Chức năng giám đốc

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của ngân sách nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Trang 31 - 34)

b. Tổ chức cân đối Ngân sách Nhà nước

1.2.1.2. Chức năng giám đốc

Chức năng giám đốc là hệ quả của chức năng phân phối. Nói cách khác, hiệu quả vận dụng chức năng giám đốc trong thực tế tuỳ thuộc vào việc vận dụng đúng đắn chức năng phân phối của NSNN. Giám đốc ở đây được hiểu là giám sát, đôn đốc, kiểm tra bằng đồng tiền, tiến hành một cách thường xuyên,

liên tục cùng với quá trình vận động của các đối tượng phân đối NSNN. Với tư cách là một công cụ quản lý vĩ mô của Nhà nước, NSNN thực hiện chức năng giám đốc như một xứ mệnh xã hội tất yếu.

- Về nguyên tắc, giám đốc NSNN được thực hiện bởi chủ thể Nhà nước, nhưng trong thực tế được thực hiện bởi các đại diện chính của Nhà nước như: Quốc hội (nghị viện), Chủ tịch (Tổng thống), các Hội đồng dân cử, các cơ quan có trách nhiệm được uỷ quyền như kiểm toán Nhà nước, thanh tra Nhà nước…, ngoài ra giám đốc NSNN cũng còn được thực hiện bởi công luận và báo chí.

- Công cụ giám đốc NSNN là nghiệp vụ thống kê, nghiệp vụ kế toán, kiểm toán, nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra tài chính, chế độ công khai tài chính, ngân sách và các phương tiện thông tin đại chúng.

- Giám đốc NSNN được thực hiện ở cả tầm vĩ mô và vi mô, cả trực tiếp và gián tiếp. Giám đốc NSNN cung cấp thông tin về các cân đối thu, chi NSNN, về thực trạng thu, chi và tồn ngân quỹ NSNN tại các thời điểm cần thiết, về thực trạng gánh nặng nợ Nhà nước và khả năng thanh toán của Chính phủ. Thông qua chức năng giám đốc của NSNN, Nhà nước kiểm soát tình hình tài chính vĩ mô. Những chỉ tiêu của giám đốc NSNN là những chỉ tiêu cơ bản, chiếm vị trí quan trọng trong hệ thống các chỉ tiếu giám sát tài chính của mỗi quốc gia. Giám đốc NSNN còn xem xét mức độ kết quả thực hiện chế độ, hạn mức chi NSNN tại cơ sở, xem xét việc chấp hành luật pháp tài chính tại các doanh nghiệp Nhà nước và các đơn vị sử dụng NSNN.

- Giám đốc NSNN được tiến hành từ khâu đầu đến khâu cuối cùng của chu kỳ phân phối của NSNN. Hay nói cách khác là được thực hiện ở tất cả các giai đoạn trước, trong và sau khi thực hiện.

+ Giám đốc trước khi thực hiện: là giám đốc ở khâu lập kế hoạch nhằm đảm bảo tính đúng đắn, chính xác và hợp lý của dự toán NSNN, trong kế hoạch tài chính của các tổ chức kinh tế, của các dự toán tại các cơ sở, đơn vị hành chính sự nghiệp.

+ Giám đốc trong khi thực hiện: là giám đốc quá trình chấp hành thu-chi NSNN, giám đốc thực hiện kế hoạch tài chính và dự toán kinh phí. Đây là giai đoạn quan trọng nhất, vì khâu này là nhân tố quyết định đến việc biến kế hoạch thành hiện thực.

+ Giám đốc sau khi thực hiện: là giám đốc tiến hành sau khi kết thúc chu kỳ vận động của các quỹ và vốn tiền tệ thông qua các báo cáo quyết toán tài chính, ngân sách.

