Các phương thức cấu tạo hàm ngôn

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học tác phẩm của Nam Cao trong trường trung học phổ thông từ việc khai thác các phương thức cấu tạo hàm ngôn (Trang 28 - 43)

10. Cấu trúc luận văn

1.1.4. Các phương thức cấu tạo hàm ngôn

Mặc dù cách phân chia ý nghĩa hàm ẩn có khác nhau (Đỗ Hữu Châu chia nghĩa hàm ẩn thành hai loại: Tiền giả định và hàm ngôn; còn Hoàng Tuệ lại chia nghĩa phát ngôn theo quan điểm phân chia lưỡng phân của Ducrot: Hiển ngôn và hàm ngôn thuộc nghĩa phát ngôn, ẩn ý và tiền giả định nằm trong hàm ngôn) nhưng có thể thấy mọi sự phân chia đều chỉ là tương đối. Hàm ngôn, hàm ý, ẩn ý... chỉ là những tên gọi. Chúng đều là những ý nghĩa ngầm ẩn nói chung. Do đó khi nói tới cơ chế, hay rộng hơn là phương thức tạo ra nghĩa hàm ẩn cũng là những cơ chế hay những phương thức tạo ra nghĩa hàm ngôn.

Theo Đỗ Hữu Châu, các ý nghĩa hàm ẩn không tự nhiên được tạo ra dựa vào tất cả các quy tắc ngữ dụng từ nguyên tắc chiếu vật và chỉ xuất, quy tắc chi phối các hành vi ngôn ngữ, quy tắc lập luận cho đến các quy tắc hội thoại. Tuy nhiên, các quy tắc này nếu được áp dụng một cách chuẩn mực, chân thực thì chỉ cho ta những ý nghĩa tường minh trong giao tiếp. Muốn tạo ra được hàm ngôn, "người nói một mặt phải tôn trọng các quy tắc này và giả định là người nghe cũng biết và tôn trọng chúng, mặt khác lại cố ý vi phạm chúng và giả định rằng người nghe cũng ý thức được chỗ vi phạm đó của mình".[4, tr. 377-378]

1.1.4.1. Sự vi phạm các quy tắc chiếu vật và chỉ xuất

Thuật ngữ chiếu vật được dịch từ chữ reference tiếng Anh. Theo các nhà ngôn ngữ học, thuật ngữ chiếu vật được dùng để chỉ phương tiện nhờ đó người nói phát ra một biểu thức ngôn ngữ, với biểu thức này người nói nghĩ

24

rằng nó sẽ giúp cho người nghe suy ra được một cách đúng đắn thực thể nào, đặc tính nào, quan hệ nào, sự kiện nào anh ta định nói đến.

Hình thức ngôn ngữ được dùng để chiếu vật là biểu thức chiếu vật. Cái được biểu thị bởi biểu thức chiếu vật là sự vật – nghĩa chiếu vật. Giữa biểu thức chiếu vật và nghĩa chiếu vật có quan hệ chiếu vật. Quan hệ chiếu vật là sự tương ứng của các yếu tố ngôn ngữ trong diễn ngôn với sự vật hiện tượng đang được nói tới trong một ngữ cảnh nhất định.

Ví dụ: " Mặt trời (1) của bắp thì nằm trên đồi

Mặt trời (2) của mẹ, con nằm trên lưng"

("Khúc hát ru những em bé lớn trên lưng mẹ" - Nguyễn Khoa Điềm) Trong hai câu thơ trên có hai từ "Mặt trời". Cùng một biểu thức chiếu vật "mặt trời" nhưng biểu thị những ý nghĩa chiếu vật khác nhau. Mặt trời (1)

chỉ " thiên thể nóng sáng, ở xa trái đất, là nguồn chiếu sáng và sưởi ấm chủ yếu cho trái đất. Mặt trời (2) dùng để chỉ em bé người dân tộc Tà Ôi trong cách gọi âu yếm, tin yêu của người mẹ. Em bé là tất cả ý nghĩa cuộc đời của mẹ, là nguồn động viên, tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho mẹ trong công cuộc lao động, sản xuất ra lúa gạo để tiếp tế nuôi bộ đội.

