Hoàn thiện chính sách tài khoá

Một phần của tài liệu Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 90)

Chính sách tài chính (chính sách tài khóa) là chính sách thông qua chế độ thuế và đầu tư công cộng để tác động tới nền kinh tế. Đối với nhiều quốc gia đang phát triển trong đó có Việt Nam, thâm hụt thương mại phản ánh thâm hụt ngân sách chính phủ, mà thường được tài trợ bằng việc mở rộng tiền

tệ. Việc mở rộng tiền tệ đến lượt nó lại dẫn đến lạm phát. Trong bối cảnh này, tác động của việc phá giá danh nghĩa đối với tỷ giá hối đoái thực có thể bị xói mòn bởi lạm phát, vì lạm phát cao có xu hướng làm tăng tỷ giá hối đoái thực, làm cho việc giảm nhập siêu trở nên khó giải quyết. Hơn nữa, thâm hụt ngân sách lớn làm mất lòng tin của các nhà đầu tư nước ngoài, đây chính là nguyên nhân quan trọng dẫn đến luồng vốn bị rút đột ngột gây khủng hoảng cán cân thanh toán.

Chính vì vậy, các chính sách tiền tệ hay chính sách tài khoá phải được kết hợp với chính sách ngoại hối để đạt được đồng thời sự cân bằng bên trong và bên ngoài.

Cải cách chính sách tài khoá của Việt Nam phải theo hướng đảm bảo duy trì bền vững. Cần kiểm soát thâm hụt ngân sách ở mức dưới 3% GDP theo tiêu chuẩn quốc tế (không tính chi trả nợ gốc). Để thực hiện được vấn đề này nhất thiết phải có sự đổi mới trong cải cách chính sách tài khoá. Cụ thể:

Thứ nhất, thực hiện chính sách tài khoá thắt chặt nhằm kìm chế nhập siêu, giảm sức ép lạm phát và duy trì khả năng trả nợ nước ngoài là một lựa chọn hợp lý cho nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Với chính sách tài khoá thắt chặt, giảm chi tiêu nhằm giảm bội chi ngân sách nhà nước sẽ làm giảm thâm hụt cán cân thương mại. Việc giảm chi tiêu chính phủ sẽ có tác động kiềm chế tổng cầu, giới hạn mở rộng tiền tệ, qua đó kiềm chế được lạm phát. Trên cơ sở đó, Chính phủ cần cắt giảm đầu tư công và chi phí thường xuyên của các cơ quan sử dụng ngân sách, kiểm soát chặt chẽ đầu vào của các doanh nghiệp nhà nước. Đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước và đầu tư của doanh nghiệp nhà nước hiện chiếm khoảng 45% tổng đầu tư xã hội. Cắt giảm nguồn đầu tư này sẽ làm giảm áp lực về cầu, giảm nhập siêu, góp phần nâng cao hiệu quả của nền kinh tế. Chính phủ sẽ quy định cụ thể tỷ lệ vốn đầu tư và chi phí hành chính phải cắt giảm và yêu cầu các Bộ,

địa phương xác định các công trình kém hiệu quả, các công trình chưa thực sự cần thiết để có sự điều chỉnh thích hợp. Điều này sẽ được thực hiện một cách kiên quyết ngay trong việc phân bổ lại và cân đối nguồn vốn. Cũng trên tinh thần đó, các Bộ, ngành, tỉnh, thành phố với tư cách là đại diện chủ sở hữu nhà nước, rà soát chặt chẽ các hạng mục đầu tư của doanh nghiệp nhà nước, cắt bỏ các công trình đầu tư kém hiệu quả. Đồng thời, tạo điều kiện và tập trung vốn cho những công trình sắp hoàn thành, những công trình đầu tư sản xuất hàng hoá thuộc mọi thành phần kinh tế đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa vào sản xuất.

Thứ hai, cần xây dựng chính sách tài khoá lành mạnh và bền vững. Hội nhập sẽ tác động đến chính sách tài khoá thông qua việc tác động đến nguồn thu ngân sách do cơ cấu thu ngân sách của Việt Nam phụ thuộc nhiều vào khu vực dầu mỏ và thuế xuất nhập khẩu. Khi Việt Nam thực hiện các cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu, ngân sách sẽ mất đi một nguồn thu lớn. Theo ước tính của Bộ Tài chính, nguồn thu từ thuế nhập khẩu, hiện chiếm khoảng 13% tổng thu thuế, sẽ giảm khoảng 300 triệu USD cho giai đoạn 5 năm sau khi gia nhập WTO. Trong khi đó, nhu cầu chi ngân sách giai đoạn 2006 – 2010 ngày càng tăng. Đây sẽ là một thách thức lớn đối với Việt Nam. Thêm vào đó, sự biến động giá cả dầu mỏ trên thế giới làm cho nguồn thu ngân sách nhà nước không ổn định. Nếu Việt Nam không có các chính sách thay đổi trong thu chi ngân sách sẽ đẫn đến thâm hụt ngân sách ngày càng gia tăng và càng làm tăng thêm thâm hụt cán cân thương mại.

Bên cạnh những thách thức trên, việc gia nhập WTO cũng tạo ra một số thuận lợi cho thu ngân sách của Việt Nam. Việc cắt giảm thuế quan đối với hàng hoá xuất khẩu Việt Nam sẽ là động lực khuyến khích xuất khẩu tăng cao và thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Do vậy, về dài hạn sẽ dẫn đến tăng thu ngân sách qua thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp.

