• Chính sách đất đai
Liên quan đến mặt bằng sản xuất kinh doanh, chính sách đất đai ở nước ta hiện nay vẫn chưa có khuôn khổ pháp lý rõ ràng. Mặc dù Luật Đất đai (sửa đổi) năm 1998 được thông qua là một bước tiến đáng kể theo hướng thị trường, nhưng việc triển khai các văn bản dưới luật nhằm cụ thể hoá luật còn
chậm, gây nhiều khó khăn cho việc thực thi chính sách về đất đai theo mục tiêu đã đặt ra. Điều này không chỉ gây tác động tiêu cực cho các chủ doanh nghiệp mà ngay cả Nhà nước cũng phải chịu những thua thiệt trực tiếp. Cụ thể là:
- Tuy Luật đã quy định tổng thể 5 quyền đối với đất, nhưng việc sử dụng các quyền đó như thế nào vẫn chưa được giải quyết rõ ràng trong các quy định và cơ chế cụ thể. Điều này gây ra tình trạng tuỳ tiện, vô nguyên tắc, “móc ngoặc” hối lộ trong các cơ quan và cán bộ quản lý trong lĩnh vực này.
- Việc thay đổi một số quy định về quyền sử dụng đất, quyền chuyển nhượng và thế chấp quyền sử dụng đất đã có ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh doanh, chẳng hạn gây ách tắc và tồn đọng vốn, đình trệ công việc sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân. Hơn nữa, chính sách đất đai vẫn chú trọng quá mức tới việc hướng mục đích sử dụng đất vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp, trong khi chưa có cơ chế khuyến khích việc sử dụng đất vào các mục đích phát triển sản xuất công nghiệp và dịch vụ. Quy định không cho phép sử dụng đất nông nghiệp sai mục đích - như xây dựng các cơ sở sản xuất và dịch vụ chưa phù hợp với xu hướng chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông thôn.
- Theo quy định hiện hành về việc thế chấp các công trình xây dựng trên đất, giá trị tài sản thế chấp của doanh nghiệp còn lại là rất nhỏ. Lượng vốn vay trên cơ sở đó do vậy là khó có thể đáp ứng được nhu cầu đầu tư. Doanh nghiệp muốn đầu tư vào khu công nghiệp tập trung cũng không có hỗ trợ nên chi phí thuê đất quá cao so với khả năng của các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong khu vực kinh tế tư nhân.
- Nhà nước chưa thực sự kiểm soát được giá cả đất đai, khung giá đất đai mới được quy định vẫn có vẻ là một giải pháp tình thế, lại mang nặng tính hành chính mà chưa tiếp cận với cơ chế thị trường. Thuế đất và các chi
phí giao dịch, chuyển nhượng đất quá cao cũng gây trở ngại cho các hoạt động mua bán trên thị trường đất đai, khuyến khích việc mua bán chui, hình thành thị trường ngầm và dẫn tới tình trạng đầu cơ đất.
• Chính sách tiền tệ và tín dụng
Trong những năm qua, việc đổi mới chính sách tiền tệ và cơ chế thực hiện đóng vai trò là một xung lực mạnh góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, đẩy nhanh tốc độ áp dụng cơ chế thị trường, thúc đẩy các thành phần kinh tế phát triển. Tuy nhiên, lĩnh vực này vẫn chưa đáp ứng đầy đủ và có hiệu quả những đòi hỏi của nền kinh tế mở cửa theo hướng hội nhập, tạo điều kiện bình đẳng cho các thành phần kinh tế, trong đó có kinh tế tư nhân cùng phát triển. Những tồn tại đó là:
- Chưa giải quyết tốt mối quan hệ giữa lãi suất trong việc giải quyết yêu cầu nâng mức huy động vốn với khuyến khích đầu tư; cơ cấu lãi suất tín dụng bất hợp lý nhưng xử lý chậm, không triệt để. Do vậy, gây căng thẳng về vốn trung hạn và dài hạn cho hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân.
