• Luật Doanh nghiệp vẫn cần một số sửa đổi, bổ sung theo hướng nhất quán trong các vấn đề liên quan đến việc xoá bỏ phân biệt đối xử, bảo đảm tính ổn định, cụ thể và minh bạch của pháp luật. Được chính thức đi vào hiệu lực ngày 1-1-2000, thay cho Luật doanh nghiệp tư nhân và Luật công ty, Luật Doanh nghiệp được sự chỉ đạo kiên quyết thực hiện, đi liền với việc ban hành, bổ sung, hoàn thiện dần các văn bản dưới luật; đặc biệt là việc xoá bỏ hơn 150 loại “giấy phép con” trong thời gian qua đã có tác động tích cực thúc đẩy phát triển vượt bậc của khu vực kinh tế tư nhân. Tuy nhiên, còn không ít những quy định chưa rõ ràng, chưa đồng bộ và cụ thể, chưa phù hợp với trình độ của khu vực kinh tế tư nhân, khiến cho việc triển khai thực thi Luật một cách sâu và rộng vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, Luật Doanh nghiệp sau hơn 4 năm thực hiện vẫn chưa đạt được hiệu lực đồng đều tại các vùng, cơ chế “dân chủ” do Luật tạo ra vẫn chưa được thực hiện nghiêm túc ở một số địa phương.
Một số điều quy định của các luật chuyên ngành được ban hành từ trước, chưa được bổ sung, sửa đổi kịp thời, không phù hợp với Luật Doanh nghiệp, do vậy khó thực hiện, nhiều văn bản dưới luật còn chồng chéo, chưa rõ ràng và đôi khi không nhất quán (chẳng hạn về danh mục ngành nghề đăng
ký kinh doanh, quy định vốn pháp định, chứng chỉ hành nghề và giấy phép kinh doanh, các điều khoản thay đổi thành viên, thay đổi tên doanh nghiệp...). Một số quy định có liên quan về mặt quản lý nhà nước đối với kinh tế tư nhân còn thể hiện sự lúng túng, bất cập, chưa phù hợp với trình độ và quy mô phát triển của các hộ kinh doanh cá thể và doanh nghiệp tư nhân (các quy định về chế độ báo cáo tài chính, về tiền lương, quy định về lao động, bảo hiểm xã hội, công đoàn phí...)
• Môi trường tâm lý xã hội còn chưa được quan tâm cải thiện:
Mặc dù chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần, trong đó chú trọng phát triển kinh tế tư bản tư nhân, đã nhiều lần được khẳng định nhưng chủ trương này chậm được cụ thể hoá thành một hệ thống để có cơ chế, chính sách thích hợp. Cụ thể là:
- Quan niệm về kinh tế tư nhân nói chung, đặc biệt là về kinh tế tư bản tư nhân còn đang trong quá trình cụ thể hoá. Ngoại trừ quan niệm về tư bản tư nhân đã sử dụng trong các thời kỳ cải tạo tư sản trước đây, các văn kiện gần đây của Đảng và Nhà nước vẫn chưa đưa ra một quan niệm cụ thể, có tính chuẩn mực để định hình các tiêu thức xác định thành phần tư bản tư nhân trong nền kinh tế nhiều thành phần theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam. Về lý luận, đến nay vẫn chưa có công trình nghiên cứu nào làm sáng tỏ vấn đề này sau chủ trương của Hội nghị Trung ương 5 khoá IX.
- Trên thực tế, vẫn còn quan điểm phân vân, e ngại sự phát triển của kinh tế tư bản tư nhân sẽ mâu thuẫn với yêu cầu định hướng xã hội chủ nghĩa, tự nó sẽ làm nảy sinh những vấn đề xã hội phức tạp, trong đó có vấn đề chính trị, giai cấp... Quan niệm về kinh tế tư nhân, vai trò, vị trí của nó trong xã hội vẫn chưa được xác định rõ ràng. Điều này gây hiệu ứng không nhỏ tới đội ngũ chủ doanh nghiệp, tới khả năng gắn kết và tương hỗ của khu
vực kinh tế tư nhân với các khu vực kinh tế khác, hạn chế khả năng phát triển và đóng góp của khu vực kinh tế tư nhân trong nền kinh tế.
- Sự thay đổi các chính sách thường xuất phát từ các yêu cầu của quá trình đổi mới và phát triển, trong khi cơ chế quản lý thích ứng chưa được cải thiện cho phù hợp. Tính thiếu nhất quán và không đồng bộ giữa hệ chính sách và cơ chế quản lý đã gây không ít trở ngại trong hoạt động kinh doanh, đầu tư của các chủ doanh nghiệp. Từ đó dẫn đến tình trạng suy giảm lòng tin của giới doanh nghiệp tư nhân vào triển vọng được phát triển lâu dài trong môi trường thuận lợi và ổn định.
• Về bộ máy quản lý và thực hiện chính sách:
Công tác quản lý và triển khai thực thi chính sách:
Hiện vẫn tồn tại tình trạng thiếu sự thống nhất và phối hợp giữa các Bộ ngành và các cấp quản lý. Công tác quản lý, chỉ đạo phát triển trong khu vực kinh tế tư nhân còn nhiều bất cập, có trường hợp gây khó khăn, phiền hà cho các doanh nghiệp. Đa số các trường hợp, các doanh nghiệp phải chi trả những khoản “phí” không nhỏ; một trong những hệ quả tất yếu điển hình là hành vi trốn thuế của các doanh nghiệp nhằm bù lại phí tổn đó, như là một sự “trả đũa” đương nhiên đối với bộ máy công quyền; điều này cũng gây tác hại không nhỏ về mặt tâm lý cho các chủ doanh nghiệp tư nhân, nhất là khi họ còn đang mặc cảm về một sự “kỳ thị” và chịu sự phân biệt đối xử.
