Ngoài những giải pháp mang tính chất kiến nghị với Bộ Công thương để hoàn thiện hơn chính sách thương mại của Việt Nam nhằm thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu, góp phần kiềm chế nhập siêu như đã trình bày về hoàn thiện chính sách thương mại, Bộ Công thương trong thời gian tới cần tập trung vào một số những đề xuất, kiến nghị sau:
Thứ nhất, đầu tư cho những dự án cần quy mô đầu tư lớn nhằm tập trung khai thác tiềm năng xuất khẩu, thay đổi cơ cấu sản xuất và xuất khẩu theo hướng tích cực.
Thứ hai, chủ động trong việc khai thác các thị trường xuất khẩu. Tổ chức tốt công tác phổ biến, hướng dẫn và chuẩn bị điều kiện để đón những cơ hội về thị trường xuất khẩu do các hiệp định, các thoả thuận hợp tác thương mại đem lại cho các doanh nghiệp. Đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng xuất nhập khẩu nhạy cảm với biến động giá cả, thị trường thế giới tham dự phòng vệ thông qua việc sử dụng các công cụ phái sinh.
Thứ ba, nâng cao năng lực phân tích và dự báo, nhận biết các thay đổi chính sách trên thị trường quốc tế để làm tốt công tác hoạch định chính sách của cơ quan chủ quản, đặc biệt là những dự báo về thị trường, giá cả, tỷ giá hối đoái, các điều kiện thương mại.
Thứ tư, đầu tư cho các cơ sở hạ tầng quan trọng phục vụ hoạt động xuất khẩu như cảng biển, sân bay, đường giao thông, kho ngoại quan… và các dịch vụ cơ bản hỗ trợ xuất khẩu như điện, nước, thông tin liên lạc, dịch vụ hậu cần… nhằm hỗ trợ giảm chi phí giao dịch của doanh nghiệp, góp phần tăng khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp và hàng xuất khẩu.
Ngoài ra, Bộ Công thương kết hợp cùng các Bộ, ngành cần có một số giải pháp hỗ trợ tốt nhất cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng cho sản xuất kinh doanh và mua hàng phục vụ cho xuất khẩu đã được quy định.