Cho đến nay, chủ trương phát triển kinh tế nhiều thành phần đã được Đảng và Nhà nước xác định là chiến lược lâu dài trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ngày càng được định hình rõ nét, thể hiện qua sự tăng trưởng đồng bộ trong các yếu tố hình thành nên kết cấu thị trường, đa dạng hoá về các chủ thể tham gia vào các hoạt động kinh tế dưới sự vận hành của cơ chế thị trường. Sự quyết tâm tiến lên chủ nghĩa xã hội, đẩy nhanh quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước luôn được thể hiện trong các Văn kiện, Nghị quyết của Đảng Cộng sản Việt Nam, và được cụ thể hoá thành các chiến lược, giải pháp, chính sách nhất quán theo đường lối đã vạch ra.
- Trong hơn 10 năm qua, nền kinh tế nước ta đã đạt được thành tựu đáng ghi nhận thể hiện qua tốc độ tăng trưởng khá cao và ổn định (bình quân 7,3%/năm trong giai đoạn 1990 - 2003), tình hình kinh tế - xã hội và đời sống nhân dân ngày càng được cải thiện rõ rệt. Thế và lực của nước ta đã có những biến đổi rõ rệt về chất, việc phát huy nội lực luôn là vấn đề được Đảng và Nhà
nước quan tâm hàng đầu. Nền kinh tế đã đi vào vận hành ổn định theo cơ chế thị trường, dưới tác động mang tính điều chỉnh, định hướng kịp thời và hiệu quả của Nhà nước; nền tảng của một nền kinh tế thị trường hiện đại đang dần dần được thiết lập. Tiềm năng của thị trường trong nước đang và sẽ được khai thác ngày càng hiệu quả hơn. Môi trường đầu tư, hệ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài cũng trở nên ngày một cởi mở và thông thoáng hơn, các thành phố lớn - trọng điểm của các vùng “tam giác”, “tứ giác” tăng trưởng trở nên nơi hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong ngoài nước, đặc biệt là có sự góp mặt của các công ty, tập đoàn xuyên quốc gia (TNCs), nhân tố rất quan trọng cho các mô hình tăng trưởng và phát triển đối với các quốc gia đang công nghiệp hoá.
- Về tăng trưởng sản xuất công nghiệp trong nước, chỉ tính riêng trong 3 năm 2000 - 2003, mức tăng trưởng bình quân 15% với nhịp độ tăng hàng năm tương đối ổn định và có xu hướng năm sau cao hơn năm trước. Năm 2001 tăng 14,6%; năm 2002 tăng 14,8% và năm 2003 tăng 15,8%, trong đó khu vực doanh nghiệp Nhà nước tăng bình quân 12,1%/năm; khu vực ngoài Nhà nước tăng 19,8%/năm; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài tăng 15,6%/năm (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm 2001-2005 là giá trị sản xuất công nghiệp toàn ngành tăng bình quân 13% năm).
Khu vực kinh tế tư nhân hiện tại chiếm 26,1% giá trị sản xuất toàn ngành, là khu vực có tốc độ tăng trưởng cao nhất (Năm 2001 tăng 21,5%; năm 2002 tăng 19,4% và năm 2003 tăng 18,5%). Tăng trưởng cao của khu vực ngoài Nhà nước chủ yếu nhờ vào sự tăng nhanh số lượng doanh nghiệp. Từ khi Luật Doanh nghiệp ra đời và có hiệu lực năm 2000, mỗi năm đã tăng thêm trên dưới 2000 doanh nghiệp và từ 35.000 lên 80.000 cơ sở công nghiệp cá thể vào năm 2003.
- Cùng với các thành tựu về kinh tế, nền chính trị ổn định và sự kiên trì, nhất quán về đường lối phát triển của Đảng Cộng sản Việt Nam đã tạo được niềm tin mạnh mẽ trong quần chúng nhân dân, phát huy được tinh thần dân tộc của giới chủ doanh nghiệp phục vụ cho sự nghiệp phát triển đất nước. Môi trường pháp lý ngày càng được hoàn thiện, ngoài Luật Doanh nghiệp, Luật Phá sản, Luật Hải quan, Luật khuyến khích đầu tư trong nước... đã tương đối hoàn chỉnh và đi vào đời sống xã hội, góp phần ổn định môi trường kinh doanh, các Bộ luật Lao động, Luật Dân sự, Luật Thương mại, Luật Đầu tư... cũng đang khẩn trương được bổ sung, sửa đổi và đi vào hiệu lực trong nay mai. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước ta cũng đang đẩy mạnh cải cách hành chính nhằm nâng cao hiệu quả của bộ máy quản lý Nhà nước, tạo môi trường thuận lợi cho các thành phần kinh tế cùng phát triển. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá IX của Đảng với với những đối sách cụ thể nhằm phát triển kinh tế tư nhân đã được đông đảo quần chúng nhân dân đồng tình và ủng hộ...