Trong giao tiếp, người nói (người viết) có ý định chiếu vật khi dùng từ ngữ và phải có niềm tin chiếu vật, đích chiếu vật, kế hoạch chiếu vật và các hành động cụ thể tạo ra các biểu thức chiếu vật sao cho đạt hiệu quả. Niềm tin chiếu vật thể hiện ở chỗ căn cứ vào hình ảnh tinh thần mà mình xây dựng được về người nghe, người đọc mà người nói, người viết cho rằng người nghe, người đọc qua biểu thức chiếu vật mà mình đưa ra trong phát ngôn, đối chiếu với ngữ cảnh sẽ xác định được nghĩa chiếu vật như mình mong muốn. Tức là người tạo phát ngôn tin rằng người tiếp nhận có khả năng suy ý (to infer) từ biểu thức chiếu vật của mình mà xác định được nghĩa chiếu vật của từ ngữ. Hơn nữa, vì đích chiếu vật là làm cho người nghe biết cái mà mình nói trong phát ngôn là nói về cái gì, làm cho người nghe nắm được ý nghĩa chiếu vật, cho nên người nói phải xây dựng được biểu thức chiếu vật phù hợp

25

với khả năng suy ý của người nghe thì người nghe mới không bị quy chiếu nhầm sự vật - nghĩa chiếu vật. Có thể dùng các phương thức chiếu vật như: dùng tên riêng, biểu thức miêu tả, chỉ xuất.

Về phía người nghe, khi tham gia hoạt động giao tiếp, trước những từ ngữ của người nói cũng phải tin rằng người này có ý định chiếu vật, từ đó mà vận dụng các quy tắc chiếu vật để quy chiếu đúng và tìm ra ý nghĩa chiếu vật. Giữa các thực thể và các từ không có mối liên hệ nên nhiệm vụ của người nghe là phải suy luận đúng thực thể mà người nói muốn chiếu vật.

Thực tế sử dụng ngôn ngữ là không phải lúc nào các nhân vật giao tiếp cũng thực hiện hành động ngôn ngữ chiếu vật theo đúng quy tắc của nó. Các yếu tố trong diễn ngôn mà người nói, người viết sử dụng có thể không có sự tương ứng với sự vật, hiện tượng đang được nói tới trong hoàn cảnh giao tiếp hoặc có sự nhầm lẫn của người nhận trong việc xác định nghĩa chiếu vật của biểu thức chiếu vật. Trong những trường hợp như vậy, người nói, người nghe đã vi phạm quy tắc chiếu vật. Cụ thể:

Một là: Có thể tạo ra hàm ngôn do người nói vi phạm quy tắc sử dụng biểu thức chiếu vật hoặc người nghe vi phạm quy tắc giải mã biểu thức chiếu vật. Ví dụ: "Trong một giờ lịch sử, thấy An đang mơ màng nhìn ra cửa sổ, cô giáo ngừng giảng bài, hỏi:

- An, ai đã lấy cắp nỏ thần của An Dương Vương? - Dạ... Em không biết ạ!

- Em không chú ý nghe giảng. Được rồi, chiều nay mời mẹ đến gặp cô. Chiều mẹ An đến, chưa kịp nghe cô giáo nói đã vội trình bày:

- Thưa cô, cháu An nhà tôi từ nhỏ chưa lấy trộm của ai cái gì bao giờ. Không phải cháu đã lấy chiếc nỏ đâu ạ! Mong cô xét lại." ( Truyện cười hiện đại)

Ở ví dụ trên, An và mẹ đã giải mã sai biểu thức chiếu vật bởi đã tách rời biểu thức chiếu vật với hoàn cảnh giao tiếp, dẫn đến tình trạng "ông nói gà, bà nói vịt".