Về phía Nhà nước, do nhiều đầu mối quản lý nên thường xảy ra tình trạng buông lỏng quản lý. Các cơ quan quản lý ỷ vào nhau, đưa ra những yêu cầu thậm chí trái ngược nhau, và thường được bổ sung vào hệ thống văn bản dưới luật mà phải qua một thời gian dài, sự bất cập này mới được cơ quan quản lý cấp trên phát hiện, và điều chỉnh. Một số cán bộ đã lợi dụng tình trạng này để sách nhiễu doanh nghiệp. Hiệu quả hoạt động của bộ máy vì thế
chưa thể đáp ứng được các yêu cầu của một nền kinh tế thị trường thực sự năng động, môi trường pháp lý khó có thể mở ra một cách “thông thoáng” thực sự.
Công tác thanh tra, kiểm tra chồng chéo, kéo dài và không đúng chức năng còn khá phổ biến, gây phiền hà cho khu vực tư nhân. Hiện nay có quá nhiều tổ chức thanh tra doanh nghiệp tư nhân, ở nhiều cấp khác nhau tham gia, bao gồm: thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán... Đội ngũ này bao gồm nhiều loại cán bộ khác nhau như cán bộ thanh tra nhà nước các cấp, cán bộ thanh tra của các bộ ngành, cán bộ kiểm toán nhà nước, điều tra viên các cấp, công an kinh tế, cán bộ thuế các cấp, cán bộ hải quan, cán bộ quản lý thị trường, cán bộ bảo hiểm xã hội...
Cơ chế quản lý và chất lượng bộ máy thực hiện chính sách:
- Quy trình xét duyệt dự án từ cấp giấy phép kinh doanh đến quản lý, điều tra, giám sát hoạt động sau giấy phép còn nhiều hạn chế. Tình trạng phổ biến là khâu duyệt dự án và cấp giấy phép lại làm quá kỹ, thậm chí quá khắt khe về thủ tục, nhưng sau đó lại thả lỏng khâu quản lý sau giấy phép. Sau khi đã đăng ký, đã có không ít doanh nghiệp tư nhân không mở trụ sở theo địa chỉ đăng ký, hoặc đã giải thể mà không cơ quan quản lý nào biết. Cũng chưa có cơ quan nào chịu trách nhiệm chính về hoạt động của doanh nghiệp tư nhân, trừ cơ quan thuế.
Một tồn tại nữa trên thực tế là khâu xét duyệt dự án, cấp giấy phép kinh doanh làm rất “kỹ” về thủ tục, nguyên tắc hành chính. Còn sau đó, khâu kiểm tra, thẩm định các luận chứng kinh tế - kỹ thuật của dự án trên cơ sở đối chiếu với quy hoạch phát triển tổng thể thì hầu như bị buông lỏng, thậm chí bỏ qua. Nhìn chung, không bảo đảm đầy đủ nội dung của nguyên tắc “tiền đăng hậu kiểm”. Đây là nguyên nhân dẫn đến tình trạng rất khó hoặc không thể quản lý doanh nghiệp sau cấp phép một cách hiệu quả.
- Năng lực cán bộ quản lý nhà nước còn yếu kém, một số thoái hoá, biến chất có những hành vi tham nhũng và tiếp tay cho các chủ doanh nghiệp lợi dụng làm thất thoát tài sản của Nhà nước.
• Vai trò của các Hiệp hội, Đoàn thể chưa cao, chưa tạo được khả năng gắn kết giữa các doanh nghiệp với nhau và giữa các doanh nghiệp với các chủ thể khác trong nền kinh tế. Hiện nay, vai trò của các Tổ chức và Hiệp hội đại diện cho các ngành, sản phẩm là không thể thiếu ở các nước công nghiệp phát triển. Ở nước ta, các định chế này xuất hiện còn rất thưa thớt và mang tính tự phát, manh mún, thiếu hẳn sự hỗ trợ về phía thể chế. Hơn nữa, sự tham gia của các doanh nghiệp tư nhân vào các Tổ chức, Hiệp hội này còn vướng phải nhiều khó khăn, chủ yếu vẫn là từ tâm lý của các chủ doanh nghiệp tư nhân, và cũng thiếu hẳn sự định hướng, khuyến khích và hỗ trợ từ phía Nhà nước. Động thái tích cực gần đây nhất từ phía chính phủ là ngày 13/10/2004 đã được Thủ tướng Chính phủ chính thức công nhận là ngày Doanh nhân Việt Nam, tôn vinh giới doanh nghiệp trong công cuộc đổi mới đất nước, mở ra triển vọng tăng cường khả năng tiếp xúc trao đổi giữa Hiệp hội các doanh nghiệp với Nhà nước và các cơ quan quản lý hữu quan, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp từ mọi thành phần kinh tế có được định hướng rõ rệt hơn, chủ động hơn trong quá trình thực hiện công nghiệp hoá rút ngắn và hội nhập kinh tế quốc tế.