- Tồn tại tình trạng tương tự trong mối quan hệ giữa lãi suất và tỷ giá hối đoái. Sự vận động ngược chiều kéo dài giữa lạm phát và tỷ giá hối đoái trên thực tế trong những năm trước tuy có đem lại những hiệu ứng tích cực trong ngắn hạn, nhưng lại chứa đựng khả năng gây mất cân bằng vĩ mô dài hạn. Điều này đưa đến tình trạng vốn vay nước ngoài trở nên phổ biến trong khi nguồn vốn trong nước không được phát huy. Tỷ giá hối đoái được duy trì theo hướng nâng cao giá trị đồng nội tệ tạo hiệu ứng kích thích nhập khẩu và hạn chế xuất khẩu. Hàng nhập khẩu (đặc biệt hàng nhập lậu) gây nhiều khó khăn cho các ngành sản xuất trong nước, tạo áp lực lên hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp tư nhân.
Mặc dù đã có cải tiến và đổi mới thể hiện ở việc áp dụng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ ngày 1/1/1999, song đến nay vẫn tồn tại nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Nhìn chung, chính sách thuế vẫn còn phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế, ưu đãi đầu tư nước ngoài hơn là đầu tư tư nhân trong nước. Điều đương nhiên, trong bối cảnh hiện nay, từ yêu cầu phải phát triển nhanh nền kinh tế, chúng ta phải tạo môi trường có sức hấp dẫn để thu hút đầu tư nước ngoài. Nhưng sức hấp dẫn đó được các nhà đầu tư nước ngoài đánh giá dựa trên so sánh tương quan về mức độ ưu đãi so với các nước khác. Còn ở Việt Nam hiện nay, sự chênh lệch ưu đãi thái quá giữa khu vực đầu tư nước ngoài với các khu vực kinh tế khác, đặc biệt là đối với khu vực kinh tế tư nhân. Tình hình này một mặt làm suy giảm hiệu quả của các chính sách thu hút đầu tư nước ngoài, một mặt tạo ra sự mặc cảm cho các nhà đầu tư từ khu vực tư nhân trong nước, không kích thích lòng nhiệt tình của họ.
Ưu đãi thuế đối với khối doanh nghiệp tư nhân được áp dụng tràn lan và có phần tuỳ tiện. Hơn nữa, cơ cấu thuế và một số khoản thu chưa được xây dựng một cách hợp lý. Việc ưu đãi thuế thường được dựa trên những lý do rất chung như: tạo động lực phát triển sản xuất, cải thiện môi trường đầu tư và tăng sức cạnh tranh cho doanh nghiệp. Trong khi đó, căn cứ cần thiết và chủ yếu nhất để thực hiện ưu đãi là luận chứng cơ cấu theo hướng ưu tiên phát triển ngành, vùng lại chưa được chú trọng, do đó chính sách thuế chưa có tác dụng định hướng phát triển kinh tế tư nhân trong một cơ cấu ngành và lĩnh vực kinh doanh phù hợp với các mục tiêu của công nghiệp hoá rút ngắn. Hệ quả là thiếu một loạt các chính sách ưu đãi, khuyến khích và tạo lập môi trường đầu tư thích hợp cho khu vực tư nhân.
Mức thuế danh nghĩa nói chung còn cao, dẫn đến khó thực hiện tận thu và là nguồn gốc nảy sinh nhiều tiêu cực. Đây chính là nguyên nhân nảy sinh
tình trạng khai man, trốn hay dây dưa khi nộp thuế. Một số khoản thuế “thu khoán” lại nảy sinh tình trạng “thoả thuận thuế”, gây ra hiện tượng móc ngoặc vừa làm thất thu ngân sách nhà nước, vừa làm nản lòng các nhà kinh doanh tư nhân làm ăn nghiêm túc.
Mức thuế cao như vậy cũng một mặt hạn chế sản xuất hàng xuất khẩu, mặt khác làm gia tăng tình trạng trốn thuế, buôn lậu qua biên giới, gian lận thương mại. Đồng thời hàng rào thuế quan của nước ta ít có tác dụng bảo vệ sản xuất nội địa.
Cơ chế và bộ máy thu thuế chưa thật sự kích thích các doanh nghiệp tư nhân. Quy trình thủ tục thu thuế cụ thể thiếu đồng bộ, gây không ít phiền hà cho các doanh nghiệp, tạo kẽ hở cho các hành vi tiêu cực.
