theo hướng tăng cường vai trò quản lý và điều tiết vĩ mô của Chính phủ, khiến những mặt trái của các Chaebol này được buông lỏng và trở thành những nguy cơ tiềm ẩn về mặt chính trị - kinh tế - xã hội.
- Mặc dù các nguồn lực phát triển kinh tế được khai thác sử dụng tối đa, nhưng chỉ một bộ phận của khu vực kinh tế tư nhân thâu tóm hầu hết các nguồn lực này trong một mục đích là tối đa hoá lợi nhuận, tạo tài sản cho một bộ phận chủ doanh nghiệp: các tập đoàn gia đình trị.
- Chiến lược phát triển quá tập trung vào phát triển công nghiệp, duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhằm đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, mà bỏ qua các mục tiêu trong tăng trưởng và ổn định về mặt xã hội - là những tiêu chí mà bản thân quá trình công nghiệp hoá rút ngắn cần hướng tới.