Trung Quốc

Một phần của tài liệu Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương (Trang 38)

Trong quá trình chuyển từ kinh tế kế hoạch hoá tập trung sang kinh tế thị trường, Trung Quốc là một trong các nước sớm nhận thấy những hạn chế của các DNNN như: hiệu quả kinh tế thấp hơn các loại hình kinh tế khác, nhiều doanh nghiệp ở tình trạng thua lỗ và tình trạng này có xu hướng ngày càng tăng; tình trạng thất thoát tài sản nhà nước ngày càng tăng và trở nên nghiêm trọng; máy móc thiết bị nói riêng, trình độ công nghệ nói chung của các DNNN rất thấp, lạc hậu rất nhiều so với các nước phát triển; các DNNN ngoài chức năng kinh tế còn phải đảm nhiệm nhiều chức năng xã hội. Hệ

thống các DNNN quá lớn với khoảng 348.000 doanh nghiệp. Tình trạng trên dẫn đến gánh nặng nợ nần của các DNNN ngày càng lớn làm ngân sách nhà nước phải chịu, trong khi đó nguồn ngân sách nhà nước có hạn và cần chi dùng cho nhiều mục tiêu kinh tế-xã hội khác. Trung Quốc cũng sớm nhận thấy con đường thoát khỏi khó khăn do các DNNN mang lại là mở cửa nền kinh tế, đổi mới hệ thống DNNN, chuyển một bộ phận DNNN thành các công ty cổ phần qua việc tiến hành CPH các DNNN. Việc tiến hành CPH các DNNN ở Trung Quốc được tiến hành khá khoa học. Bởi vì, nó được thực hiện theo một lộ trình tuân thủ các vấn đề mang tính lý thuyết và phù hợp với điều kiện cụ thể của từng ngành, lĩnh vực. Việc triển khai cũng được tiến hành thí điểm trên phạm vi hẹp sau đó rút kinh nghiệm để các đơn vị ở các cấp, các ngành nghiên cứu học tập. Cuối cùng, CPH các DNNN mới được triển khai trên phạm vi rộng. Điều đặc biệt của Trung Quốc so với các nước khi tiến hành CPH các DNNN là vai trò của nhà nước trong xây dựng kế hoạch, lộ trình và sử dụng các biện pháp mạnh của quản lý hành chính nên kết quả của CPH các DNNN đạt được rất cao.

Trong những năm 1991-1995 đã có tới 13.500 doanh nghiệp đã CPH xong. Việc CPH xong một khối lượng lớn các DNNN đã tạo cho chính phủ một nguồn thu ngân sách khá lớn. Chỉ tính 700 doanh nghiệp bán cổ phiếu trên thị trường đã thu được 500 tỷ nhân dân tệ, bằng 7,3% GDP của Trung Quốc năm 1996. Với 97 công ty bán cổ phiếu loại B ra thị trường trong nước và 38 công ty bán cổ phiếu ra thị trường nước ngoài đã thu được 13 tỷ USD. Nhà nước đã sử dụng nguồn vốn quan trọng này vào các dự án cải tạo và đầu tư vào các công trình trọng điểm của nền kinh tế đất nước. Gánh nặng đối với các DNNN sau khi CPH đã được loại bỏ, tạo thêm được 10.000 việc làm mới trên thị trường chứng khoán, 31 triệu người đã mua cổ phiếu – một lượng tiền lớn trong dân cư đã được thu hút vào các hoạt động kinh doanh của các DNNN khi CPH.

CPH đã tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp chuyển đổi quản lý, chuyển đổi hướng sản xuất kinh doanh, nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Sở hữu nhà nước đã chuyển sang các hình thức sở hữu khác, những lý do để nhà nước can thiệp trực tiếp vào quá trình kinh doanh của doanh nghiệp không còn. Công ty cổ phần có điều kiện phát huy vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động sản xuất kinh doanh, những yêu cầu tối cần thiết của doanh nghiệp khi chuyển sang nền kinh tế thị trường.

Sau CPH, các doanh nghiệp đã có điều kiện tổ chức lại bộ máy quản lý theo hướng tinh giản, gọn nhẹ, năng động. Chỉ riêng Tập đoàn ôtô số 1 sau CPH năm 1996, đến năm 2007 đã giảm được 12.000 người, 200 đơn vị trong cơ cấu tổ chức.

Theo cơ chế hoạt động của các CTCP, các DNNN sau khi CPH không chỉ tuân thủ luật kinh doanh và các chính sách của chính phủ mà còn chịu sự giám sát chặt chẽ của các cổ đông mà đại diện là Hội đồng quản trị. Sức ép đó đòi hỏi doanh nghiệp phải có những đổi mới trong quản lý và hoạt động kinh doanh. Phải trực tiếp tìm hiểu thị trường, chấp nhận và chủ động trong cạnh tranh, tự tìm cách tồn tại và phát triển khi không còn sự nâng đỡ của nhà nước, khi được quyền chủ động. Doanh nghiệp đã năng động hơn, thận trọng hơn khi đưa ra những quyết định về kinh doanh.

Từ những đổi mới trong hoạt động kinh doanh, các doanh nghiệp sau CPH đã mạnh lên. CPH đã tạo ra những điều kiện để Trung Quốc thực hiện chiến lược xây dựng các tập đoàn kinh tế lớn, có khả năng cạnh tranh với các tập đoàn kinh tế của nước ngoài. Hoạt động hiệu quả của các doanh nghiệp sau CPH đã nâng cao vị thế của nhà nước khi nắm cổ phần chi phối trong doanh nghiệp. Vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước từng bước được phát huy. Tuy nhiên để khống chế được các cổ phiếu trong các CTCP, nhà nước phải có cơ chế kiểm tra, kiểm soát hợp lý… Muốn làm được điều đó, đòi hỏi nhà nước phải có những chính sách hợp lý, năng lực quản lý của Nhà nước phải nâng lên.

