Phân loại hàm ngôn

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học tác phẩm của Nam Cao trong trường trung học phổ thông từ việc khai thác các phương thức cấu tạo hàm ngôn (Trang 26 - 28)

10. Cấu trúc luận văn

1.1.3. Phân loại hàm ngôn

Giáo sư Đỗ Hữu Châu chia hàm ngôn làm hai loại: Hàm ngôn ngữ nghĩa và hàm ngôn dụng học [4, tr. 393] .

1.1.3.1. Hàm ngôn ngữ nghĩa

Hàm ngôn ngữ nghĩa là hàm ngôn được suy ra từ nội dung ngữ nghĩa tường minh của phát ngôn. Hàm ngôn ngữ nghĩa là các luận cứ hoặc kết luận không được nói ra một cách tường minh mà để cho người nghe rút ra dựa vào quan hệ lập luận. Hàm ngôn ngữ nghĩa có cơ sở là các lẽ thường.

Thứ nhất: Hàm ngôn ngữ nghĩa là các luận cứ hoặc kết luận không được nói ra một cách tường minh, mà để người nghe dựa vào quan hệ lập luận mà rút ra. Ví dụ phát ngôn sau: "- Ừ thì lấy! Con lớn thuốc, con bé thuốc ... thuốc lắm rồi sau cũng có lúc được đi ăn mày." (Nước mắt – Nam Cao) có hàm ngôn ngữ nghĩa là "hết cả tiền", có thể dựng lại quan hệ lập luận như sau: "thuốc lắm thì hết cả tiền, hết cả tiền mà không có việc thì phải đi ăn mày mới sống được" – Nam Cao đã bỏ đi luận cứ trung gian, luận cứ trung gian trở thành một hàm ngôn. Bằng phát ngôn này, nhân vật Điền muốn trách vợ về việc chỉ lo đến thuốc cho con mặc dầu bệnh của chúng không đáng lo mà không nghĩ đến việc tiền nong cạn kiệt.

Thứ hai là hàm ngôn ngữ nghĩa được suy ra từ một quan hệ lập luận đã cho một cách tường minh trong phát ngôn. Ví dụ phát ngôn: "nếu trời đẹp thì tôi đi chơi" gắn với hàm ngôn "còn trời mưa thì tôi ở nhà".

Có thể xếp vào hàm ngôn ngữ nghĩa hiện tượng do các yếu tố tình thái có trường tác động khác nhau như phát ngôn: "Anh ta không yêu cô ta vì cô ta giàu" (dẫn theo Đỗ Hữu Châu) có các hàm ngôn sau:

- Hàm ngôn "Anh ta không yêu cô ta, lí do của sự không yêu là sự giàu có của cô ta" nếu trường tác động của từ "không" rơi vào vị ngữ "yêu".

22

- Hàm ngôn "Anh ta yêu cô ta, nhưng lí do yêu không phải là sự giàu có của cô ta mà là một lí do nào khác" nếu trường tác động "không" rơi vào bổ ngữ "vì cô ta giàu".

Nói một cách tổng quát, hàm ngôn ngữ nghĩa có cơ sở là các topos (các lẽ thường). Do đó có thể gọi hàm ngôn ngữ nghĩa là hàm ngôn lập luận, cũng có thể gọi là hàm ngôn mệnh đề vì nó căn cứ vào mệnh đề được diễn đạt một cách tường minh trong phát ngôn. Xét theo sự phân loại của Grice thì hàm ngôn ngữ nghĩa là những loại hàm ngôn được suy ra từ nghĩa tường minh của phát ngôn, "chúng dựa vào các topos, ít lệ thuộc vào hoàn cảnh giao tiếp trực tiếp"[4, tr. 395], thường được biểu thị bằng một phương tiện ngôn ngữ đặc biệt.

1.1.3.2. Hàm ngôn ngữ dụng

Hàm ngôn ngữ dụng là những hàm ngôn do sự vi phạm các quy tắc ngữ dụng (bao gồm các quy tắc chỉ xuất, chiếu vật, quy tắc lập luận, quy tắc chi phối các hành vi ngôn ngữ, quy tắc hội thoại, trong đó quan trọng nhất là phương châm và các nguyên tắc cộng tác hội thoại của Grice) mà có. Theo các tác giả H.P. Grice, George Yule thì hàm ngôn ngữ dụng (tương ứng với tên gọi hàm ý hội thoại) hình thành từ sự vi phạm các quy tắc ngữ dụng sẽ phụ thuộc nhiều vào hoàn cảnh giao tiếp.

Đối tượng nghiên cứu của luận văn chủ yếu là hàm ngôn ngữ dụng. Tuy nhiên cần lưu ý: Hàm ngôn là điều ngầm ẩn mà người nói muốn hướng tới người nghe hay điều người nghe suy ý được từ phát ngôn, nó là phần ý nghĩa được thông báo nhiều hơn các từ ngữ trong phát ngôn. Nếu coi toàn bộ ý nghĩa ngầm ẩn mà người nói muốn hướng đến người nghe và ý nghĩa ngầm ẩn do người nghe suy ý từ phát ngôn đều thuộc phạm trù hàm ngôn thì phạm vi nghiên cứu về đối tượng sẽ vô cùng lớn. Bởi bất kì một cuộc giao tiếp nào, bất kì phát ngôn nào cũng có hàm ý kể cả những cuộc hội thoại tào lao chỉ với mục đích giải trí hoặc không có chủ đề. Điều này có thể nói trái với thực tế giao tiếp bởi lẽ không phải bất cứ hoạt động giao tiếp nào người giao tiếp cũng trao đổi thông tin với nhau bằng hàm ngôn. Hơn nữa, không ít những

23

hàm ngôn không có vai trò gì trong giao tiếp, tức là không phải là điều mà phát ngôn gửi gắm, cũng không phải là điều người nghe cần tiếp nhận và nhận ra. Đối tượng nghiên cứu và khảo sát mà luận văn hướng tới là những nội dung hàm ngôn nằm trong ý định truyền báo của người nói, người viết và được người đọc, người nghe suy ra và lĩnh hội.

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học tác phẩm của Nam Cao trong trường trung học phổ thông từ việc khai thác các phương thức cấu tạo hàm ngôn (Trang 26 - 28)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)