Thu Ngân sách Nhà nước

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của ngân sách nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Trang 51 - 52)

Trong giai đoạn 1976-1980, Nhà nước đã thi hành chính sách động viên đối với kinh tế quốc doanh, kinh tế tập thể và cá thể, đồng thời tranh thủ thu hút nguồn vốn từ nước ngoài dưới hình thức vay nợ và viện trợ. Do vậy, NSNN trong giai đoạn này đã phát triển lên một quy mô mới so với thời kỳ 1961-1965, đã tăng gấp 5 lần và vượt tổng số thu, chi ngân sách của 10 năm 1966-1975.

Trong đó, thu từ khu vực kinh tế quốc doanh tăng gấp 4,33 lần so với giai đoạn 1961-1965 và bằng 1,76 lần giai đoạn 1966-1975; thu từ thuế công thương nghiệp bằng 5,6 lần so với giai đoạn 1961-1965 và bằng 2,76 lần so với giai đoạn 1966-1975; về thu nước ngoài trong giai đoạn này có sự biến đổi quan trọng, nguồn viện trợ trong chiến tranh chống Mỹ cứu nước bị giảm đi nhiều. Vốn từ bên ngoài thu hút được chủ yếu qua hình thức vay nợ, lại chuyển từ giá ưu đãi sang giá trượt chung của Hội đồng Tương trợ Kinh tế nên thu ngoài nước trong 5 năm 1976-1980 bằng 1,73 lần so với giai đoạn 1961-1965 và cũng chỉ bằng 69% của mười năm 1966-1975. Trong khi đó, thu trong nước bằng 4,83 lần so với giai đoạn 1961-1965 (thấp hơn mức tăng tổng số thu ngân sách 5,34 lần)

và bằng 1,82 lần của 10 năm 1966-1975 (cao hơn mức tăng tổng số thu ngân sách là 1,12 lần).

Như vậy, thu trong nước tuy có tăng nhanh nhưng không đủ bù đắp mức giảm thu từ nước ngoài, do đó tài chính gặp rất nhiều khó khăn trong cân đối thu chi NSNN.

Bước sang giai đoạn 1981-1985 tình hình thu NSNN cũng được cải thiện đôi chút. Thu trong nước tăng lên trên cơ sở kinh tế có biến chuyển bước đầu khả quan, việc bố trí chi tiêu cũng được điều chỉnh thích hợp hơn với khả năng tài chính tăng lên; thu ngân sách trong giai đoạn này bằng 10,18 lần so với giai đoạn 1976-1980. Trong đó, thu tích luỹ bằng 14,7 lần so với giai đoạn 1976- 1980, chủ yếu là do việc điều chỉnh giá bán lẻ trong khu vực kinh doanh thương nghiệp tăng nhanh nhưng hệ thống giá bán buôn công nghiệp không thay đổi, làm cho tỷ trọng thu quốc doanh và lợi nhuận nộp và NSNN bị giảm, còn thu chênh lệch giá tăng lên rất cao. Bên cạnh đó, chế độ thu khấu hao cơ bản thay đổi mức được trích và cho các xí nghiệp được sử dụng một phần hay toàn bộ khấu hao cơ bản tuỳ thuộc vào loại hình sản xuất để đầu tư chiều sâu và tái sản xuất mở rộng; thu từ thuế nông nghiệp cũng bằng 11,7 lần so với giai đoạn 1976-1980 và chính sách thuế nông nghiệp mới đã phát huy tác dụng, khuyến khích tăng năng suất lao động…. Như vậy, cả hai giai đoạn này, thu ngân sách không đủ để bù chi.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của ngân sách nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Trang 51 - 52)