Một số nhận xét về cải cách DNNN ở Trung Quốc theo hướng cổ phần hóa:

Thứ nhất, Trung Quốc thực hiện cải cách DNNN theo mục tiêu cơ bản là kiên trì vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước trong nền kinh tế quốc dân để phát triển nền kinh tế thị trường cùng hướng tới CNXH mang mầu sắc Trung Quốc.

Thứ hai, do DNNN hoạt động trì trệ, kém hiệu quả nên Trung Quốc tiến hành cải cách rất sớm (1978). Với phương châm “dò đá qua sông”, công cuộc “xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện đại” được cải cách từng bước theo từng giai đoạn: ban đầu là giao quyền tự quản nhiều hơn; thực hiện theo chế độ hợp đồng; cải biến bộ máy quản lý cho DNNN… Hiện nay, Trung Quốc đang thực hiện các giải pháp đi sâu vào cải cách DNNN nhằm hoàn thiện chế dộ doanh nghiệp hiện đại. Trong hàng loạt các giải pháp đang thực hiện, tịa Hội nghị Trung ương 3 khoá XVI Đảng Cộng Sản Trung Quốc (năm 2004) đã khẳng định rằng: chế độ cổ phần “là hình thức thực hiện chủ yếu của chế độ công hữu”.

Thứ ba, Trung Quốc xác định mục tiêu của cải cách DNNN là quyền sử dụng tài sản. Do đó, CPH DNNN ở Trung Quốc là nhằm thu hút vốn từ nhân dân hay người nước ngoài.

Thứ tư, Trung Quốc tuy xác định chế độ cổ phần “là hình thức thực hiện chủ yếu của chế độ công hữu”, nhưng cũng coi CPH chỉ là một biện pháp của việc “xây dựng chế độ doanh nghiệp hiện đại”. bên cạnh việc tiến hành CPH hàng nghìn DNNN, Chính phủ Trung Quốc tập trung chỉ đạo xây dựng 2903 DNNN thành công ty lớn, tập đoàn kinh tế làm nòng cốt hoạt động trên phạm vi toàn quốc. Đồng thời Chính phủ không ngừng hoàn thiện thể chế quản lý vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp. Tháng 3-2003, Trung Quốc đã thành lập ban quản lý giám sát tài sản nhà nước trực thuộc Quốc vụ viện. Theo đó, khắp các địa phương đều thành lập Uỷ ban quản lý giám sát tài sản nhà nước tại địa phương.

Thứ năm, xuất phát từ nhận thức CPH DNNN là biện pháp giải quyết quyền sử dụng về tài sản, do đó Trung Quốc cho rằng, công ty cổ phần do Nhà nước nắm cổ phần chi phối là hình thức hợp lý trong mối quan hệ giữa Chính phủ và doanh nghiệp, giữa kinh tế nhà nước với kinh tế tư nhân. Đó cũng là hình thức tổ chức có thể đưa các doanh nghiệp nhà nước tham gia cạnh tranh quốc tế có hiệu quả. Vì vậy, trong quá trình CPH, Trung Quốc quy định rõ loại DNNN cần CPH. Các doanh nghiệp giữ 100% vốn nhà nước như: ngành quốc phòng, dầu mỏ, năng lượng, nguyên tử, hàng không, cấp nước, điện lực, bưu chính, đường sắt, in giấy bạc…. Các doanh nghiệp thực hiện CPH tuỳ tính chất ngành nghề và mức độ phân bổ sở hữu cổ phần, mà quyết định tỷ lệ cổ phần của Nhà nước, có thể nắm giữ 25% đến 30% cổ phần của ngành này.

Thứ sáu, phương pháp CPH là bán một số cổ phần của doanh nghiệp cho các cổ đông trong và ngoài doanh nghiệp, cả nước ngoài để thành lập công ty cổ phần hình thành tổ hợp cổ đông đa sở hữu, chấm dứt pháp nhân cũ là DNNN.

Thứ bảy, đối tượng lựa chọn DNNN thí điểm cổ phần hoá là doanh nghiệp loại lớn và vừa: Công ty bách hoá Thiên Kiều, Bắc Kinh; các công ty ngành dệt; các ngành công nghiệp, đường sắt không phải là những doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Thứ tám, việc thực hiện CPH DNNN gắn liền ngay từ đầu với việc phát triển thị trường chứng khoán, kể cả thị trường chứng khoán ở nước ngoài. Do đó, việc CPH diễn ra khá sôi động, tốc độ tăng trưởng nhanh, hiệu quả tương đối lớn. Số lượng cổ phiếu bán ra cũng đạt mức tương đối khá lớn. Năm 1997, số công ty phát hành cổ phiếu A (bán cho người Trung Quốc) niêm yết trên thị trường chứng khoán lên tới 655 công ty, tăng 23,6% so với năm 1996, và cổ phiếu B (bán cho người nước ngoài) cũng có tới 93 công ty, tăng 9,4% so với năm trước với số vốn đạt 49,058 tỷ NDT; tổng giá trị thị trường cổ phiếu A và B là 1666,5 tỷ NDT, tăng 69% so với năm trước.

Một phần của tài liệu Cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước thuộc Bộ Công thương (Trang 38)