Hướng dẫn học sinh phương pháp đọc tác phẩm tạo cơ sở phát

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học tác phẩm của Nam Cao trong trường trung học phổ thông từ việc khai thác các phương thức cấu tạo hàm ngôn (Trang 69 - 74)

10. Cấu trúc luận văn

2.2.1. Hướng dẫn học sinh phương pháp đọc tác phẩm tạo cơ sở phát

tác phẩm Nam Cao ở trung học phổ thông

Một giờ văn hấp dẫn và có hiệu quả là một giờ học không chỉ dừng lại ở việc nhận thức những giá trị mà là cách tự sửa mình theo cái chân, thiện, mĩ đặt ra qua nội dung văn học. Những giá trị này thông thường được bộc lộ gián tiếp nhưng lại gắn bó máu thịt với ngôn ngữ, hình ảnh,nhân vật ... trong tác phẩm văn học. Bởi vậy đích của giờ đọc hiểu tác phẩm là GV phải giúp HS giải mã các lớp nghĩa hàm ẩn thường nằm trong chiều sâu của sự liên tưởng, tưởng tượng tới những vấn đề của hiện thực lịch sử xã hội mà tác giả gửi gắm vào tác phẩm. Lớp nghĩa hàm ẩn càng sâu bao nhiêu thì càng thoả mãn nhận thức của người đọc bấy nhiêu (đây chính là điều mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là sức hấp dẫn trí tuệ của giờ ngữ văn). Nhưng bài giảng sâu không có nghĩa là GV cứ áp đặt những kết luận - dù là sâu sắc - đã có sẵn cho học sinh. GV phải trình bày con đường đi tìm chân lý của mình và đưa HS cùng đi theo con

đường khám phá ấy. Có như thế mới trau dồi năng lực nhận thức - thậm chí

cao hơn nhu cầu nhận thức - cho HS. Trên quan niệm đó chúng tôi đưa ra những định hướng cụ thể về việc đọc hiểu tác phẩm của Nam Cao theo hướng khai thác các phương thức tạo hàm ngôn như sau:

2.2.1. Hướng dẫn học sinh phương pháp đọc tác phẩm tạo cơ sở phát hiện hàm ngôn hàm ngôn

2.2.1.1. Hướng dẫn học sinh đọc kĩ, đọc sâu tác phẩm trong thói quen chuẩn bị bài trước tiết học

Hoạt động chuẩn bị bài là hoạt động thường lệ trước tiết học, không chỉ của riêng bộ môn văn. Hoạt động này làm tăng tính tích cực học tập của HS. Nếu chuẩn bị bài kĩ lưỡng và có phương pháp, các em đã có một lần học tác phẩm, tiết học sẽ làm cho tri thức của các em đúng hướng và sâu sắc hơn. Tiết

65

học sẽ có một không khí khác hẳn, mang tính chất đối thoại chủ động chứ không phải lối áp đặt, bị động.

Trước khi kết thúc tiết học trước đó, GV định hướng chuẩn bị bài cho tiết học sau trong khoảng 2-3 phút – đây là khâu quyết định phần lớn hiệu quả giờ học tới. Nội dung yêu cầu chuẩn bị bài ở nhà của HS có nhiều mặt đa dạng: yêu cầu đọc tác phẩm, tìm hiểu tác giả, hoàn cảnh ra đời tác phẩm, suy nghĩ về các chi tiết nghệ thuật ... "Nhưng nội dung chủ yếu vẫn là khơi dậy hứng thú của HS vào những vấn đề then chốt của tác phẩm mà GV sẽ hướng dẫn HS đi sâu vào phát hiện trên lớp" [44, tr. 194]. Quan trọng nhất vẫn là rèn cho các em kĩ năng tự đọc tác phẩm. Để hiểu được văn bản phải đọc – đây là điều thiết yếu với mọi cách dạy và học tác phẩm, nhưng càng quan trọng hơn với phương pháp vận dụng các phương thức tạo hàm ngôn bởi đọc kĩ, đọc sâu tác phẩm là điều quan trọng nhất tạo cơ sở để các em phát hiện được hàm ngôn trong từng chi tiết, hình ảnh, trường đoạn và tác phẩm.

