Hiện nay, cùng với xu thế phát triển kinh tế mới của đất nước, kinh tế Bắc Ninh đang đổi thay trên quan điểm phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên và xã hội, tranh thủ mọi nguồn lực trong và ngoài nước để phát triển kinh tế. Tỉnh có nhiều lợi thế phát triển kinh tế như:
1.2.2.1. Nguồn lực
Vị trí địa lý nằm không xa các cửa khẩu kinh tế như cửa khẩu biên giới Lạng Sơn, cửa khẩu hàng không Nội Bài – Hà Nội và cảng biển Hải Phòng. Vì vậy, vị trí Bắc Ninh được đánh giá là trạm trung chuyển, là cầu nối quan trọng trong phát triển kinh tế của vùng ĐBSH và cả miền Bắc.
Điều kiện tự nhiên có nhiều lợi thế cho phát triển nông nghiệp. Các yếu tố địa hình, khí hậu, đất đai và nguồn nước đảm bảo phát triển nền nông nghiệp nhiệt đới đa dạng cơ cấu cây trồng, vật nuôi.
Tài nguyên khoáng sản nghèo nhưng đây là miền quê có nhiều nghề và làng nghề công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp nhất cả nước; nguồn lao động có chất lượng đã khá tạo nên lợi thế đặc biệt cho phát triển công nghiệp của tỉnh.
Với mật độ dân số vào loại cao so với trung bình cả nước 1.289
người/km2 (năm 2011), Bắc Ninh có một lực lượng lao động dồi dào chiếm
64,1% số dân, chất lượng nguồn lao động ngày càng được nâng cao. Cơ cấu lao động tập trung chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp và đang có xu hướng giảm, ngược lại trong một vài năm trở lại đây cơ cầu lao động trong khu vực công nghiệp và dịch vụ và có xu hướng tăng nhanh.
1.2.2.2. Khái quát tình hình kinh tế
a. Quy mô, tăng trưởng và cơ cấu GDP
Nhìn chung, với những lợi thế sẵn có tỉnh Bắc Ninh đang phát triển kinh tế theo hướng công nghiệp hóa-hiện đại hóa. Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao và ổn định, từ năm 1997 đến nay tốc độ tăng trưởng kinh tế Bắc Ninh
luôn đạt mức tăng trưởng cao (khoảng 14%/năm) trong đó công nghiệp – xây dựng tăng mạnh nhất. Năm 2011 bất chấp những khó khăn của nền kinh tế trong nước, tốc độ tăng trưởng kinh tế Bắc Ninh vẫn đạt 16,2% - là tốc độ tăng trưởng cao nhất cả nước. Cơ cấu kinh tế ngành chuyển dịch tích cực theo hướng hiện đại. Đến năm 2011, tỷ trọng công nghiệp – xây dựng chiếm 70,7%, dịch vụ 20,8%; nông lâm và thủy sản 8,5% (năm 1997 tỷ trọng 3 khu vực này tương ứng là 23,8% - 31,2%- 40,5%); GDP bình quân đầu người năm 2011 đạt 2.130 USD, gấp 10,9 lần năm 1997. Đời sống của đại bộ phận nhân dân được thay đổi từng ngày.
Về cơ cấu theo thành phần kinh tế: khu vực kinh tế Nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo, cùng với khu vực kinh tế ngoài Nhà nước có xu hướng giảm. Ngược lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài thì chiếm tỉ trọng ngày càng cao. Năm 2011, kinh tế nhà nước là 14% (giảm so với mức 25,8% năm 1997); kinh tế ngoài nhà nước là 51% (giảm mạnh so với mức 72,6% năm 1997), kinh tế đầu tư nước ngoài là 33,9% (tăng mạnh so với mức 1,6% năm 1997).
Với cơ cấu kinh tế như vậy Bắc Ninh đã và đang đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế trong nước, chủ động hội nhập quốc tế.
b. Các ngành kinh tế chủ yếu - Công nghiệp
Trong những năm gần đây, công nghiệp được đánh giá là ngành kinh tế đầu tàu của tỉnh. Tính chung toàn ngành tăng bình quân 38%/năm. Hiện, Bắc Ninh là một trong 10 tỉnh có giá trị sản xuất công nghiệp cao nhất toàn quốc, với quy mô công nghiệp năm 2011 tăng 107 lần so với năm 1997. Giá trị sản xuất công nghiệp năm 2011 đạt 252.920,2 tỷ đồng (giá thực tế), tỷ trọng đạt 91,6% trong cơ cấu giá trị sản xuất. Cơ cấu ngành công nghiệp chủ yếu là công nghiệp chế biến như cơ khí, dệt may – da giày, chế biến lương thực thực phẩm, sản xuất hàng tiêu dùng, vật liệu xây dựng, hóa chất, sản xuất máy mác và thiết bị điện tử... tuy nhiên những ngành công nghiệp hiện đại tỷ trọng thấp.