- Giám đốc của NSNN bao gồm giám đốc tuân thủ và giám đốc hiệu quả. Giám đốc tuân thủ là giám đốc quá trình hình thành và sử dụng quỹ NSNN, xem xét trong quá trình đó, công việc thu, chi, tài trợ, cấp vốn…có tuân thủ đúng chế độ, đúng dự toán được phê chuẩn, có nằm trong khuôn khổ luật pháp cho phép hay không. Giám đốc hiệu quả là thông qua phân phối thu, chi NSNN ( kể cả chi thường xuyên và chi đầu tư phát triển) mà xem xét việc phân phối và sử dụng NSNN có mang lại hiệu quả kinh tế-xã hội không, có lãng phí không….

- Giám đốc của NSNN được thực hiện trong quá trình tập trung, phân phối và sử dụng quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước. Nói cách khác, ở đâu có sự vận động của quỹ tiền tệ tập trung của Nhà nước thì ở đó phát sinh chức năng giám đốc của NSNN.

- Giám đốc của NSNN có phạm vi rộng lớn trên nhiều lĩnh vực và gắn với tính hiệu quả của toàn bộ nền kinh tế quốc dân.

- Chức năng giám đốc của NSNN được vận dụng vào thực tiễn và trở thành quá trình kiểm tra NSNN. Kiểm tra NSNN được thực hiện bởi các cơ quan tài chính. Nội dung kiểm tra NSNN bao gồm kiểm tra việc chấp hành các chính sách, chế độ, thể lệ Nhà nước trong lĩnh vực tài chính, kiểm tra quá trình sử dụng vốn của NSNN. Mục đích của quá trình này là nhằm: nâng cao hiệu quả sử dụng vốn của NSNN, phát huy vai trò tích cực của NSNN đối với quá trình tổ chức quản lý vĩ mô nền kinh té và bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lý NSNN nhằm làm cho hoạt động của ngân sách phù hợp với cơ chế quản lý kinh tế-xã hội của Nhà nước.

Về mục đích, giám đốc NSNN là hướng vào việc đảm bảo tính hiệu quả, tiết kiệm trong việc huy động cũng như việc sử dụng đồng vốn của NSNN và giữ kỷ luật tài chính.

Thực hiện tốt chức năng giám đốc mang lại những ý nghĩa vô cùng quan trọng, cụ thể:

- Đảm bảo tính hợp lý trong mối quan hệ giữa tích tụ và tập trung vốn, cũng như giữa tích luỹ và tiêu dùng xã hội.

- Cho phép khai thác mọi khả năng tiềm tàng sẵn có trong nền kinh tế quốc dân.

- Bảo đảm các quan hệ cân đối trong quá trình phát triển kinh tế, từ đó xác lập cơ cấu kinh tế hợp lý.

- Duy trì kỷ cương, pháp luật tài chính, chống tham nhũng và các hiện tượng gây lãng phí của cải xã hội.

- Phát hiện kịp thời những sai sót trong quá trình phân phân phối, từ đó thực hiện việc điều chỉnh nó để đảm bảo sự lành mạnh của các quan hệ kinh tế.

Chức năng phân phối và giám đốc của NSNN có mối quan hệ hữu cơ với nhau trong quá trình hình thành và vận động của NSNN. Trong đó, phân phối là chức năng trọng yếu của NSNN. Chức năng phân phối vừa là tiền đề, vừa là cơ sở cho sự hình thành và vận động của chức năng giám đốc, thông qua phân phối mà thực hiện giám sát, kiểm tra; ngược lại, nhờ có kiểm tra, giám sát mà quá trình phân phối NSNN được thực hiện đúng pháp luật và có hiệu quả. Chức năng phân phối chỉ cho thấy sự vận động của quỹ tiền tệ tập trung cho từng lĩnh vực phát triển của đất nước, còn về tính đúng đắn, tính hợp lý, phù hợp với yêu cầu của các quy luật kinh tế khách quan thì phải có chức năng giám đốc. Các chức năng của NSNN là sự thể hiện bản chất của NSNN, các chức năng này được vận dụng vào thực tiễn thông qua việc thực hiện, phát huy tốt vai trò của NSNN.

Một phần của tài liệu Nâng cao vai trò của ngân sách nhà nước trong nền kinh tế thị trường ở Việt Nam (Trang 31 - 34)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(146 trang)