Đối với chi ngân sách, việc gia nhập WTO cũng sẽ có những ảnh hưởng nhất định. Khi gia nhập WTO, Việt Nam phải xoá bỏ trợ cấp từ ngân sách hỗ trợ xuất khẩu, hỗ trợ phát triển. Như vậy, sẽ có những hạng mục giảm chi trong ngân sách Nhà nước. Chính sách hỗ trợ sản xuất sẽ thay đổi theo hướng hỗ trợ gián tiếp phù hợp với quy định của WTO như hỗ trợ nghiên cứu, dịch vụ đào tạo, khuyến nông, cơ sở hạ tầng…. Chính vì vậy, giải pháp cho việc thực thi chính sách tài khoá lành mạnh và bền vững cần phải: Một là, đổi mới thu ngân sách theo hướng bền vững; Hai là, đổi mới chi ngân sách nhà nước theo hướng tiết kiệm trong chi thường xuyên và giảm chi ngoài ngân sách.

*Đổi mới thu ngân sách theo hướng bền vững

Để thực hiện được mục tiêu tăng tổng thu ngân sách, cần thường xuyên chú ý tác động của biến động giá dầu và những thay đổi trong thuế xuất nhập khẩu đến thu ngân sách và nỗ lực hơn nữa trong công tác thu thuế. Trong cơ cấu thu ngân sách cần có những thay đổi cơ bản, đặc biệt trong cơ cấu nguồn thu từ thuế vì đây là nguồn thu chính của ngân sách và nguồn thu này sẽ có nhiều biến động trong quá trình hội nhập quốc tế.

Nhược điểm cơ bản trong cơ cấu thuế của Việt Nam là phụ thuộc quá lớn vào nguồn thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế xuất khẩu. Ví dụ năm 2003 tỷ trọng của thuế thu nhập doanh nghiệp chiếm 32% tổng thu thuế, trong khi đó thuế thu nhập cá nhân chiếm tỷ trọng rất nhỏ (3%) và thuế xuất nhập khẩu chiếm tỷ trọng tới 21%. Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của chính sách tài khoá đến thu nhập và sản lượng của nền kinh tế và nguồn thu ngân sách nhà nước trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đối với thuế xuất nhập khẩu trong quá trình hội nhập, nguồn thu này sẽ có xu hướng giảm mạnh. Để ổn định nguồn thu ngân sách giải pháp ở đây là mở rộng phạm vi đối tượng diện chịu thuế cho tất cả các luật thuế, đặc biệt là việc nhận diện thu nhập đối với thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp.

* Đổi mới chi tiêu ngân sách theo hướng tiết kiệm trong chi thường xuyên và giảm chi ngoài ngân sách

Hiện nay, do đặc điểm của nền kinh tế Việt Nam đòi hỏi nhu cầu chi cho đầu tư phát triển rất lớn nên đặc thù này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến cơ cấu chi ngân sách nhà nước. Tỷ trọng chi cho đầu tư phát triển trong tổng chi ngân sách nhà nước thường chiếm 40% và tốc độ chi đầu tư cao hơn đáng kể so với chi thường xuyên. Nếu so với tổng đầu tư của nền kinh tế, chi đầu tư ngân sách chiếm tới 50%. Với cơ cấu chi ngân sách như vậy sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả của chính sách tài khoá và chính sách tiền tệ trong điều chỉnh vĩ mô.

Đối với chi ngân sách, cần xây dựng quan hệ cân đối hợp lý và hiệu quả giữa chi đầu tư và chi thường xuyên từ ngân sách. Cần chú trọng đến hiệu quả của chi đầu tư. Một thực tế cho thấy, hiện nay hiệu quả đầu tư ở nước ta, đặc biệt là đầu tư công rất thấp. ICOR cao liên tục trong nhiều năm liền. Điều này không thể viện cớ rằng Việt Nam là nền kinh tế có điểm xuất phát thấp nên cần phải đầu tư nhiều vào các công trình cơ sở hạ tầng mà vấn đề chính ở đây là việc sử dụng vốn đầu tư dàn trải, kém hiệu quả. Phần đóng góp vào mức tăng trưởng kinh tế của yếu tố vốn không tương ứng với tỷ lệ vốn được nắm giữ. Điều này thể hiện qua một số chỉ tiêu cụ thể như trong giai đoạn 2000 – 2006, khu vực đầu tư công chiếm trên 50% trong tổng đầu tư, song chỉ tạo ra được 10% giá trị gia tăng, trong khi đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài và dân doanh chỉ chiếm tỷ trọng 17,7% và 41,3% lại tạo ra tới 56% và 164% giá trị gia tăng, trong khi khu vực nhà nước nhận được rất nhiều ưu đãi về vốn, nguồn tài nguyên, đất đai và cả cơ chế chính sách.

Chính vì vậy, Chính phủ cần tiếp tục giảm tỷ trọng vốn đầu tư công xuống thấp hơn nữa, đặc biệt là giảm tỷ lệ vốn của khu vực này đối với các hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhà nước, nhất là các Tổng công ty, tập đoàn kinh tế. Cần tạo ra môi trường thuận lợi cho đầu tư tư nhân

hơn là tăng đầu tư ngân sách để tạo ra tăng trưởng kinh tế. Các đầu tư cho các doanh nghiệp nhà nước cần được cắt giảm khi các doanh nghiệp này được cổ phần hoá. Cần tăng chi thường xuyên ở một số ngành, nghề nhất định. Đồng thời việc tăng lương và tiền công cần được tiến hành cùng với việc dịch chuyển các ngành nghề không mang tính cơ bản của chính phủ sang khu vực tư nhân.

Một phần của tài liệu Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 90)