26

Hai là: Trong quá trình giao tiếp, đôi khi các nhân vật giao tiếp cố tình vi phạm quy tắc chiếu vật để tạo ra hàm ngôn trong phát ngôn của mình nhằm đạt được mục đích giao tiếp. Ví dụ:

"Đơn vị hành quân dã ngoại, dọc đường nghỉ tại nhà dân. Chiến sĩ A mượn cụ chủ nhà con dao để chặt cây. Vốn tính cẩu thả, khi dùng xong, con dao bị mẻ nham nhở nhiều chỗ, chiến sĩ A vẫn đưa trả cụ chủ nhà mà không mài lại. Cụ chủ nhà cầm con dao, nheo mắt hỏi:

- Chú có trả nhầm không đấy?

- Dạ không ạ. Vừa nãy cháu mượn con dao này mà. - Thế mà bây giờ chú trả cưa. Không nhầm là gì?"

(Tiếu lâm Việt Nam hiện đại)

Cụ chủ nhà cố tình gọi tên sai sự vật. Cụ không gọi là "dao" mà gọi là "cưa". Chỉ cần với cách gọi tên sai đó của cụ, người nghe, người đọc hình dung được một cách hình ảnh về tình trạng con dao có lưỡi sứt mẻ nhiều chỗ như lưỡi cưa vậy, đồng thời chiến sĩ A sẽ thấy cụ chủ nhà tỏ ý không hài lòng một cách tế nhị, với hàm ý nhắc nhở, trách móc sự cẩu thả, thiếu trách nhiệm của người chiến sĩ trẻ.

Cũng cần lưu ý: Trong tiếng Việt, hệ thống các từ xưng hô trong hội thoại hết sức phức tạp, tế nhị. "Mỗi cặp từ xưng hô (ngôi thứ nhất và ngôi thứ hai) đều tiền giả định những kiểu quan hệ vị thế hội thoại nhất định và việc sử dụng cặp từ xưng hô nào sẽ quy định quan hệ giao tiếp cần phải giữ trong suốt cuộc hội thoại." [4, tr. 378]. Khi một người trong số những người tham gia giao tiếp đột ngột chuyển cách xưng hô thông thường thì cách xưng hô mới bao giờ cũng ẩn chứa hàm ý về sự thay đổi mối quan hệ giữa những người tham gia giao tiếp. Cách xưng hô hàm chứa một hàm ngôn nào đó.

1.1.4.2. Sự vi phạm các quy tắc hội thoại

Hội thoại là hình thức giao tiếp thường xuyên, phổ biến của ngôn ngữ. Các nhà ngữ dụng học như C. K. Orechioni, Sacks, Scheglofs, P. Grice ... đã

27

giành cho lí thuyết hội thoại sự quan tâm đặc biệt và họ đã tìm ra hệ thống những quy tắc điều khiển cấu trúc – chức năng hội thoại.

Luận văn chỉ tập trung vào nguyên tắc cộng tác hội thoại, lí thuyết quan yếu và phép lịch sự để chỉ ra sự vi phạm các nguyên tắc hội thoại đó trong việc tạo ra những hàm ngôn trong giao tiếp.

Thứ nhất là nguyên tắc cộng tác hội thoại (của Grice)

Nguyên tắc cộng tác hội thoại do Grice nêu ra từ năm 1976 và được phát biểu một cách tổng quát như sau: "Hãy làm cho phần đóng góp của anh chị vào cuộc hội thoại như nó được đòi hỏi ở giai đoạn của cuộc hội thoại mà nó xuất hiện phù hợp với đích hay phương hướng của cuộc hội thoại mà anh chị đã chấp nhận tham gia vào" [4, tr. 229]. Nguyên tắc cộng tác hội thoại trên được Grice tách thành 4 phương châm nhỏ:

(1) Phương châm về lượng

a) Hãy làm cho đóng góp của anh chị có lượng tin đúng như đòi hỏi. b) Đừng làm cho phần đóng góp của anh chị có lượng tin lớn hơn đòi hỏi. (2) Phương châm về chất

Hãy cố gắng làm cho phần đóng góp của anh là đúng, đặc biệt là: a) Đừng nói điều gì mà anh tin là không đúng.

b) Đừng nói điều gì mà anh không đủ bằng chứng. (3) Phương châm quan hệ

Hãy làm cho đóng góp của anh quan yếu, tức là hãy nói vào đề, nói đến điều dính líu đến câu chuyện đang diễn ra.