Đọc tác phẩm phải tuân theo 5 chiến lược sau: (1). Phải tập trung tư tưởng và có chủ định khi đọc.

(2). Biết tìm và phát hiện những ý tưởng chủ đạo, cốt lõi, những điều quan trọng của bài học. Gạch dưới những ý, những câu cần thiết nhất.

(3). Biết ghi chép, tóm tắt những nội dung quan trọng nhất theo ý mình. (4). Biết tự xác lập một hình ảnh trong tâm trí (dàn bài, sơ đồ, mối liên hệ...) để ghi nhớ và vận dụng.

(5). Biết tự đặt câu hỏi về nội dung bài.

Khi đọc tác phẩm, không thể đọc nhanh, đọc lướt, đọc nhảy cóc mà cần có thời gian, cần có sự tĩnh tâm, phát huy cao độ năng lực giải mã ngôn từ, nghiên cứu tiếp nhận tác phẩm, giải thích từ khó, lí giải sự kiện tình huống truyện, tìm chủ đề tư tưởng của tác phẩm, bước đầu chú ý cách xây dựng hình tượng ngôn từ, giọng điệu nhà văn. HS cần được hướng dẫn, định hướng trước những đoạn, những cảnh, những điểm sáng thẩm mĩ để đọc kĩ và đọc chậm. Từ cách đọc kĩ sẽ kích thích năng lực tưởng tượng, sự liên tưởng so

66

sánh đối chiếu của người đọc đối với thế giới nghệ thuật nhà văn xây dựng trong tác phẩm.

Ở tác phẩm Chí Phèo, điểm sáng thẩm mĩ mà GV cần định hướng cho HS: Tiếng chửi của Chí, những hành động và lời nói Bá Kiến thuyết phục và thu phục Chí Phèo, tâm trạng của Chí khi sống trong tình yêu và sự chăm sóc của Thị Nở, cái chết của Chí ...

Ở tác phẩm Đời thừa, điểm sáng thẩm mĩ ấy lại là: Cách Hộ say mê đọc và nói về văn chương, những quan niệm của Hộ về tác phẩm nghệ thuật và sự sáng tạo nghệ thuật, về nguyên tắc tình thương, diễn biến tâm lí của Hộ khi đọc lại trang viết của mình hoặc những thổn thức, ân hận đau đớn của Hộ khi tỉnh cơn say...

Đọc văn không phải là hoạt động đọc văn bản thông thường, yêu cầu của nó không chỉ đọc cho tròn vành rõ chữ, đọc xong để kể lại diễn lại ... mà cần tiến sâu hơn vào các hoạt động phân tích, cắt nghĩa, bình giá, so sánh, đối chiếu, liên tưởng, tưởng tượng, khái quát hoá, trừu tượng hoá. Mục đích đọc sâu là để phát hiện ra vấn đề bên trong của hình tượng ngôn ngữ nghệ thuật (lớp nghĩa hàm ngôn ẩn tàng trong tác phẩm). Quá trình đọc là nhịp cầu giao lưu giữa người đọc và tác giả, là đối thoại văn bản, do đó phải biết chia nhỏ nội dung tác phẩm ra làm nhiều phần, xác định được bố cục của chúng, lập được bản tóm tắt về tác phẩm, phải biết thắc mắc, đặt câu hỏi và chất vấn về văn bản và trả lời. Ví dụ như: Thời gian trần thuật của truyện ngắn Đời thừa

được Nam Cao lựa chọn là thời gian nào? Tại sao tác giả lại đặt tên tác phẩm là Đời thừa? Mở đầu truyện ngắn Chí Phèo, tại sao Nam Cao lại dụng công khắc họa tiếng chửi của Chí? Mở đầu và kết thúc đều là hình ảnh cái lò gạch cũ bỏ không có ý nghĩa gì?... Khi HS biết cách tự hỏi và tự trả lời lúc đọc, dù có thể chưa có độ sâu nhưng có nghĩa các em đang bước đầu thâm nhập vào lớp nghĩa ẩn tàng của tác phẩm, nó sẽ có tác dụng kích thích lòng ham học hỏi, kích thích sự đối thoại chủ động trong giờ học sau này.