27
Bắc Ninh có một lợi thế đặc biệt, đó là vùng đất của các làng nghề. Tỉnh còn tồn tại, phát triển khoảng 61 làng nghề truyền thống, cơ cấu sản phẩm đa dạng vừa cung cấp hàng hóa cho thị trường trong nước vừa có giá trị xuất khẩu cao. Ví dụ như làng đúc đồng Đại Bái (Gia Bình), sắt thép Đa Hội (Từ Sơn), đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Từ Sơn), gốm Phù Lãng (Quế Võ), tranh Đông Hồ (Thuận Thành), giấy Phong Khê (TP Bắc Ninh)… Hiện nay tỉnh đã thành lập 15 KCN với tổng diện tích quy hoạch 5.460ha, trong đó huyện Yên Phong có 2 KCN (Yên Phong II đang giải phóng mặt bằng). Đây là khu vực thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào tỉnh, trực tiếp quyết định tốc độ tăng trưởng công nghiệp và đổi mới công nghệ sản xuất.
- Dịch vụ
Hoạt động thương mại – dịch vụ của tỉnh có nhiều bước phát triển nhanh. Các cụm thương mại – dịch vụ ở thị xã, thị trấn và thị tứ từng bước được hình thành. Đặc biệt chú trọng phát triển các thị trấn tại trung tâm huyện trở thành hạt nhân thương mại dịch vụ, liên kết cùng phát triển với các thị tứ khác trên địa bàn. Mặt khác, mạng lưới chợ nông thôn tiếp tục được phát triển, đa dạng hàng hóa biến chợ huyện thành trung tâm dịch vụ sầm uất cung cấp - tiêu thụ nông sản.
- Nông nghiệp
Trong thời gian qua, tỷ trọng nông nghiệp tỉnh lại giảm mạnh tuy nhiên giá trị, sản lượng lương thực thực phẩm vẫn tăng khá mạnh. Nền nông nghiệp chuyển dần theo hướng sản xuất hàng hóa hướng ra thị trường bên ngoài và xuất khẩu, với những nông sản thế mạnh như lúa gạo, các loại rau đậu, dưa chuột, chanh, tỏi, đậu cô ve… Một số vùng chuyên canh, sản xuất hàng hóa quy mô nhỏ đã được hình thành như vùng lúa nếp ở Tiên Du, Thuận Thành; lúa chất lượng cao ở Lương Tài, Yên Phong; dưa chuột xuất khẩu ở Quế Võ, Tiên Du, Gia Bình, Yên Phong. Bên cạnh đó, chăn nuôi gia súc, gia cầm cũng tăng trên cơ sở nguồn thức ăn ổn định của vùng nông nghiệp trù phú. Từng
bước phát triển nền nông nghiệp ổn định, vững chắc. Các sản phẩm chăn nuôi chính của vùng là thịt bò, thịt lợn, các loại gia cầm và các loại thủy sản.
Tóm lại, trong những năm vừa qua nền kinh tế tỉnh Bắc Ninh đã gặt hái được nhiều thành tựu. Quy mô nền kinh tế Bắc Ninh hiện xếp thứ 2 trong vùng ĐBSH và thứ 9 toàn quốc, đời sống vật chất và tinh thần của người dân từng bước được cao. Tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Bắc Ninh lần thứ XVIII đề ra mục tiêu “Tập trung mọi nguồn lực, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, phát triển công nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, xây dựng nông thôn mới, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và an sinh xã hội, phấn đấu đến năm 2015 cơ bản trở thành tỉnh công nghiệp theo hướng hiện đại, tạo tiền đề để đến năm 2020 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương”. Trên cơ sở đó định hướng chung cho sự phát triển kinh tế của các huyện nông nghiệp, kinh tế còn nghèo và chậm phát triển.