(4) Phương châm cách thức

Dạng tổng quát của phương châm này là hãy nói cho rõ ràng, dễ hiểu và đặc biệt là:

a) Tránh lối nói tối nghĩa

b)Tránh lối nói mập mờ (có thể hiểu nhiều nghĩa ) c) Hãy nói ngắn gọn (tránh nói dài dòng)

28

Nguyên tắc cộng tác và các phương châm của Grice đúng cho những cuộc hội thoại chân thực, trong đó những người tham gia hội thoại thực sự muốn làm cho nó đạt hiệu quả một cách tường minh, trực tiếp. Nếu như vậy, cuộc hội thoại sẽ đạt được tính cộng tác giữa những người tham gia hội thoại, đạt được tính quan yếu, có nghĩa là những điều được nói ra luôn bám sát vấn đề được đưa ra trò chuyện, đạt được tính chân thành có nghĩa là người tham gia hội thoại mong muốn chân thành nó sẽ thành công, đạt yêu cầu về lượng tin và đạt yêu cầu triệt để. Đồng thời cũng có nghĩa: những điều mà người tham gia hội thoại cho rằng cần phải biết thì được biết hết, những gì cần giải quyết thì giải quyết xong.

Đối với những cuộc hội thoại chân thực, nguyên tắc và phương châm cộng tác của Grice có vẻ như không có gì đáng phải chú ý. Nhưng trong hội thoại, không phải bao giờ chúng ta cũng trò chuyện với nhau một cách "thẳng thắn" những điều cần nói. Gặp những trường hợp đó, nguyên tắc và phương châm cộng tác của Grice đóng vai trò quan trọng vì chúng sẽ có hiệu lực giải thích những ẩn ý sau câu chữ.

Thứ hai, nguyên tắc về lí thuyết quan yếu (của Wilson và Serber)

Wilson và Sperbe cho rằng Grice đã chú ý quá nhiều đến tương tác bằng ngôn ngữ. Các tác giả này nhận thấy không cần đến 4 phương châm, chỉ với 1 phương châm quan yếu sẽ đủ lí giải toàn bộ cơ chế của hoạt động giao tiếp. Theo hai tác giả này, tất cả các phát ngôn đều có tính quan yếu. Một phát ngôn có tính quan yếu là một phát ngôn có tác động đối với ngữ cảnh cho nên tác động đến ngữ cảnh là tác động đến người giao tiếp, trước hết là người tiếp nhận. Nói cách khác, một phát ngôn càng quan yếu khi nó càng làm giàu thêm hoặc làm thay đổi càng nhiều hiểu biết và quan niệm của người nghe.

Giữa cách hiểu về khái niệm quan yếu của Grice với Wilson và Serber có sự khác nhau. Quan yếu theo Grice là có liên quan, dính líu đến đề tài, đến đích, đến phương hướng cuộc hội thoại cho nên là tính chất của phát ngôn trong quan hệ với các phát ngôn khác xuất hiện trong hội thoại. Còn quan yếu

29

trong quan niệm Wilson và Serber là tính chất của phát ngôn đó đối với ngữ cảnh, đối với người tiếp nhận, do đó ít bị lệ thuộc vào các phát ngôn khác.

