Đối với ngân hàng Nhà nước

Một phần của tài liệu Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 109)

Thứ nhất, ngân hàng Nhà nước cần loại bỏ những công cụ kiểm soát tỷ giá mang tính hành chính

Ngân hàng Nhà nước cần phải đổi cơ chế điều hành tỷ giá theo rổ tiền tệ để đưa giá trị của VND về đúng tỷ giá cân bằng, hướng tới một tỷ giá thị trường linh hoạt và tỷ giá phải là sản phẩm của quan hệ cung cầu ngoại tệ trên thị trường ngoại hối, tránh định giá cao nội tệ sẽ không có lợi cho xuất khẩu. Đồng tiền Việt Nam bị đánh giá cao so với các nước trong khu vực sẽ làm giảm mạnh sức cạnh tranh thương mại của hàng hoá xuất khẩu Việt Nam, làm tăng nhập siêu. Mặc dù, chúng ta đã áp dụng các biện pháp kiểm soát nhập khẩu khá hiệu quả trong những năm qua, song đó không phải là giải pháp lâu dài nhất trong xu thế hội nhập kinh tế hiện nay. Do vậy, vấn đề chủ yếu là phải nâng cao khả năng cạnh tranh thương mại của hàng hoá Việt Nam, trước hết là trên phương diện giá cả bằng cách giảm giá đồng nội tệ ngang mức

giảm giá của các đồng tiền trong khu vực, tránh để VND bị định giá cao trong tỷ giá chính thức. Có thể thấy rằng, trong giai đoạn chịu tác động của khủng hoảng tài chính Châu Á 1997 - 2001, các đồng tiền ASEAN có khuynh hướng bị phá giá nhanh hơn so với đồng Việt Nam và có ảnh hưởng tiêu cực tới khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trong giai đoạn này. Song, kể từ năm 2001, các đồng tiền ASEAN có dấu hiệu phục hồi mạnh và lên giá nhanh hơn đồng Việt Nam, vì vậy mặc dù đồng Việt Nam lên giá, Việt Nam vẫn duy trì được khả năng cạnh tranh khá tốt so với các nước có mặt hàng xuất khẩu tương đồng trong khu vực.

Thứ hai, về sự phối hợp giữa chính sách tỷ giá với chính sách lãi suất

Để có sự phối hợp, trong ngắn hạn, ngân hàng nhà nước cần đảm bảo được điều kiện lãi suất cân bằng (Interest rate parity). Muốn vậy cần phải phát triển thị trường nội tệ liên ngân hàng, đa dạng hoá các công cụ của thị trường tài chính: trái phiếu ngân hàng nhà nước, hối phiếu, kỳ phiếu… Trong dài hạn, ngân hàng nhà nước cần gắn chặt chính sách tỷ giá hối đoái với mục tiêu điều hành Chính sách tiền tệ và Chính sách tài khoá. Trong thời điểm hiện nay khi tình hình kinh tế chịu nhiều biến động từ khủng hoảng tài chính trên quy mô toàn thế giới, tình hình lạm phát đang diễn biến phức tạp, trong khi nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp chịu áp lực rất lớn với chi phí vay vốn quá cao từ các ngân hàng thương mại. Bối cảnh này đòi hỏi ngân hàng nhà nước cần phải có động thái tích cực, linh hoạt, mềm dẻo trong điều hành chính sách tiền tệ nhằm hướng các ngân hàng thương mại hạ dần lãi suất cho vay vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh hàng xuất khẩu.

Chính sách tỷ giá hối đoái trong dài hạn là một kênh dẫn xuất và tăng cường tác động cho Chính sách tiền tệ và tài khoá, vì vậy về nguyên lý ngân hàng nhà nước nên để tỷ giá được tự do hoá, do cung cầu thị trường quyết

định. Ngân hàng nhà nước thay vì điều tiết trực tiếp thông qua các công cụ hành chính như giai đoạn hiện nay nên chuyển sang điều tiết gián tiếp can thiệp trên thị trường ngoại hối khi có biến động lớn. Ngân hàng nhà nước cần thực hiện đúng chức năng là người mua bán cuối cùng. Nghĩa là, ngân hàng nhà nước phải sẵn sàng thoả mãn mọi nhu cầu ngoại tệ hợp lý của thị trường và ngược lại, ngân hàng nhà nước có thể thu gom ngoại tệ từ các ngân hàng thương mại. Hiển nhiên, yêu cầu này chỉ có thể thực hiện tốt khi ngân hàng nhà nước quản lý tốt tài khoản dự trữ ngoại tệ và xây dựng cơ chế quản lý tỷ giá phù hợp.

Thứ ba, nâng cao năng lực phân tích và dự báo tỷ giá

Ngân hàng nhà nước cần tiếp tục tăng cường nghiên cứu để xây dựng các mô hình tính toán, dự báo tỷ giá và lựa chọn các mục tiêu chiến lược về tỷ giá trong mối quan hệ chặt chẽ với chiến lược điều hành chính sách tiền tệ nói riêng và các chính sách kinh tế vĩ mô nói chung. Một trong những phương pháp phổ biến nhất để dự báo tỷ giá trên thị trường là sử dụng các mô hình thống kê phân tích sự biến động của bước ngẫu nhiên (random walk) để dự báo khả năng biến động của tỷ giá hối đoái trong ngắn hạn hoặc có thể áp dụng phương pháp thứ hai thường đem lại kết quả chính xác hơn là dựa vào điều tra kỳ vọng tỷ giá thống nhất của các chuyên gia dự báo thị trường (consensus survey).

Thứ tư, ngân hàng nhà nước cần đa dạng hoá dự trữ quốc gia

Dự trữ ngoại tệ là công cụ đắc lực cho phép ngân hàng nhà nước điều tiết thị trường ngoại hối tránh những dao động đột ngột của tỷ giá nhưng không cản trở xu hướng phát triển chung của thị trường. Trong xu hướng đồng USD có những điều chỉnh so với đồng tiền mạnh khác, đặc biệt là so với đồng EUR, thì việc đa dạng hoá quỹ dự trữ ngoại tệ sẽ cho phép tránh được giá trị của quỹ giảm khi có sự thay đổi tỷ giá giữa các đồng tiền mạnh.

Đồng EUR ra đời là một cơ hội tốt cho Việt Nam theo đuổi chủ trương đa dạng hoá tiền tệ trong dự trữ ngoại hối của mình. Vì vậy, ngân hàng nhà nước phải xem xét lại cơ cấu dự trữ ngoại hối hiện tại để có những điều chỉnh tương ứng với mục tiêu đa dạng hoá dự trữ ngoại tệ hay mức dự trữ ngoại hối. Chính sự ra đời của đồng EUR đã giúp chúng ta có thêm một đồng tiền mạnh trong rổ đồng tiền dự trữ. Tuy nhiên những biến động thăng trầm của đồng EUR trên thị trường tài chính tiền tệ thế giới thời gian qua cũng cho thấy vị thế của đồng tiền này vẫn còn ẩn chứa rất nhiều rủi ro. Chính vì vậy cần theo dõi sát sao và điều chỉnh kịp thời tỷ lệ dự trữ ngoại hối trước mọi biến động của đồng tiền EUR.

Một phần của tài liệu Nhập siêu của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế (Trang 109)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(121 trang)