Hoàn thiện chính sách tiền tệ

Một phần của tài liệu Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 88)

Chính sách lưu thông tiền tệ hay chính sách tiền tệ là quá trình quản lý cung tiền của ngân hàng trung ương để đạt được những mục đích ổn định và tăng trưởng kinh tế - như kiềm chế lạm phát, duy trì ổn định tỷ giá hối đoái, đạt được toàn dụng lao động hay tăng trưởng kinh tế. Chính sách lưu thông tiền tệ bao gồm việc thay đổi các loại lãi suất nhất định, có thể trực tiếp hay gián tiếp thông qua các nghiệp vụ thị trường mở; qui định mức dự trữ bắt buộc; hoặc trao đổi trên thị trường ngoại hối.

Giải pháp nhanh nhất để kiềm chế nhập siêu là thắt chặt các chính sách tiền tệ thì lượng cung tiền tín dụng không tăng, chính sách tài khóa không tăng và nhu cầu nhập khẩu, theo đó cũng không tăng. Nhưng khi đó, nền kinh tế cũng không còn “sức sống”. Vì vậy, nền kinh tế cũng sẽ không đạt được mức tăng trưởng cao. Do đó, chính sách tiền tệ cần được xây dựng, hoàn thiện đảm bảo sự phù hợp về mục tiêu và biện pháp của các chính sách vĩ mô khác. Đặc biệt, chính sách tiền tệ, tài khoá và tỷ giá hối đoái cần phải được xây

dựng đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau, đảm bảo các mục tiêu rõ ràng, nhất quán và khả thi.

Trong tình hình hiện nay, kiềm chế lạm phát là ưu tiên hàng đầu của chính phủ Việt Nam. Chính vì vậy, chính sách tiền tệ cần được hoàn thiện theo hướng xây dựng một chính sách tiền tệ thắt chặt. Việc sử dụng chính sách tiền tệ thắt chặt sẽ góp phần giảm thâm hụt cán cân vãng lai, đặc biệt là cán cân thương mại.

Về mặt lý thuyết, liên quan đến yếu tố lạm phát trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, khi luồng vốn nước ngoài vào nhiều, có hai sự lựa chọn chính sách can thiệp dựa trên sự phối hợp giữa chính sách tiền tệ và tỷ giá. Thứ nhất, duy trì chính sách tiền tệ thụ động. Theo đó, Ngân hàng trung ương mua một lượng lớn ngoại tệ đáng kể làm dự trữ và chuyển ra đồng nội tệ. Tuy nhiên, nếu việc điều chỉnh bằng cách tăng nhập khẩu không đủ nhanh, việc lựa chọn này có thể mở rộng lượng tiền cơ sở (MB) ngoài giới hạn mong muốn. Điều này sẽ dẫn đến sức ép lạm phát, dẫn tới tăng tỷ giá hối đoái thực tế. Thứ hai, bảo vệ tỷ giá và theo đuổi chính sách tiền tệ chủ động. Điểm khác ở đây là áp dụng triệt tiêu tác động tiền tệ của hoạt động này. Sự can thiệp này nếu có hiệu lực sẽ ngăn cản lãi suất thực tế nội tệ giảm. Trong nền kinh tế sử dụng hết khả năng sản xuất, điều này giúp kiểm soát tổng chi tiêu và ngăn chặn việc tăng tỷ giá hối đoái thực tế. Tuy nhiên, với lựa chọn này, nếu lãi suất cứ tiếp tục chênh lệch, luồng vốn vào tiếp tục được khuyến khích và tạo ra nhu cầu triệt tiêu. Tuy nhiên, sự can thiệp này có thể ảnh hưởng đến thâm hụt ngân sách nhà nước do ngân hàng trung ương phát hành giấy tờ có giá hấp thụ lượng tiền dư ra có mức lãi suất cao hơn so với lãi suất thu được từ ngoại tệ mua vào dự trữ.

Trong điều kiện Việt Nam hiện nay khi lạm phát tăng cao và VND có xu hướng tăng giá trị thì việc chọn chính sách tiền tệ thụ động là không hợp

lý, với việc lựa chọn chính sách tiền tệ chủ động là hợp lý hơn cả. Ngân hàng nhà nước, thông qua việc chủ động linh hoạt sử dụng hợp lý các công cụ chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường để có thể kiểm soát chặt chẽ tổng phương tiện thanh toán và tổng dư nợ tín dụng ngay từ đầu năm. Điều cần nhấn mạnh là trong khi kiên quyết thắt chặt tiền tệ, cần bảo đảm tính thanh khoản của nền kinh tế và hoạt động của ngân hàng, tổ chức tín dụng, tạo điều kiện cho sản xuất hàng hoá và xuất khẩu phát triển. Do vậy, chính sách tiền tệ chủ động cần phải được kết hợp với chính sách tự do thương mại, chính sách kiểm soát luồng vốn ngắn hạn và chính sách tỷ giá linh hoạt. Với chính sách tiền tệ chủ động, rõ ràng sẽ góp phần tích cực kiềm chế lạm phát, thu hẹp khoảng cách giữa tiết kiệm và đầu tư, góp phần kiềm chế nhập siêu.

Ngoài các giải pháp về chính sách tiền tệ cũng cần phải thay đổi tư duy người gửi tiền phải được hưởng lãi suất dương (lãi suất tiết kiệm phải cao hơn chỉ số lạm phát). Nghĩa là cần giảm lãi suất cho vay xuống dưới 12%/năm. Có vậy mới hạn chế được dòng tiền chạy vào tiêu dùng và tăng dòng vốn lãi suất thấp vào lĩnh vực sản xuất.

Về lâu dài, trong bối cảnh hội nhập sâu vào nền kinh tế thế giới, chính sách tiền tệ sẽ là một trong những công cụ đắc lực nhất để chính phủ điều hành nền kinh tế. Vì vậy, ngân hàng nhà nước cần tập trung hơn cho công tác nghiên cứu, tổng kết thực tiễn chính sách tiền tệ trên thế giới nhằm áp dụng thành công tại Việt Nam.

Một phần của tài liệu Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 88)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)