67

2.2.1.2. Hướng dẫn học sinh đọc diễn cảm kết hợp với hoạt động liên môn trong giờ đọc hiểu tác phẩm

Đọc văn trong nhà trường được chia làm 3 mức độ: Đọc đúng, đọc hay và đọc diễn cảm. Mỗi lần đọc, mỗi cách đọc là một chặng trên con đường chạy tiếp sức của độc giả để đến với tác phẩm văn chương. Đây là một hoạt động mang tính khoa học và nghệ thuật, bởi thế để đọc diễn cảm có hiệu quả, GV trước khi lên lớp phải hiểu sâu tác phẩm, thấy hết sức hấp dẫn của tác phẩm thì mới truyền đạt hết sức hấp dẫn ấy cho HS. Đã có sự am tường về tác phẩm nên khi đọc tác phẩm hoặc trích đoạn, GV truyền những cảm xúc thẩm mĩ về tác phẩm văn học của mình đến HS, để trong trái tim của HS cũng ngân lên những âm thanh, những hơi thở của cuộc sống, của con người, của thiên nhiên mà tác phẩm mang lại.

Đọc diễn cảm cũng là cơ sở quan trọng để tiết học về tác phẩm theo hướng vận dụng phương thức tạo hàm ngôn đạt hiệu quả bởi đọc diễn cảm là phát huy ưu thế của chất giọng, làm nổi lên cái hồn của tác phẩm, của tác giả và sự đồng cảm, nhập thân của người đọc. Người đọc phải làm sống dậy những cảm xúc ngủ yên trong chữ nghĩa và truyền cho được những vui buồn, xúc động hoặc âu lo của nhà văn không được thể hiện trực tiếp trên bề mặt câu chữ đến với người nghe thông qua sự đồng cảm xúc, đồng thể nghiệm của mình.

Truyện ngắn của Nam Cao là một truyện ngắn hiện thực đặc sắc nhiều kịch tính, nhiều tính cách, đan xen nhiều giọng điệu. Để đọc diễn cảm, người đọc cần chú ý làm nổi bật từng chất giọng riêng: giọng kể, giọng tả, giọng trần thuật, giọng đối thoại hay giọng của người kể truyện, giọng của nhân vật... Trong mỗi tác phẩm có sự pha trộn tài tình của các giọng điệu: giọng khách quan lạnh lùng, xen lẫn đồng cảm, sẻ chia, giọng trữ tình đầy chất thơ hòa lẫn với giọng văn xuôi phàm tục, giọng cay đắng chua chát xen lẫn hài hước tự trào. Chính giọng điệu ấy cũng đã hàm chứa những hàm ngôn. Khi

68

làm sống dậy giọng điệu của tác phẩm là người GV đã bước đầu giúp HS thấy tín hiệu của tính hàm ngôn sau câu chữ.

Khảo sát hai tác phẩm của Nam Cao có thể nhận thấy: Đối thoại trực tiếp của các nhân vật có nhưng không nhiều, phần lớn bị hòa tan trong lời dẫn dắt tâm trạng, lời nửa trực tiếp xuất hiện nhiều xen trong những biến tấu giọng điệu đột ngột. Do vậy người đọc buộc phải thay đổi giọng điệu khi đọc: Đoạn đầu của Chí Phèo là sự đan xen, chuyển biến giọng điệu giữa người kể truyện và Chí Phèo, thậm chí có lúc khó có thể phân biệt. Hoặc ở bản thân nhân vật Chí Phèo cũng có nhiều kiểu giọng mà tùy từng trường hợp, Chí mang ra đối phó: Chí có giọng bên trong của độc thoại nội tâm "...hắn đã già rồi hay sao? Ngoài 40 tuổi đầu... Hắn đã tới cái dốc bên kia của cuộc đời". Và có khi là giọng điệu bên ngoài – giọng của tiếng chửi: "Tức mình hắn chửi ngay tất cả làng Vũ Đại ...", có lúc đó là giọng sợ sệt khi hơi rượu đã tản mát bay "biết đâu cái lão cáo già này lừa hắn vào nhà rồi lại lôi thôi", có lúc là giọng dõng dạc của con người đòi lương thiện: "Tao muốn làm người lương thiện"...