Thứ 3, nguyên tắc về phép lịch sự (của R. Lakeff, G.Nleech, P. Brown, S. Lesvison)

Muốn hội thoại thành công, bên cạnh nguyên tắc cộng tác không thể bỏ qua nguyên tắc lịch sự. Orechioni định nghĩa: "Khái niệm lịch sự bao trùm tất cả các phương diện của diễn ngôn bị chi phối bởi các quy tắc có chức năng giữ gìn tính chất hài hòa của quan hệ liên cá nhân" [33, tr. 82]

Quan hệ liên cá nhân có hai lĩnh vực. Thứ nhất là lĩnh vực của quan hệ dọc và quan hệ ngang gồm những yếu tố ít nhiều cố định, hình thành do tập tục, ít nhiều có tính quy ước xã hội. Thứ hai là lĩnh vực của những quan hệ liên cá nhân hình thành ngay trong cuộc hội thoại, có thể mất đi khi cuộc hội thoại chấm dứt, có khi để lại những dấu vết và những dấu vết này tích lũy dần qua năm tháng giao tiếp để rồi đi vào lĩnh vực thứ nhất. Ứng với hai lĩnh vực đó của quan hệ liên cá nhân, ta có hai phương diện lịch sự: Lịch sự quy ước của xã hội (lịch sự quy ước, lịch sự chuẩn mực) và lịch sự trong giao tiếp (lịch sự chiến lược).

Đặc tính của lịch sự quy ước là có những phương tiện ít nhiều quy ước, bắt buộc khiến cho bất kì ai rơi vào một vị trí ở trục quan hệ dọc hay trục quan hệ ngang nào đó cũng phải sử dụng, nếu không sẽ bị xem là bất lịch sự hoặc vô lễ, hoặc hỗn láo, hoặc lạnh lùng, vô tình, khách sáo ... Phép lịch sự quy ước chia thành hai nhóm theo quan hệ dọc và quan hệ ngang. Quan hệ dọc là trục quan hệ quyền thế, được phân chia thành nhiều bậc khác nhau từ cao xuống thấp. Phép lịch sự này được gọi là phép lịch sự vị thế. Quan hệ ngang là quan hệ thân cận – thân sơ cũng được chia thành cấp bậc khác nhau. Phép lịch sự này được gọi là lịch sự thân sơ.

Phương diện lịch sự thứ hai là lịch sự chiến lược: Lịch sự chiến lược liên quan tới những cái xảy ra trong cuộc hội thoại chứ không bị quy định của nguồn gốc xã hội như lịch sự quy ước. Vì thế lịch sự chiến lược có thể hiểu là

30

lịch sự bao trùm tất cả các phương diện của việc sử dụng các hành vi ở lời và việc đề cập đến các đề tài sao cho có thể giữ gìn được tính chất hài hòa của quan hệ liên cá nhân trong cuộc hội thoại. Ví dụ: "– Bạn có thể mở nhỏ đài

đi một chút được không?" Điều được thỉnh cầu ở đây được rào đón và được

nói theo lối nói hàm ẩn để giữ gìn được mối quan hệ liên cá nhân trong cuộc hội thoại.

Lưu ý: Brown và Levinson xây dựng lí thuyết về lịch sự chiến lược trên cơ sở khái niệm thể diện. "Thể diện nên hiểu là cảm giác về giá trị cá nhân của mỗi người, nó là hình ảnh về ta, về chính mình. Cái hình ảnh này có thể bị tổn hại, được giữ gìn hay được đề cao trong tương tác" [33, tr. 85].

Có hai chiến lược lịch sự: Lịch sự âm tính và lịch sự dương tính.

Phép lịch sự âm tính hướng vào thể diện âm tính của người tiếp nhận. Nó có tính lảng tránh, nghĩa là tránh không dùng những hành vi đe dọa thể diện, hoặc có tính bù đắp, nghĩa là bù đắp lại những tổn hại về thể diện khi không thể tránh mà bắt buộc phải thực hiện một hành động đe dọa thể diện

Một phần của tài liệu Phương pháp dạy học tác phẩm của Nam Cao trong trường trung học phổ thông từ việc khai thác các phương thức cấu tạo hàm ngôn (Trang 28 - 43)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(150 trang)