• Chính sách thương mại và thị trường
Chính sách thương mại là một bộ phận quan trọng trong hệ chính sách xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường ở nước ta. Trong những năm qua, Việt Nam đã có những nỗ lực đáng kể trong việc điều chỉnh chính sách thương mại theo hướng hội nhập và tăng thêm độ “mở” của nền kinh tế. Bước đầu đã có tác dụng thúc đẩy hoạt động thương mại, cùng với sự tham gia tích cực của thương mại tư nhân. Tuy vậy, trong phạm vi đối ngoại, chính sách thương mại chưa định hướng thị trường theo một mục tiêu rõ ràng, chỉ mới dừng lại ở ý tưởng mà chưa có đối sách cụ thể, động thái chính sách chưa tập trung theo hướng hỗ trợ khối doanh nghiệp tư nhân. Vì thế, hoạt động ngoại thương của các doanh nghiệp tư nhân còn mang nặng tính tự phát, manh mún, cạnh tranh, gây tổn thất lẫn nhau.
Tuy theo đuổi mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu, nhưng chính sách thương mại ở Việt Nam hiện nay chưa định hướng được cơ cấu xuất nhập khẩu có triển vọng lâu dài. Chính sách thương mại chưa thực sự thể hiện được chức
năng đưa ra căn cứ để hoạch định các chiến lược cụ thể phát triển cơ cấu sản xuất để định hướng phát triển các thành phần kinh tế nói chung, và kinh tế tư nhân nói riêng.
Môi trường thương mại, mà trước hết là thị trường vẫn là khó khăn lớn nhất đối với thương mại trong khu vực tư nhân. Các nhân tố quan trọng của một nền kinh tế thị trường hiện đại như thị trường chứng khoán, thị trường bất động sản, thị trường khoa học công nghệ, thị trường lao động... đều chưa thực sự hoàn thiện hoặc mới manh nha ở mức độ phân tán và mang tính “phi chính thức”. Điều này kìm hãm khả năng huy động vốn và tiếp cận công nghệ, tri thức hiện đại, các tiền đề của công nghiệp hoá kiểu rút ngắn. Thị trường trong nước thiếu tính ổn định, công tác kiểm soát và bình ổn giá thiếu hiệu quả, tình trạng độc quyền do một số doanh nghiệp Nhà nước thao túng khiến các quan hệ thị trường bị méo mó, cơ chế thị trường vận hành không hiệu quả. Các hành vi gian lận thương mại, trốn thuế, nhập lậu, sản xuất hàng giả, vi phạm bản quyền sở hữu công nghiệp tác động tiêu cực đến động lực phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.
• Về chính sách khoa học và công nghệ
Những năm qua, do sức ép cạnh tranh trong cơ chế thị trường, các doanh nghiệp tư nhân đã tích cực tự đổi mới công nghệ, cải tiến các quy trình sản xuất nhằm nâng cao năng suất lao động, chất lượng sản phẩm, nhằm tăng khả năng cạnh tranh. Tuy vậy, những thay đổi này hầu hết mang tính tự phát và mới chỉ lác đác ở một số doanh nghiệp, tình trạng thiết bị và công nghệ sản xuất lạc hậu và chắp vá vẫn còn khá phổ biến. Nhiều công nghệ cũ, lạc hậu thải loại từ các khu vực kinh tế khác được các doanh nghiệp tư nhân tái sử dụng, thậm chí còn cố gắng tận dụng gây hậu quả nghiêm trọng tới môi trường.
Nhà nước cũng đã có một số văn bản tạo khung pháp lý chung về chính sách khoa học, công nghệ và bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp chung cho các thành phần kinh tế. Song trên thực tế, riêng đối với khu vực kinh tế tư nhân do năng lực nội tại còn yếu, thực lực tài chính còn hạn chế, thiếu kinh nghiệm và thiếu đội ngũ lao động chuyên môn có trình độ cao nên vẫn cần có định hướng chỉ đạo sâu sát hơn nữa, các chính sách, quy định cần xuất phát từ thực trạng sản xuất kinh doanh, cũng như cơ sở vật chất, khả năng huy động vốn của doanh nghiệp.