Với Bá Kiến, khi đọc người đọc cũng cần chú ý khắc họa nhiều giọng điệu để làm nổi bật tính cách, bản chất của con người gian hùng tàn bạo này: Có lúc là giọng của kẻ đứng trên người khác:"các bà đi vào nhà, đàn bà chỉ lôi thôi, biết gì!", "Cả các ông các bà nữa, về đi thôi chứ!", đến cái giọng thân mật "Về bao giờ thế, sao không vào nhà tôi chơi?". Tiếp đến cần chú ý đến giọng suy nghiệm của cụ Bá về những kinh nghiệm của một tổng lí già đời: "thứ nhất sợ kẻ anh hùng, thứ nhì sợ kẻ cố cùng liều thân ...". Quả thật, giọng điệu của Bá Kiến không hề đơn giản mà trái lại rất sinh động và đa dạng, thể hiện qua những lần đối phó với Chí Phèo.

Nếu Bá Kiến có giọng điệu rõ ràng, cụ thể, sinh động đến đâu thì ngược lại, Chí Phèo và Thị Nở lại có điểm khác hẳn: ít nói và thiếu phần tự tin. Với Chí Phèo, Thị Nở có nói cũng chẳng thành câu cú gì, chỉ giỏi lườm và cấu véo. Ấy thế mà giọng thị cũng rành mạch, nghe là biết đích thị lời của ai rồi: "Vừa thổ hả?", "Đi vào nhà nhé", "Thì đứng lên". Điều quan trọng là

69

người đọc phải hết sức chú ý ở giọng điệu với những đối thoại "cộc lốc" của thị (mà phần lớn là những câu hỏi thiếu hồi âm) thể hiện ở ý nghĩa hụt hẫng của thân phận người đàn bà này.

Như vậy việc đọc kĩ, đọc sâu, đọc đúng, đọc diễn cảm văn bản không chỉ khơi dậy không khí của thiên truyện mà còn giúp cho bạn đọc HS hiểu sâu hơn ý đồ nghệ thuật của nhà văn, tư tưởng và tình cảm mà tác giả gửi gắm trong tác phẩm. Để việc tiếp nhận và cảm thụ truyện ngắn này được sâu sắc, nhiều chiều, trọn vẹn hơn, người GV cần khuyến khích HS tìm đọc trọn vẹn cả tác phẩm khi soạn bài.

GV cũng rất cần hướng dẫn HS đọc diễn cảm kết hợp với những hoạt động liên môn trong suốt giờ học: tổ chức cho HS thi đóng kịch về một giai đoạn nào đó trong cuộc đời của nhân vật chính, hoặc có thể trích một đoạn phim ngắn trong Làng Vũ Đại ngày ấy để thấy sự nhập vai của các diễn viên trong quá trình thể hiện nhân vật với giọng điệu riêng của nhân vật, cũng có thể cùng cho nhiều HS thể nghiệm những giọng điệu khác nhau của cùng một chi tiết nghệ thuật (Theo em, khi nói câu: "Giá cứ thế này mãi thì thích nhỉ?" giọng điệu của Chí như thế nào?)...Tất cả những việc làm và hoạt động như trên có tác dụng rất lớn đối với HS, nó không chỉ giúp khơi gợi, phát triển trí tưởng tượng phong phú về nhân vật hay kích thích hứng thú của các em trong quá trình học truyện ngắn của Nam Cao mà nó giúp cho HS nhận ra rằng: Sức hấp dẫn của văn học nằm ở chính bản thân của tác phẩm và không thể thấy được sức hấp dẫn của nó chỉ trên bề mặt của câu chữ, của ngôn từ! Vậy phải nắm vững tác phẩm, nắm vững từng đoạn, từng chi tiết... để bắt đầu cuộc hành trình khám phá tác phẩm với những tầng nghĩa của nó.

2.2.2. Đọc hiểu văn bản theo hướng khai thác các phương thức cấu tạo hàm ngôn ở cấp độ chi tiết, trường đoạn và cả tác phẩm

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học tác phẩm của Nam Cao trong trường trung học phổ thông từ việc khai thác các phương thức cấu tạo hàm ngôn (Trang 69 - 74)