Sở hữu công nghiệp vẫn còn là lĩnh vực tương đối xa lạ và khó tiếp cận đối với nhiều doanh nghiệp tư nhân. Nhiều doanh nghiệp chưa ý thức được tầm quan trọng, hoặc không đủ khả năng tiến hành các hoạt động liên quan đến sở hữu công nghiệp.
CHƢƠNG 3
QUAN ĐIỂM VÀ GIẢI PHÁP NHẰM PHÁT TRIỂN KINH TẾ TƢ NHÂN GÓP PHẦN THỰC HIỆN CÔNG NGHIỆP HOÁ RÚT NGẮN Ở VIỆT
NAM
3.1. Bối cảnh mới tác động đến công nghiệp hoá và kinh tế tƣ nhân nƣớc ta
3.1.1. Bối cảnh trong nước
Cho đến nay, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần đã được Đảng và Nhà nước xác định là chiến lược lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được định hình rõ nét, thể hiện qua sự tăng trưởng đồng bộ trong các yếu tố hình thành nên kết cấu thị trường, đa dạng hoá về các chủ thể tham gia vào các hoạt động kinh tế dưới sự vận hành của cơ chế thị trường. Sự quyết tâm tiến lên chủ nghĩa xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước luôn được thể hiện trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, và được cụ thể hoá thành các chiến lược, giải pháp, chính sách nhất quán theo đường lối đã vạch ra.
- Trong hơn 10 năm qua, nền kinh tế nước ta đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định (bình quân 7,3%/năm trong giai đoạn 1990 - 2003), tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Thế và lực của nước ta đã có những biến đổi rõ rệt về chất, việc phát huy nội lực luôn là vấn đề được Đảng và Nhà
nước quan tâm hàng đầu. Nền kinh tế đã đi vào vận hành ổn định theo cơ chế thị trường, dưới tác động mang tính điều chỉnh, định hướng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước; nền tảng của một nền kinh tế thị trường hiện đại đang dần dần được thiết lập. Tiềm năng của thị trường trong nước đang và sẽ được khai thác ngày càng hiệu quả hơn. Môi trường đầu tư, hệ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cũng trở nên ngày một cởi mở và thông thoáng hơn, các thành phố lớn - trọng điểm của các vùng “tam giác”, “tứ giác” tăng trưởng trở nên nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong ngoài nước, đặc biệt là có sự góp mặt của các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs), nhân tố rất quan trọng cho các mô hình tăng trưởng và phát triển đối với các quốc gia đang công nghiệp hoá.
- Về tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong nước, chỉ tính riêng trong 3 năm 2000 - 2003, mức tăng trưởng bình quân 15% với nhịp độ tăng hàng năm tương đối ổn định và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2001 tăng 14,6%; năm 2002 tăng 14,8% và năm 2003 tăng 15,8%, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng bình quân 12,1%/năm; khu vực ngoài Nhà nước tăng 19,8%/năm; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,6%/năm (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2001-2005 là giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng bình quân 13% năm).
Khu vực kinh tế tư nhân hiện tại chiếm 26,1% giá trị sản xuất toàn ngành, là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất (Năm 2001 tăng 21,5%; năm 2002 tăng 19,4% và năm 2003 tăng 18,5%). Tăng trưởng cao của khu vực ngoài Nhà nước chủ yếu nhờ vào sự tăng nhanh số lượng doanh nghiệp. Từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực năm 2000, mỗi năm đã tăng thêm trên dưới 2000 doanh nghiệp và từ 35.000 lên 80.000 cơ sở công nghiệp cá thể vào năm 2003.
- Cùng với các thành tựu về kinh tế, nền chính trị ổn định và sự kiên trì, nhất quán về đường lối phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, phát huy được tinh thần dân tộc của giới chủ doanh nghiệp phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Môi trường pháp lý ngày càng được hoàn thiện, ngoài Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hải quan, Luật khuyến khích đầu tư trong nước... đã tương đối hoàn chỉnh và đi vào đời sống xã hội, góp phần ổn định môi trường kinh doanh, các Bộ luật Lao động, Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư... cũng đang khẩn trương được bổ sung, sửa đổi và đi vào hiệu lực trong nay